439
category
512177

Mẹ Việt Nam anh hùng sống qua 3 thế kỷ có 7 người con trai hy sinh và gần 500 con cháu

19/04/2021 11:11

Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết, sinh năm 1892 và mất ngày 18 tháng 6 năm 2011. Mẹ hưởng thọ 119 tuổi.

Quê mẹ ở làng Tuyên Bình, Kiến Tường. Những năm sau ngày đất nước giải phóng, mẹ sống cùng vợ chồng người cháu nội Nguyễn Văn Bình, là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn An và chị Phan Thị Thép trong căn nhà giữa đồng Đồng Tháp Mười, thuộc ấp cả Gừa. xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Năm 21 tuổi, mẹ theo chồng về cả Rưng, xã Tuyên Bình, quận Tuyên Bình, (Kiến Tường ) nay là ấp cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Thời đó, vùng Đồng Tháp Mười còn hoang vu, nhưng tiếng súng, tiếng tàu Tây quần trên sông rạch đã phá tan cuộc sống thanh bình của làng quê nghèo Đồng Tháp.

Năm 1952, người con đầu lòng của mẹ là anh Nguyễn Văn Liễng tham gia công an xã, hy sinh vào tháng 6-1953.

Tiếp bước anh trai mình, các anh Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Kiểng, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Yến lần lượt tham gia kháng chiến.

Tháng 12/1958, anh Tạo (tiểu đội trưởng du kích xã) hy sinh khi mới 22 tuổi. Sau đó, anh Kiểng cũng vĩnh viễn nằm xuống. Sau đó, hai người con nữa của mẹ là anh Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn An cũng được mẹ tiễn đi lúc tuổi đời vừa đôi mươi.

Tết năm 1963, anh Trị bị địch bắt và xử bắn tại Mộc Hóa. Gạt nước mắt, mẹ tiễn người con út là Nguyễn Văn Dẫu lúc đó mới 18 tuổi lên đường đánh giặc.

Tiếp bước cha chú, cháu nội Nguyễn Văn Bi (con liệt sĩ Nguyễn Văn Liễng) xin lên đường và được mẹ Viết đồng ý. Năm 1968, anh Nguyễn Văn Dẫu hy sinh.

Năm 1971, anh Nguyễn Văn Anh cũng nằm xuống. Năm 1972, người con cuối cùng của mẹ Viết là anh Nguyễn Văn An cũng vĩnh viễn ra đi. Như vậy, mẹ Viết có đến 7 người con hy sinh cho Tổ quốc. Bảy người con trai của mẹ hy sinh, trong đó có hai liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt làm lòng mẹ luôn khắc khoải, thầm lặng chịu đựng. Mẹ tiếp nhận tin tức con hy sinh không phải bằng những giọt nước mắt mà bằng chính trái tim vĩ đại của người mẹ.

Đằng sau hình bóng của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng với chiều cao tầm 1,55 mét và cân nặng 37 kg, ít ai biết thời kháng chiến, người mẹ ấy nhiều đêm thắp đèn cặm cụi làm việc đến gà gáy canh hai mới đi ngủ. Nhiều người thắc mắc không hiểu sao lúc thì mẹ treo một cái đèn lồng, lúc lại hai, ba cái; cái treo trước cửa nhà, cái để ở bộ ván. Thấy lạ, nghi ngờ mẹ, lính đóng ở đồn Cả Rưng truy hỏi, mẹ thản nhiên đáp chờ cháu đi chơi về khuya mà chúng đâu biết rắng mẹ làm tín hiệu cho Việt minh vào làng vào ấp.

Một bà mẹ chồng đã hai lần đứng ra làm đám cưới cho con dâu Phan Thị Thép. Thương cảnh hai chị em Phan Thị Thép và Phan Thị Mãnh mồ côi cha mẹ, mẹ Viết hỏi cưới chị Thép cho con trai Nguyễn Văn Trị và nhân nuôi luôn em gái chị Thép là chị Phan Thị Mãnh tại nhà. Bốn năm sau ngày cưới, con trai mẹ Nguyễn Văn Trị hy sinh, thương con dâu sớm khuya vò võ một mình, mẹ lại đứng ra tác hợp cho chị Phan Thị Thép và con trai thứ chín- anh Nguyễn Văn An, em kế của anh Nguyễn Văn Trị. Để tang chồng 3 năm, chị Thép lấy anh Trị theo như ý nguyện của mẹ và sinh thêm cho mẹ Trần Thị Viết 3 đứa cháu nội. Năm 1973, anh An hy sinh, mẹ đón con dâu và 5 đứa cháu nội về chung sống cùng mình.

Mẹ Trần Thị Viết được tổ chức Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam năm 2010. Sau đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã lập hồ sơ gởi sang tổ chức Guinness thế giới để xác lập kỷ lục. Nhưng do tuổi cao, sức yếu, mẹ đã qua đời vào ngày 18 tháng 6 năm 2011, hưởng thọ 119 tuổi. Mất 7 người con hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, gia tài mẹ để lại cho đời với gần 500 con cháu, sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Long An, An Giang và hình ảnh người Mẹ, người Bà đầy ngưỡng mộ và tự hào của các thế hệ mai sau.

Trái tim người Mẹ Việt Nam anh hùng đã ngừng đập và yên nghĩ sau nhiều năm làm lụng vất vả nuôi con, chăm lo cho kháng chiến. Tiếc rằng, Mẹ không thể sống thêm một năm nữa để kịp nhận kỷ lục Guinness người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới.

Hạnh Nhân

Đọc nhiều