8
category
510416

Mỏ cát trên sông Tiền được mua giá 2.811 tỷ đồng, lãnh đạo tỉnh nói gì?

Hồng Anh 10/04/2021 16:58

Người dân và các doanh nghiệp tại tỉnh An Giang đang xôn xao việc đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền từ 7,2 tỉ đồng khởi điểm nhưng được đại gia ở TP.HCM đấu trúng với giá hơn 2.811 tỉ đồng.

Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết vài ngày trước đơn vị tổ chức đấu giá công khai khoáng sản cát sông tại 2 mỏ cát trên sông Hậu xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng và trên sông Tiền tại khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới có giá 7,2 tỉ đồng.

Tại mỏ cát sông Tiền có 19 doanh nghiệp nộp đơn xin đấu giá quyền khai thác mỏ cát này.

Kết quả cuối phiên đấu giá, một “đại gia” ở TP.HCM trúng đấu giá với số tiền trên 2.811 tỉ đồng đối với mỏ cát sông Tiền và một doanh nghiệp ở thị xã Tân Châu, An Giang trúng đấu giá mỏ cát trên sông Hậu với mức giá gần 273 tỉ đồng.

Hoạt động khai thát cát trên sông Tiền tại An Giang. Ảnh: An Phú
Hoạt động khai thát cát trên sông Tiền tại An Giang.

Ngày 10/4, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường tỉnh An Giang đánh giá kết quả đấu giá mỏ cát tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, là quá bất thường. Tỉnh hiện có 6 mỏ cát với 10 đơn vị khai thác. Các lần đấu giá trước không cao đột biến như thế.

Ông Trí tính toán, với trữ lượng cát ước tính 2,4 triệu m3, doanh nghiệp bỏ ra khoảng 145 tỷ đồng là có thể nhận quyết định trúng đấu giá. Với mức cho phép khai thác mỗi năm 200.000 tấn thì doanh nghiệp được khai thác tối đa là 12 năm.

“Nếu tính giá cát là 67.500 đồng, nhân với trữ lượng này thì số tiền đấu giá tới 2.811 tỷ đồng là không hợp lý rồi”, ông Trí nói. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có đủ năng lực thì họ có quyền đấu giá cao nhất để giành quyền khai thác và tỉnh phải công nhận họ trúng đấu giá.

Sau khi các đơn vị đo đạc, đánh giá lại trữ lượng chính thức và làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan chức năng sẽ cấp phép khai thác. Nếu trữ lượng thực tế nhiều hơn 2,4 triệu m3, số tiền doanh nghiệp phải nộp sẽ tăng lên.

Cát đang khan hiếm nên mấy tháng nay sà lan lấy cát lúc nào cũng đậu dày đặc trên sông Tiền

Ông Trần Thanh Hải – chánh văn phòng Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang – cho biết An Giang có trữ lượng cát lớn nhất khu vực ĐBSCL. Việc cung cấp cát cho tỉnh là áp lực nhưng lại cung cấp cả cho khu vực ĐBSCL nữa nên nguồn cát sông thời gian gần đây tăng giá và khan hiếm là khó tránh khỏi.

Mỏ cát xây dựng vật liệu thông thường trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới có trữ lượng khoảng 3 triệu khối cát và mỏ cát tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú có trữ lượng khoảng 1,5 triệu khối cát.

“Đây là lần đầu tiên An Giang đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông được số tiền ‘khủng khiếp’ như vậy. Từ xưa đến giờ tôi chưa thấy lần đấu giá mỏ cát nào được số tiền lớn như vậy” – ông Hải khẳng định.

Dư luận đang bàn tán xôn xao việc một doanh nghiệp tại TP.HCM đấu giá mỏ cát khoảng 3 triệu khối nhưng lại đồng ý mua với số tiền trên 2.811 tỉ đồng

Theo quy định của luật đấu giá, vài ngày nữa, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh sẽ trình UBND tỉnh An Giang ký quyết định trúng đấu giá. Sau đó, trong vòng 90 ngày, đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Sau đó, từng năm sẽ thu riêng số tiền còn lại nhưng phải thanh toán xong trong vòng 1/2 thời gian được cấp quyền khai thác.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng việc đấu giá có dấu hiệu bất thường nên đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, tính toán lại, tránh trường hợp đấu thầu “ảo”. “Mấy ngày qua, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp vẫn chưa liên hệ với tỉnh. Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể và khi nào họ nộp đủ tiền vào ngân sách theo quy định thì tỉnh mới tính kế hoạch sử dụng số tiền này”, ông Bình nói.

Hồng Anh 

Đọc nhiều