Miền Trung oằn mình trong bão lũ, áo phao cứu sinh lại tăng giá trục lợi?
Những ngày miền Trung lũ chồng lũ, mặt hàng áo phao cứu hộ được các đoàn cứu trợ ưu tiên tìm mua. Trên các ngả đường về vùng lũ, những chuyến xe thiện nguyện vẫn miệt mài đi, về. Nhiều chuyến xe chất đầy áo phao chở từ Hà Nội, TP.HCM hoặc các tỉnh, thành khác đến. Nhưng hiện nay hầu hết các cửa hàng có bán mặt hàng này đều thông báo cháy hàng, thậm chí nhiều nơi có hàng thì tăng giá bán gấp đôi gấp ba.
“Từ tuần trước, hơn 2.000 áo phao cứu sinh chúng tôi để trong kho đã được đưa đi vào miền Trung hết rồi. Bây giờ muốn có hàng thì phải đặt hàng vài ngày đến 1 tuần mới có hàng”, chủ cửa hàng trên phố Yết Kiêu, Hà Nội nói. Ngoài ra, người chủ cửa hàng này cho hay, hầu hết các cửa hàng bán đồ bảo hộ ở Hà Nội hiện nay đều cháy hàng do sức mua khủng. Bởi từ khi miền Trung có lũ, các đơn vị, đoàn từ thiện liên tục mua áo để chuyển vào. Theo một số chủ hàng, khả năng là họ cũng không còn hàng để bán vì mặt nó không phải là hàng hóa mà ai cũng cần nên các cửa hàng chỉ trữ với số lượng vừa phải, khoảng vài trăm chiếc và đã bán hết sạch chỉ sau vài lời kêu gọi.
Hiện nay, những dòng trạng thái “cần mua gấp áo phao để chuyển vào miền Trung” cũng vẫn được chia sẻ khắp các mạng xã hội. Chị Linh, một thành viên của nhóm từ thiện cho hay, trong ngày 20/10, chị và nhóm từ thiện đã lùng sục khắp nơi để tìm mua các loại áo phao với số lượng lớn, nhưng các mối bán có giá cả hợp lý đều hết hàng. Những nơi còn hàng thì giá rất cao, giá từ 100.000-150.000 đồng/chiếc size người lớn. Điều đáng nói, cùng chiếc áo phao như vậy, nhưng những ngày trước khi xảy ra lũ, áo phao bán ra chỉ từ 40.000 đến 70.000 đồng/chiếc.
“Thực sự buồn vì một số người lại lợi dụng điều này để tăng giá bán trục lợi cho bản thân. Đây là việc làm quá thất đức khi lợi dụng lúc đồng bào đang lúc khó khăn vì lũ lụt để trục lợi” – chị Nhung (Hà Nội) bức xúc nói.
Điều này khiến tôi bỗng nhớ đến câu chuyện khẩu trang hồi đầu năm nay, khi cơn sốt khẩu trang tăng lên thì nhiều người đã lợi dụng để găm hàng đẩy giá lên cao, từ 1 hộp 25.000 đồng lên đến 250.000. Giờ đây đối với nhân dân miền Trung đang chịu cảnh màn trời chiếu đất thì chiếc áo phao như là cứu cánh cho mạng sống của họ. Hơn thế, khi chiếc áo phao đó được mua với ý nghĩa quyên góp, từ thiện, nó còn mang cả cái “tình” và tính “người” trong đó.
Nhớ đến sản phụ ở Phong Điền bị nước lũ cuốn trôi trên đường đến nơi sinh nở, tôi nghĩ nếu chị ấy có một chiếc áo phao thì khả năng sống sót rất cao. Và chúng ta không phải đau lòng trong mấy ngày nay vì cái chết của những người vùng lũ, đặc biệt một cháu bé mới 3 tuổi ở Hòa Vang, Đà Nẵng đã không may bị đuối nước và tử vong.
Ông Nguyễn Hiển (Quảng Trị) bày tỏ: “Chúng tôi sống trong lũ, rất cần chiếc áo phao để đảm bảo an toàn. Đoàn từ thiện đã mang áo phao, thuốc chống ngứa đến cho người dân. Tôi thấy đoàn từ thiện rất thấu hiểu vùng lũ, biết được chúng tôi cần áo phao, để đi từ nhà này sang nhà kia và khi trời tối, nhất là đối với người già như chúng tôi mắt kém, đi lại khó khăn”. Vậy tại sao khi những người dân nghèo đang vật lộn với lũ dữ đang rất cần áo phao thì chúng ta lại tăng giá bán khi các đoàn thiện nguyện gom mua? Nếu vì lợi nhuận mà đẩy giá quá cao so với giá thành giữa lúc ngặt nghèo này, vậy những người buôn bán có xứng với sứ mệnh của “thương nhân”, “doanh nhân” tạo ra giá trị cho xã hội?
Đáng mừng là Chính phủ và Bộ ngành đã vào cuộc kịp thời. Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường – khẳng định sẽ xử lý nghiêm thương lái găm hàng, đẩy giá áo phao. Ông Bình cho biết, hiện Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các Cục Quản lý thị trường các tỉnh xảy ra lũ lụt phải tìm các biện pháp để bình ổn giá cả và đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho người dân. Đảm bảo không vì lũ lụt mà tăng giá, gây khó khăn cho người dân vùng lũ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhu cầu sử dụng áo phao của đồng bào vùng lũ, lượng hàng hóa trong lưu thông để có cơ chế điều tiết, đảm bảo nhu cầu sử dụng của đồng bào vùng lũ lụt, tránh trường hợp các đối tượng vật chất đạo đức kinh doanh để trục lợi.
Qua sự việc này, thiết nghĩ mỗi gia đình ở các tỉnh miền Trung cần trang bị cho gia đình mình những chiếc áo phao để chủ động với lũ lên bất ngờ. Nếu mỗi người dân trong vùng ngập lũ đều được trang bị áo phao thì khả năng được cứu sống khi gặp tai nạn rơi xuống nước hay bị lũ cuốn là rất lớn. Điều này sẽ góp phần làm giảm thương vong trong mùa lũ rất nhiều.
Quả thực, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh đe dọa tính mạng, sức khỏe, đời sống của nhiều người, chúng ta rất dễ phân biệt được người tốt, kẻ xấu. Khi đó, người tốt thường hảo tâm, nhường cơm, sẻ áo cho những người trong cơn hoạn nạn, còn những kẻ xấu chỉ biết gõ bàn phím lộng ngôn, xuyên tạc lòng tốt của người khác, lợi dụng vào đó mà trục lợi, làm giàu trên nỗi sợ hãi, hiểm nguy của đồng bào mình.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả