Miền Trung mưa dồn dập, nước lũ tràn vào phố cổ Hội An
Do tình hình mưa lũ phức tạp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong ngày 8-10. Còn tại Quảng Nam nhiều xã ven sông Vu Gia, Thu Bồn bị ngập lũ.
Theo ghi nhận đến 7h sáng 8-10, tại huyện Đại Lộc, một số xã như thị trấn Ái Nghĩa, Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Hưng…, nước sông Vu Gia dâng cao gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường, nhà dân. Người dân đã chủ động dọn đồ đạc lên cao để tránh lũ.
Anh Nguyễn Thanh Hòa, thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, cho biết đến sáng nay, nước sông dâng cao đã gây ngập lũ ở thôn này, một số đoạn đường, nhà thấp bị ngập lũ từ 0,5 đến 1m.
Ông Hồ Ngọc Mẫn – phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam – cho biết hiện mực nước sông Vu Gia ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc hơn 9,10m, ở trên mức báo động 3 nên một số tuyến đường quan trọng ở địa phương bị ngập lụt như tuyến quốc lộ 609 Ái Nghĩa đi xã Đại Hiệp, từ Ái Nghĩa đi xã Đại An, Đại Hòa. Nhiều xã ven sông Vu Gia, Thu Bồn bị ngập lũ.
“Huyện đã chỉ đạo các địa phương từ sáng sớm nay chốt chặn các tuyến đường ngập lũ, không cho người dân qua lại để tránh những tai nạn đáng tiếc do lũ”, ông Mẫn nói.
Theo số từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến 6h cùng ngày, thủy điện Sông Bung 4 xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 153m3/s, Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn với lưu lượng 113m3/s.
Sáng 8-10, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết tuyến đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh có tới 44 điểm sạt lở, với khối lượng trên 30.000m3 đất đá.
Tương tự, tuyến tỉnh lộ 676 từ trung tâm huyện Kon Plông đi các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút,… có 30 điểm sạt lở.
Tỉnh lộ 673 từ trung tâm huyện Đăk Glei đi các xã Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh có 27 điểm sạt lở.
UBND tỉnh Kon Tum đã chi hơn 2 tỷ đồng để khắc phục các điểm nghẽn trên các tuyến đường này.
Nước lũ tràn vào phố cổ, Hội An lên phương án di dời dân
Lúc 9h ngày 8-10, ông Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch thường trực UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) – cho biết nước lũ đã tràn vào một số tuyến đường đi bộ trong phố cổ, Hội An đang chuẩn bị di dời các hộ dân ở vùng trũng thấp.
Theo ông Hùng, hiện nước sông Hoài qua Hội An vẫn tiếp tục lên nhanh, dự báo chiều nay ở mức 1,6m và còn diễn biến xấu. Ở phía thủy điện Sông Tranh 2, thượng nguồn mực nước lòng hồ đã tăng từ 145m lên 151m, dưới đó thủy điện Sông Tranh 3 cũng đang thông báo đã xả lũ từ 200 – 400m3/s.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh – phó chủ tịch phụ trách văn hoá TP Hội An, phố cổ Hội An cũng đã cho dừng các hoạt động trên phố đi bộ cùng các quầy vé tham quan. Các lực lượng cũng đã lên phương án sẵn sàng cho đợt lũ dự kiến diễn biến xấu.
Nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế bị ngập cục bộ
Cơn mưa kéo dài từ ngày 7-10 khiến nhiều đoạn quốc lộ 49 sạt lở nghiêm trọng khiến đường đi từ TP Huế lên huyện A Lưới bị chia cắt.
Sáng 8-10, tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho biết dự báo trên địa bàn sẽ tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa dự báo từ nay đến 10-10 phổ biến từ 300 – 500mm, có nơi trên 600mm.
Mưa lớn khiến một số tuyến đường về các xã Phong Chương, Phong Bình (huyện Phong Điền) bị ngập úng cục bộ. Quốc lộ 49 đi từ TP Huế lên huyện A Lưới nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, tạm thời chia cắt. Hiện các lực lượng địa phương đang khắc phục.
UBND huyện A Lưới đã di dời 16 hộ dân tái định cư thủy điện A Lưới nằm trong diện có nguy cơ ngập sâu ở xã Hồng Thượng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong ngày 8-10.
Hồ Tả Trạch cũng được lệnh tăng lưu lượng xả nước điều tiết từ 50m3/s lên 140-900m3/s qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến. Thủy điện Hương Điền cũng được lệnh tăng lưu lượng xả nước điều tiết từ 100-200m3/s lên 600-1000m3/s.
Dự kiến đến chiều 8-10, nước trên sông Hương và sông Bồ sẽ đạt mức báo động II.
Thủy điện xả tràn, lũ các sông Hà Tĩnh đang lên
Sáng 8-10, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ 20h tối 7-10, nhà máy thủy điện Hố Hô, huyện Hương Khê phải xả tràn với lưu lượng 250m³/giây.
Trước đó, do mưa lớn từ thượng nguồn nên lưu lượng nước đổ về hồ ở nhà máy thủy điện Hố Hô là 259m³/giây, lưu lượng nước qua tổ máy 31m³/giây. Cao trình nước ở thượng lưu là 63,93m/68m, cao trình nước ở hạ lưu là 22,5m. Các hạng mục công trình của nhà máy hiện vẫn an toàn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, tổng lượng mưa từ nay đến ngày 10-10 khả năng phổ biến ở mức 300 – 500mm, có nơi trên 500mm.
Do mưa lớn, mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La ở xu thế lên với biên độ lũ lên thượng lưu các sông từ 4,0 – 8,0m, hạ lưu từ 2,0 – 4,0m; Sông La, Rào Cái, Cửa Nhượng chịu ảnh hưởng của thủy triều.
Đỉnh lũ trên thượng lưu các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng ở mức báo động II, có nơi trên báo động II; đỉnh lũ trên sông La có khả năng ở mức xấp xỉ báo động I.
Nhiều tuyến đường, nhà dân ở vùng núi huyện Nam Trà My, Quảng Nam sạt lở nặng
Từ đêm ngày 6 đến ngày 7-10, huyện Nam Trà My có mưa to đến rất to, gây thiệt hại về tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng giao thông.
Cho đến 7h sáng 8-10, do ảnh hưởng của mưa lớn, tại huyện Nam Trà My đã có một ngôi nhà bị sạt lở (nhà ông Hồ Văn Hoành, xã Trà Vân). Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tháo dỡ nhà và di dời đến nơi an toàn.
Các tuyến đường đi thôn 3, xã Trà Mai, thôn 5 xã Trà Cang, thôn 1 xã Trà Lập. Tuyến quốc lộ 40B địa phận xã Trà Mai đi Trà Don, tuyến đường đi Măng Lùng (thôn 2, Trà Linh) cũng sạt lở nghiêm trọng.
Một số điểm trường có nguy cơ sạt lở cao như trường mẫu giáo Họa Mi (xã Trà Vân), điểm trường tiểu học làng Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) và khu bếp ăn Trường THCS Trà Vân.
Ông Trần Duy Dũng – chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết huyện đã chỉ đạo các ngành và chính quyền các xã huy động lực lượng xung kích tháo dỡ, dựng lại nhà cho ông Hồ Văn Hoành tại nơi an toàn.
Riêng tuyến đường đi Măng Lùng bị sạt lở lớn chưa thể khắc phục. Huyện cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn xã Trà Vân tổ chức di dời học sinh, giáo viên đến nơi an toàn.
Lũ sông Hiếu lên nhanh trong đêm, hàng trăm nhà dân ở Quảng Trị ngập lụt
Sáng 8-10, ông Nguyễn Anh Tuân, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị), cho biết lũ lên nhanh trong đêm đã làm hàng trăm nhà dân trên địa bàn xã này bị ngập lụt từ 1-2 mét. Chính quyền xã đang cùng cơ quan cứu hộ của huyện dùng cano vào các vùng thấp trũng cứu một số hộ dân bị nước lũ cô lập ra vùng an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực bị ngập lũ nặng nhất là tại thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền. Thôn này nằm sát sông Hiếu, thấp trũng nên từ nửa đêm nước lũ đã vào nhà. Đến rạng sáng, gần một trăm nhà dân trong thôn đã bị ngập sâu. Nơi ngập sâu nhất lên đến trên 2 mét.
Anh Lê Ngọc Khương trú thôn này cho biết nước sông lên rất nhanh. Chỉ khoảng một tiếng rạng sáng đã lên gần 1 mét. “Tối qua ước chừng mức lũ vừa phải nên tui chỉ kê đồ đạc lên cao khoảng hơn 1 mét. Đến sáng nay thì phải khuân đồ lên gác xép mới tránh được vì nước lên nhanh quá”, anh Khương kể.
Cũng trong đêm, mưa lớn từ thượng nguồn đã khiến nước sông Sê Pôn lên rất cao. Nhiều khu vực tại thị trân Lao Bảo, huyện Hướng Hóa đã bị ngập sâu hơn 1 mét. Cơ quan chức năng đã thực hiện di dời những hộ dân ở vùng thấp đi tránh lũ. Nước sông Đắkrông cũng đã lên vượt báo động 3.
Sáng cùng ngày, quốc lộ 9 cũng đã bị tắc vì sạt lở. Một khối lượng đất đá rất lớn từ trên núi đã sạt xuống chắn ngang đường. Đây là đường có lưu lượng phương tiện rất lớn.
Đến sáng 8-10, tại Quảng Trị đã có 4 người mất tích do lũ và một người chết.
TT