Mẹ U60 đưa con đi phượt giải tỏa áp lực học hành
Bà Bích Vân (57 tuổi) cùng con trai đã chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở hầu hết các tỉnh thành Nam – Bắc và quốc gia lân cận Campuchia.
Một ngày năm 2016, khi nghe con trai Mai Tứ Quý, khi ấy đang học lớp 10 tâm sự rằng muốn chuyển sang học vẽ, vì không thể tiếp thu được những môn học văn hóa, tự nhiên, bà Bích Vân vừa tức giận vừa sợ hãi. Nhưng nghĩ đến những giờ phút con như bị đày ải bởi các môn học con không muốn, bà Vân âm thầm hỏi han khắp nơi, tìm thầy dạy vẽ để giúp con gỡ rối.
Được nhiều bạn bè khuyên nên cho con ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, cảnh quan, kiến trúc đẹp sẽ bổ trợ cho năng khiếu hội họa, bà mua một chiếc máy ảnh, một chiếc điện thoại, bắt đầu hành trình từ thị xã An Khê (Gia Lai) cùng con rong ruổi xe máy khắp nơi.
Người bạn đồng hành trên mọi cung đường
Cứ vào dịp con được nghỉ học dài ngày như Tết, nghỉ hè, bà Vân lại lên kế hoạch rủ con đi phượt 10-20 ngày. Trong đó các cung đường, điểm đến đều được bà lựa chọn có chủ đích để con cảm nhận cái đẹp như những con đèo, đường ven biển để ngắm bình minh và hoàng hôn, hay những danh thắng, ngôi chùa cổ. Ở Đà Nẵng, họ tham quan Bà Nà Hills, Ngũ Hành Sơn; tới Ninh Bình là Hang Múa, Tam Cốc – Bích Động…
Chiếc xe đầu tiên đồng hành cùng hai mẹ con là chiếc SCR đời cũ mà bà Vân trước đây dùng đi làm. Nhưng sau lần đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhận thấy việc đổ đèo bằng chiếc xe cũ không còn an toàn, bà Vân mua một chiếc xe PCX đời mới. Trong các chuyến đi, hành trang họ mang theo không chỉ có quần áo, mà còn đồ sửa xe đơn giản, thuốc, thực phẩm…
Một trong những chuyến đi mà hai mẹ con nhớ nhất là chuyến đi ra Bắc, vài ngày sau khi Quý có giấy báo đỗ Đại học Kiến trúc TP HCM năm 2018 và có bằng lái xe. Đây cũng là lần đầu tiên anh được cầm lái chở mẹ, kết quả khi vừa ra khỏi suối nước nóng Hội Vân (Phù Cát, Bình Định) thì bị trượt bánh ngã xe. “Chân đau, hai mẹ con không dám về nhà vì sợ ông xã trách nên quyết định đi tiếp xuống Phú Yên để nghỉ ngơi. Nằm 2 ngày thấy khỏe, chúng tôi tiếp tục đi tham quan một loạt điểm như Ghềnh đá đĩa, cầu Ông Cọp, tháp Nhạn, Rêu – Bờ kè, Nhất Tự Sơn, Bãi Trứng…”
Hay lần đi Campuchia, hai mẹ con được ngắm bình minh huyền ảo ở Angkor Wat, Angkor Thom. Buổi chiều, họ cũng nhau ngồi thuyền, nhìn mặt trời lặn, ráng chiều phủ xuống những chiếc thuyền độc mộc mang vẻ đẹp man dại. Quý khi ấy ra sức quan sát, chọn góc đẹp để chụp ảnh. Về sau những tác phẩm con vẽ có hình dáng của người chèo thuyền hôm đó, khiến bà Vân vui mãi không thôi.
Trong những chuyến đi, con trai luôn chủ động phần đặt phòng, hỏi giá hay tìm hướng đi nhưng với bà Vân con vẫn như còn rất nhỏ, vì vậy muốn sát cánh cùng mỗi bước đi. Cũng vì nhiều lần cùng con chạy nhảy, leo trèo, bà Vân thấy mình như khỏe thêm, bệnh huyết áp cũng không còn xuất hiện.
Sau khi con đi học đại học ở TP HCM, bà Vân vẫn thường xuống tận nơi để rủ con đi phượt. “Với mình, con luôn là điều quan trọng nhất. Vì vậy thấy con ngày ngày vùi đầu trong 4 bức tường, tập trung để hoàn thành những bản vẽ, mình thấy cuộc sống sẽ rất uổng nên muốn cùng con ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người hơn. Dù cu cậu nói không đi nhưng đến nơi lại rất thích, hăng say chụp ảnh, điều đó làm tôi rất vui”, bà Vân cười và nói.
Quý cho biết, dù không nói ra nhưng luôn cảm ơn mẹ, vì đã là người bạn đồng hành, là người đẩy anh ra ngoài, ngắm nhiều cảnh đẹp đất nước và gặp gỡ nhiều người. Trong những chuyến đi, dù hai mẹ con đôi lúc có những tranh luận nhưng điều đó càng làm mờ đi khoảng cách về thế hệ. “Những chuyến đi cùng mẹ, mình tập trung tìm kiếm cảnh đẹp, chụp ảnh nên những căng thẳng học tập cũng vơi bớt phần nào, đặc biệt điều này cũng luyện cho mình khả năng quan sát, giúp ích cho công việc, Quý nói. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4, bà Vân cũng đưa con đi Sài Gòn học vì sợ các phương tiện công cộng không an toàn.
Độc hành vì đam mê
Khi con không thể đồng hành cùng vì bận học tập, bà Vân vẫn thường lái xe dọc các cung đường Nam – Bắc để tiền trạm, chỗ nào có cảnh đẹp sẽ ghi nhớ để rủ con đi. Cuối tháng 8/2020, bà dành 2 tháng khám phá Tây Bắc. Dọc cung đường Trường Sơn, lần đầu tiên bà được trải nghiệm khung cảnh mù mịt của đèo Sa Mù (Quảng Trị). Rồi tới được huyện Trạm Tấu (Yên Bái), bà bắt đầu hành trình leo đỉnh Tà Xùa khoảng 26 km. Do không đủ sức, bà chưa kịp tới lán trại khi trời đã tối mịt, kết quả phải nghỉ bên rừng, đến 2h sáng trời đổ mưa to khiến bà cùng đồ đạc ướt hết. Đây cũng là kỷ niệm mỗi lần nhớ đến lại cười của bà. Cùng dịp này, bà đã chinh phục thêm các đỉnh núi Lùng Cúng, Tà Chì Nhù (Yên Bái) và Chiêu Lầu Thi (Hà Giang).
Trong chuyến đi, bà Vân cũng có thêm một người bạn đồng hành là chó con Mông Cộc mua lại của người địa phương. Khi đến Hoàng Su Phì, quá ngỡ ngàng trước những thửa ruộng bậc thang chín vàng, bà dừng xe chụp ảnh. Sau khi lên xe đi được một đoạn, bà chợt nhận ra chó con đã bị lạc nên quay lại tìm kiếm nhiều lần dù trời nhá nhem tối. May mắn khi đến một bụi cỏ thì thấy nó đang kêu, bà mừng rớt nước mắt rồi vội ôm nó lên xe.
Lần khác bà cũng độc hành từ nhà đi Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Biên Hòa, Long An, Đồng Tháp Mười… Trong năm 2020, bà có 10 chuyến đi phượt lớn nhỏ, phần lớn là độc hành. Nhận mình là người khá gan lì, bà cho biết không mấy sợ hãi khi đi một mình. Dù vậy vẫn luôn cẩn thận trong việc chạy xe hay ăn uống để đảm bảo an toàn.
Bà Vân cho biết không dễ để kiếm được một người bạn đồng hành vì sở thích, lịch trình khác nhau. Đặc biệt các bạn cũng ít người biết chạy xe đường dài giống như bà. “Tôi di chuyển bằng xe máy đi đây đó vì để tiết kiệm chi phí và cũng không có điều kiện sắm ôtô, do đam mê đi phượt nhiều quá. Trên đường đi tôi cũng được gặp nhiều may mắn và hay được mọi người giúp đỡ, dù vậy đi một mình cũng có những mối nguy hiểm nên khuyến khích mọi người đi cùng bạn bè”, bà Vân nói.
Đăng tải những chuyến đi của mình trên Facebook, bà Vân mong muốn chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người và những niềm vui khi còn sức khỏe để đi khám phá đó đây. Bà cũng hy vọng những bậc cha mẹ xung quanh có thể dành thời gian bên con, còn các bạn trẻ thì tranh thủ khi tuổi còn trẻ ra ngoài để khám phá nhiều điều mới mẻ.
Lan Hương