10
topics
554595

Mở cửa sau đại dịch, “cuộc chiến” của các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu

La Hoàng 01/10/2021 11:08

Trong 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của toàn thể xã hội. Tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, hầu hết mọi hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động văn hóa, xã hội của con người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Để ứng phó với điều này, mỗi quốc gia buộc phải thích nghi và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, phục hồi nền kinh tế, cũng như cải thiện hệ thống an sinh xã hội một cách tốt hơn. Hòa vào xu hướng đó, Việt Nam cũng đang ráo riết chuẩn bị trở lại mạnh mẽ thông qua việc mở cửa nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, sự khôi phục này vấp phải rất nhiều khó khăn đối với một nền kinh tế vốn còn non trẻ và bị tác động sâu sắc bởi dịch bệnh.

Ngành may mặc sẽ đối mặt khó khăn trong bài toán nhân lực.

Cụ thể, khi tiến hành mở cửa trở lại, với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp dệt may, rất dễ bị rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Điều này có thể được lý giải là khi dịch bệnh diễn ra phức tạp và khó lường, việc đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng lao động và duy trì tính liên lục của hoạt động sản xuất là vô cùng khó khăn. Rất nhiều người lao động buộc phải rời bỏ doanh nghiệp và quay trở về quê hương. Vấn đề này đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp khi nền kinh tế đi vào giai đoạn khôi phục.

Thực tế cho thấy sau khi có quyết định mở cửa, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên đột biến, tưởng chừng như đây là một cơ hội, nhưng tiềm ẩn của nó lại là bài toán khó cho các doanh nghiệp sản xuất. Thách thức được đặt ra khi số lượng người lao động cũ không thể quay lại nơi làm việc ngay cùng một thời điểm, do công tác tiêm chủng vaccine là khác nhau tại mỗi địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nhân lực và phổ cập kiến thức ngành nghề không thể diễn ra gấp rút, bởi sẽ làm ngăn cản phương án sử dụng lực lượng lao động mới thay thế của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, sự tàn phá của dịch bệnh buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất khi nguồn cung ứng gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Vì thế, sự thiếu hụt về điều kiện sản xuất và khủng hoảng nguồn lực sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với ngành công nghiệp cung cấp hàng tiêu dùng khi nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch.

Không chỉ riêng ngành may mặc, goài ra, sự ngưng trệ trong hoạt động giao thương và hội nhập quốc tế đã tác động nặng nề đến lĩnh vực vận tải – hàng không của Việt Nam. Trên thực tế, để kịp thời ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng của đại dịch, ngành vận tải – hành không buộc phải chấp nhận sự gián đoạn gần như hoàn toàn trong suốt 2 năm vừa qua. Tình trạng đóng cửa toàn bộ sân bay quốc tế và nội địa, sự dư thừa của nguồn nhân lực, cũng như tốc độ tăng trưởng doanh thu tụt dốc không phanh khiến ngành vận tải – hàng không trở thành một trong những ngành nghề đối mặt nhiều khó khăn nhất khi hoạt động kinh tế đi vào giai đoạn phục hồi. Đặc biệt, khi hầu hết doanh nghiệp hàng không tư nhân đi vào bờ vực phá sản, tất yếu, doanh nghiệp kinh doanh hàng không do Nhà nước bảo trợ sẽ phải đóng vai trò chủ lực trong bối cảnh mới. Không chỉ vậy, với tinh thần sống chung với dịch bệnh, trách nhiệm này còn tăng lên gấp bội khi doanh nghiệp không chỉ cần đáp ứng sự tăng lên trong nhu cầu đi lại, mà còn cần tập trung đảm bảo sức khỏe cộng đồng một cách chặt chẽ hơn.

Các hãng hàng không tư nhân đang đứng bên bờ vực phá sản.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh du lịch và khách sạn cũng biểu thị rõ nhất cho sự sụp đổ của nền kinh tế dưới tác động tàn khốc của đại dịch. Đây cũng chính là ngành nghề chịu sự ảnh hưởng toàn diện nhất hậu dịch bệnh. Trên thực tế, có thể thấy rằng, hàng loạt khu du lịch và khách sạn lớn, nhỏ, cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ buộc phải đóng băng hoạt động trong một thời gian rất dài. Sự khốc liệt đó biểu thị trên mọi phương diện: Sự cạn kiệt của nguồn nhân lực, áp lực tài chính khổng lồ để duy trì cơ sở kinh doanh, cũng như mức nhu cầu về du lịch và giải trí gần như bằng 0. Không chỉ vậy, kể cả hậu đại dịch, hi vọng vực dậy ngành du lịch, khách sạn sẽ là điều chật vật và khó khăn. Dưới góc nhìn sức khỏe của cộng đồng, tâm lí sử dụng dịch vụ du lịch của người tiêu dùng đang và sẽ thay đổi theo hướng khắt khe hơn rất nhiều. Khách hàng sẽ không dễ dàng ra quyết định chọn lựa điểm đến nếu họ cảm thấy chưa đủ an toàn để lưu trú tại một quốc gia hoặc địa phương nơi dịch bệnh vẫn còn tiềm tàng. Vì thế, có thể nhận định rằng, Việt Nam sẽ phải mất một khoảng thời gian khá dài để khôi phục lại hoàn toàn lĩnh vực quan trọng này trong sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Tuy nhiên, dưới một góc nhìn tích cực hơn, thông qua tác động của đại dịch, một số lĩnh vực ngành nghề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, đầy hứa hẹn trong công cuộc khôi phục và mở cửa nền kinh tế.

Cụ thể, ngành trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông lâm thủy sản đóng vai trò chủ chốt xuyên suốt thời gian Việt Nam đối mặt với đại dịch. Tuy vẫn tồn tại những hạn chế và khó khăn nhất định trong công tác kiểm soát dịch bệnh, mức tăng trưởng của ngành nghề này vẫn luôn ở mức ổn định, cũng như luôn trong điều kiện sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu gia tăng kể cả trong và ngoài nước sau đại dịch.

Bên cạnh đó, nền kinh tế sẽ có xu hướng nâng cao vai trò của lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ sau khi Việt Nam kiểm soát được tương đối tình hình dịch bệnh. Cụ thể, với sự sẵn sàng của nguồn cung từ lĩnh vực sản xuất và chế biến, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản, cùng sự thúc đẩy hoạt động thông quan, giao thương quốc tế của Chính phủ, lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hoàn toàn là một bước đệm thuận lợi trong công cuộc khôi phục sự phát triển kinh tế đất nước hậu dịch bệnh.

Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang rất thuận lợi.

Nhìn chung, công cuộc mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam mang những cơ hội phát triển đầy tiềm năng, song những ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế cũng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, có thể hiểu rằng, kế hoạch mở cửa nền kinh tế gắn liền với yếu tố đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng là một nhiệm vụ vô cùng to lớn đối với Việt Nam hậu dịch bệnh.

La Hoàng

Đọc nhiều