Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi

Phạm Khoa 14/07/2023 07:43

Mấy ngày vừa qua, vụ án “Chuyến bay giải cứu” bị đưa ra xét xử đã khiến dư luận dậy sóng. Bên cạnh những bất bình chính đáng của nhân dân trước hành vi tham nhũng của nhiều quan chức các bộ ngành quan trọng của đất nước, thì một số thông tin bôi nhọ chính quyền, mục đích phủ nhận thành quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đang được chia sẻ tràn lan mạng xã hội.

Hình ảnh phiên tòa xét xử

 

Qua 3 ngày xét xử đầu tiên, từ lời khai của nhiều doanh nghiệp bị truy tố với tội danh đưa hối lộ, dư luận đã vô cùng bức xúc trước thái độ vòi vĩnh, xem việc ăn chặn tiền người dân, doanh nghiệp là lẽ đương nhiên của các quan chức Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao. Sự ngã giá trắng trợn, và vô cảm, quyết liệt ăn trên mỗi đầu người tham gia hồi hương ngay trong tình hình dịch bệnh căng thẳng đã khiến ai nghe thấy cũng đều phẫn nộ.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phẫn nộ chính đáng trước hành vi phạm pháp, và vô lương tâm của các quan chức, thì việc lợi dụng câu chuyện để mạt sát, bôi nhọ chính quyền, phủ nhận thành tựu của công cuộc phòng chống tham nhũng thông qua cái gọi là “Ngạo nghễ Việt Nam” (lấy tên gọi cộng đồng mạng dành cho một bài viết ca ngợi chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở Vũ Hán thời gian dịch) cũng cần được nhìn nhận và cảnh giác.

 

Đã hơn 10 năm kể từ khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (02/2013) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đây là ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Theo đó, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy cũng được lập lại, để tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.

10 năm qua, các vụ án tham ô, tham nhũng, hối lộ bị phát hiện, xử lý đã gấp nhiều lần tổng số vụ cùng tội danh suốt gần 40 năm trước đó, kể từ ngày thống nhất đất nước. Đặc biệt, các vụ án tham ô, tham nhũng, hối lộ bị phát hiện, đưa ra xét xử trong thời gian 5 năm trở lại đây đã thật sự là những “đại án” với quy mô lớn, nhiều người cùng phạm tội, số tiền tham nhũng, tham ô, hối lộ có khi lên đến hàng ngàn tỷ đồng, gây tác hại nghiêm trọng cho Nhà nước, và xã hội về nhiều mặt.

Dưới góc độ quản lý xã hội, thì đáng buồn, vì tham nhũng, tham ô, hối lộ bị phát hiện càng nhiều càng chứng tỏ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn quá nhiều lỗ hổng.

Dưới góc độ quy luật phát triển của xã hội, thì nên mừng, vì nó phản ánh “cơ thể” của Nhà nước đang dần được điều trị khỏi căn bệnh nặng, kéo dài nhiều năm, làm suy yếu các nguồn lực công, cản trở hoạt động quản lý Nhà nước đạt hiệu quả, giúp đất nước tăng tốc phát triển và tiến bộ.

 

Không có chuyện “càng chống tham nhũng, càng nhiều quan tham” như luận điệu được các thế lực xấu đang cố tình hướng lái dư luận. Mà thực chất của vấn đề là khi pháp luật được kiện toàn; bộ máy giám sát của các cơ quan chức năng càng chặt chẽ; cán bộ trong các lực lượng phòng chống tham nhũng càng quyết tâm, hành động không khoan nhượng, “không có vùng cấm”; thì nhiều hành vi tham nhũng, tham ô, hối lộ tinh vi, hay được bao che trước đây chưa bị phát hiện giờ đã bị phát hiện, bóc tách, đưa ra ánh sáng.

Không phải ngẫu nhiên mà song song với việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, quá trình cải cách tư pháp cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Từ sau Nghị quyết số 49-NQ/TW (02/06/2005) của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp đến năm 2020, đã có 53 luật, 19 pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực tư pháp được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, hỗ trợ đắc lực việc chấn chỉnh lại bộ máy nhà nước; sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuẩn về chuyên môn, chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, vững vàng về phẩm chất chính trị.

Quay lại với vụ đại án “Chuyến bay giải cứu”, dù sẽ còn nhiều tình tiết trong các ngày xét xử tới đây làm nặng lòng người quan tâm đến tình hình đất nước, nhưng không vì vậy mà người dân mất niềm tin vào Nhà nước. Vì ai cũng biết, “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”.

 

Một hay vài ông bộ trưởng, thứ trưởng… thoái hóa, biến chất không thể là cái cớ để phủ nhận thành quả lao động, công sức của cả tập thể hàng ngàn cán bộ lãnh đạo, công nhân viên chức nhiều bộ ngành đang đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của đất nước. Một hay nhiều vụ tham nhũng được đem ra xét xử công khai không thể là cái cớ để phủi bỏ toàn bộ ý nghĩa tích cực, quan trọng của công cuộc phòng chống tham nhũng.

Phá bỏ bao giờ cũng dễ dàng hơn xây dựng. Phá bỏ, và phủ nhận toàn bộ các quá trình là thái độ cực đoan, vô trách nhiệm. Chọn lựa sửa đổi, cải cách, xây dựng, mới là chọn lựa hợp lý và khôn ngoan. Cây mía có nhiều đốt, không thể chỉ vì một hai đốt sâu mà bỏ cả cây đi. Tương tự, công tác quản lý nhà nước, sai ở đâu thì sửa ở đó, hoàn thiện luật pháp để không cho tái phạm lại, mới là giải pháp vẹn toàn.

Tóm lại, bất cứ nhà nước nào trên thế giới muốn hoạt động hiệu quả cũng đều phải quan tâm đến tính liêm chính và sự công bằng. Và phiên tòa xử vụ đại án “Chuyến bay giải cứu ” chính là một trong các nỗ lực để Nhà nước Việt Nam hướng đến mục tiêu trên.

Phạm Khoa

Đọc nhiều