419
category
443828

Miền Trung liên tục sạt lở đất: Thiên tai hay nhân tai?

Hải Anh 28/10/2020 18:10

“Lũ chồng lũ, bão chồng bão” gần 1 tháng qua, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt điểm sạt lở đất, trong đó có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục người bị vùi lấp, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, khiến nhân dân cả nước xót thương. Và mới đây nhất là 3 vụ sạt lở liên tiếp khiến rất nhiều người chết, mất tích ở Quảng Nam. Sau những tai họa ấy, câu hỏi đặt ra là tại sao sạt núi, trượt lở đất khủng khiếp lại liên tiếp xảy ra ở miền Trung như vậy và liệu nguy cơ sạt lở có còn xảy ra khi tình hình mưa bão vẫn đang tiếp diễn và khắp nơi đang chìm trong biển nước?

Mặc dù sạt lở đất đá không phải là chuyện lạ trong các mùa mưa bão ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các huyện miền núi nhưng mùa mưa bão năm nay sạt lở đất liên tục tái diễn khiến rất nhiều người bị mất tích, thiệt mạng.

Điển hình nhất là vừa mới đây thôi vụ sạt lở xảy ra vào chiều 28/10 khiến 11 người dân bị vùi lấp. Đến sáng 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 1 nạn nhân, đang nỗ lực tìm kiếm 10 người mất tích còn lại. Đến tối 28/10, 2 vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn xã Trà Leng và xã Trà Vân (huyện Nam Trà My). Trong đó, riêng vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng đã vùi lấp ngôi làng với khoảng 19 hộ dân và 49 nhân khẩu, có 4 người may mắn thoát được. Đến 10h30 sáng 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 8 thi thể người gặp nạn. Còn vụ sạt lở đất ở thôn 1, xã Trà Vân khiến 8 người mất tích. Đến sáng 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy cả 8 thi thể. Trước đó, tối 27/10, tại địa bàn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cũng xảy ra vụ việc sạt lở đất khiến 2 cán bộ xã đi giúp dân sơ tán bão 9 tử nạn.

Mới đây nhất là 3 vụ sạt lở liên tiếp khiến rất nhiều người chết, mất tích ở Quảng Nam.

Chỉ trong 2 ngày thôi đã xảy ra liên tục các vụ sạt lở đất nghiêm trọng, có thể nói quy mô, độ khốc liệt của thiên tai lần này đã vượt quá nhiều lần khả năng chống chịu của chúng ta. Về nguyên nhân khách quan, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp và cực đoan trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở kể cả những nơi đã được thiết lập doanh trại quân đội tồn tại ổn định hàng chục năm qua.

Đối với khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu,… nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm.

Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, nguyên nhân xảy ra hai vụ sạt lở không chỉ do thiên tai mà còn nằm ở nhân tai. Địa hình các tỉnh miền Trung ngắn và dốc, rừng bị con người tàn phá nhiều cộng với khí hậu ngày càng cực đoan nên nguy cơ sạt lở núi ngày một nghiêm trọng. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 – 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, tức mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn, dễ sạt lở hơn. Vì lợi nhuận của bản thân mà nhiều kẻ đã phá rừng gián tiếp lấy đi rất nhiều mạng sống của con người, tàn phá thiên nhiên là cái giá phải trả rất đắt do con người gây ra.

Nhìn hình ảnh những cây lớn vài người ôm bị đốn hạ và cưa xẻ ngay tại rừng, nhiều cây lớn khác bị cưa gốc nằm trơ trọi, cạnh đó là những bãi gỗ xẻ nằm chồng lên nhau mà lâm tặc chưa kịp chuyển đi để lấy gỗ, làm thủy điện, khai thác khoáng sản, lấy đất sản xuất… khiến nhiều người không khỏi xót xa. Rừng đầu nguồn bị chặt phá, rừng nguyên sinh bị thay thế bởi cây công nghiệp ngắn ngày, trong khi đó công tác thâm canh thiếu khoa học và mất cân đối, lấy ngắn để ăn vậy làm sao giữ được đất khi trời miền Trung mưa xối xả nhiều ngày. Và những vụ sạt lở liên tục gần đây chính là bằng chứng tố cáo lòng tham vô độ của con người.

Rừng mất tan tác, biệt thự, biệt phủ gỗ mọc lên như nấm, kiểm lâm bị lâm tặc truy sát, đâu đó truyền nhau câu chuyện đại gia nọ ông chủ kia “trùm” buôn gỗ giàu nứt đố đổ vách. Ông bà ta đúc kết chẳng sai: Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt!

Ngoài ra, việc phát triển thủy điện quá nhiều và với tần suất dày đặc ở cùng một địa điểm như vậy cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở. Nếu không có tác động của con người thì quả đồi không bị sạt lở khủng khiếp đến thế. Dẫu không phải 100% dự án thủy điện đều đụng tới rừng nhưng hậu quả của làm thủy điện dày đặc trên các hệ thống sông lớn, độ dốc cao đâu chỉ làm mất rừng mà còn gây ra bao hậu quả nghiêm trọng khác. Vậy nên không thể đổ lỗi hết cho thiên tai mà con người cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ.

Thiết nghĩ, công tác quy hoạch dân đến nơi ở an toàn của người dân phải làm ngay và quyết liệt thì mới không còn cảnh cả một quả đồi vùi lấp một xóm được. Càng ngày thời tiết một cực đoan, diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu. Hơn nữa việc cảnh báo sạt lở đất hiện nay chỉ có thể chi tiết đến từng huyện. Công nghệ của thế giới cũng như Việt Nam chưa thể dự báo chi tiết đến từng điểm và thời gian chính xác xảy ra sạt lở đất. Vì vậy, người dân, chính quyền địa phương các vùng có nguy cơ sạt lở cao cần hết sức cảnh giác, theo dõi các dấu hiệu có thể xảy ra khi sạt lở đất để nhận biết như mưa lớn nhiều ngày, nước sông suối chuyển màu đục, xuất hiện các vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, đăc biệt là khi có tiếng động lạ trong lòng đất.

Và xin hãy bảo vệ rừng vì đó là sinh mạng của chúng ta hãy giữ chặt những mảnh rừng còn sót lại. Đừng phá rừng làm kinh tế bằng các loại cây công nghiệp ngắn ngày mà không tính đến hậu quả lâu dài về môi trường. Chúng ta không thể cứ để cho rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, lòng sông bị đào bới không thương tiếc, rồi năm nào cũng phải lo cứu trợ cho dân. Tiền thì có thể làm ra, nhưng sinh mạng con người thì không thể!

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều