130115
topics
543245

Máy đo SpO2 giá rẻ lừa người dùng

18/08/2021 11:44

Văn Trung (TP HCM) mua máy theo dõi chỉ số oxy trong máu trên mạng giá 50.000 đồng, nhưng kết quả đo mỗi lúc một khác khiến anh hoang mang.

“Tôi đã thử đo SpO2 nhiều lần nhưng kết quả mỗi lúc một khác, lúc thì 98% và nhịp tim đạt 65 nhịp/phút, lúc lại 75% và nhịp tim 90 nhịp/phút. Theo những gì tôi tìm hiểu, chỉ số SpO2 phải đạt trên 94% nên tôi sợ sức khỏe mình có vấn đề”, anh Trung kể. Anh đã tham khảo ý kiến bác sĩ quen và được khuyên nên theo dõi thêm vì thiết bị anh mua có thể không đáng tin cậy.

Trên các hội nhóm về thiết bị y tế và máy đo SpO2, một số người cho biết cũng gặp phải các tình huống “dở khóc dở cười” như anh Trung. “Tôi đã mua thiết bị đo chỉ số oxy trong máu SpO2 giá hơn 200.000 đồng trên mạng, nhưng chỉ số không đồng nhất và sai số rất lớn trong mỗi lần đo”, tài khoản Facebook Viet Nguyen chia sẻ.

Một thiết bị đo SpO2 có giá 55.000 đồng cho kết quả phép đo chênh lệch lớn chỉ sau vài giây.
Một thiết bị đo SpO2 có giá 55.000 đồng cho kết quả phép đo chênh lệch lớn chỉ sau vài giây. Ảnh: Bảo Lâm

Những người mua cũng nhanh chóng nhận ra họ mua phải thiết bị chất lượng kém. “Chúng dường như được cài sẵn thông số và hiển thị ngẫu nhiên khi người dùng đo chứ không có tác dụng thực tế”, tài khoản Nguyen Minh bình luận. “Tôi đã thử đo bằng chiếc máy SpO2 giá 100.000 đồng mua trên mạng và so sánh với thiết bị chuyên dụng trong bệnh viện và thấy chênh lệch về chỉ số rất lớn. Mọi người đừng để bị đánh lừa”, tài khoản Lê Vân, người tự nhận là y tá một bệnh viện tại TP HCM, chia sẻ.

Không chỉ trên mạng xã hội, trong phần bình luận trên các trang thương mại điện tử, hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng cũng nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và tỷ lệ bị đánh giá 1 sao nhiều.

SpO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of Peripheral Oxygen – độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, SpO2 là chỉ số quan trọng. Một người khỏe mạnh bình thường, độ bão hòa oxy máu dao động trong khoảng 95 – 100%. Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, phải nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp. Trong trường hợp chỉ số SpO2 của bệnh nhân lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, người lớn thở nhanh trên 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện để theo dõi và điều trị.

Thời gian qua, các thiết bị y tế liên quan đến theo dõi sức khỏe Covid-19, như máy SpO2, máy đo huyết áp, máy tạo oxy… nhận được sự quan tâm lớn. Máy đo SpO2 được bán nhiều trên các hội nhóm Facebook và trên các trang thương mại điện tử với giá từ 50.000 đồng tới vài triệu đồng, được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí được quảng cáo là có thể phát hiện Covid-19.

Các mẫu máy đo SpO2 giá rẻ bán trên mạng thường được đặt tên theo mã số, như S2, ACE, Y2, SPTO2… với thương hiệu lạ, nhái theo các thương hiệu uy tín, như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Chúng có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Theo một người từng kinh doanh thiết bị y tế tại TP HCM, các mẫu máy đo được chỉ số oxy trong máu với tỷ lệ chính xác cao hiện nay thường có giá bán không dưới 500.000 đồng và có thể lên hơn 3 triệu đồng tùy chất lượng, tính năng, độ nhạy và thương hiệu. “Những thiết bị có giá rẻ là do dùng cảm biến chất lượng kém, thậm chí chỉ là một vi mạch điện tử được cài sẵn các thông số ngẫu nhiên kèm màn hình và đèn LED để đánh lừa người dùng”, người này cho biết. “Với chi phí chỉ vài chục nghìn đồng mỗi chiếc, khó công ty nào có thể sản xuất được một thiết bị đo SpO2 chuyên nghiệp được. Chúng cũng bị bỏ qua các khâu kiểm định từ cơ quan y tế và các cơ quan quản lý”.

Trần Hưng, một thợ sửa chữa thiết bị điện tử tại TP HCM, đã bóc tách một máy đo SpO2 giá 50.000 đồng. Anh nhận thấy thiết kế bên trong khá sơ sài, các linh kiện như chip, cảm biến đo, bo mạch có chất lượng kém. “Cảm biến chất lượng không cao dẫn đến sai số lớn khi đo. Theo tôi, không nên sử dụng các sản phẩm dạng này”, anh Hưng đưa lời khuyên.

Mặt trước và mặt sau của bo mạch bên trong thiết bị đo SpO2 có thiết kế sơ sài.

Theo bác sĩ Vũ, nếu có điều kiện, người dân có thể trang bị một thiết bị đo SpO2 trong gia đình để theo dõi. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ nhấn mạnh chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà.

“Các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc Covid-19”, bác sĩ Vũ cho biết.

Cũng theo ông Vũ, các máy đo nồng độ oxy trong máu hiện rất nhiều và đa dạng, mọi người cần chọn lọc thông tin và lựa chọn phù hợp, tránh những quảng cáo “ăn theo dịch bệnh” gây hoang mang và không nên dùng các sản phẩm giá quá rẻ. Ngoài ra, người dùng cũng cần giữ liên lạc với nhân viên y tế khi có dấu hiệu trở nặng để được xử trí kịp thời.

Bảo Lâm

Đọc nhiều