280
topics
382439

Mặt trận kinh tế cần ‘vũ khí’ quyết liệt hơn

10/04/2020 07:48

Trong bối cảnh “cấp cứu” người dân và doanh nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc tổ chức thực hiện cần nhanh và ít tốn kém.

Diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay phức tạp hơn nhiều so với đầu tháng 3 và  tác động của nó đến sản xuất kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung cũng nghiêm trọng hơn, và còn tiếp tục kéo dài.

Vì vậy, các giải pháp tháo gở khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cần được tiến hành khẩn trương hơn, quyết liệt hơn và có quy mô lớn hơn nhiều.

Trước mắt, theo Tổ tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần thực hiện đầy đủ, quyết liệt chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ nhất, cần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cần miễn, giảm ngay các loại phí giao thông sau đây cho đến hết năm 2020. Miễn phí giao thông đường bộ tính trên đầu phương tiện cho tất cả các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đường bộ, các doanh nghiệp nghiệp du lịch.

Miễn phí bến bãi đậu xe, máy bay và các phương tiện vận tải khác đối với tất cả các doanh nghiệp vận tải. Giảm 70% phí kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đối với phương tiện vận tải của các doanh nghiệp vận tải đường bộ hàng hóa, hành khách đường bộ, các doanh nghiệp du lịch.

Mặt trận kinh tế cần ‘vũ khí’ quyết liệt hơn

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng miễn phí hạ tầng cảng biển cho đến hết năm 2020; đồng thời, giảm tối thiểu 50% trong các năm tiếp theo.

Miễn phí công đoàn năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, các doanh nghiệp dịch vụ logistics; các tổ chức giáo dục đào tạo; giảm 50% phí công đoàn năm 2020 cho tất cả các doanh nghiệp còn lại.

Cho phép doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hạch toán chi phí phát sinh do chống dịch vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Cho phép doanh nghiệp hạch toán các khoản hỗ trợ chống dịch vào chi phí tính thuế của doanh nghiệp.

Giảm 50% tiền sử dụng đất được giao hoặc cho thuê trong năm 2020 đối với doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống, các tổ chức giao dục đào tạo.

Thứ hai, cần chia sẽ cùng doanh nghiệp chi phí hỗ trợ và giữ lao động trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Xét về lao động, công ăn việc làm, dưới tác động của đại dịch Covid-19, người lao động có thể chia thành bốn nhóm bao gồm lao động bị sa thải, mất việc làm; lao động tạm thời nghỉ việc không lương; lao động giảm việc làm, giảm giờ làm; và lao động vẫn giữ nguyên việc làm.

Cần chia sẻ mục tiêu chung là giảm tối đa số lao động bị sa thải, mất việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp giữ lao động, có việc làm, có thu nhập và cùng chia sẽ khó khăn với doanh nghiệp. Các giải pháp bao gồm:

Cho phép người lao động và sử dụng lao động thỏa thuận mức lương tối thiểu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do luật định cho đến hết năm 2020.

Miễn phí bảo hiểm xã hội cho lao động tạm thời nghỉ việc không lương do tác động của đại dịch covid19.

Giãn, hoãn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, lưu trú, các tổ chức giáo dục, đào tạo đến hết năm 2020.

Hỗ trợ 50% lương cho đến hết tháng 6 đối với số lao động nghỉ việc tạm thời không lương do tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ ba, tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm tối thiểu 2 điểm phần trăm lãi suất đối với các khoản vay, cả gốc và lãi, phát sinh trước ngày 4 tháng 3 năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp dệt may, dày da. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các doanh nghiệp.

Thứ tư, Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ một lần bằng tiền mặt hoặc phiếu mua hàng thiết yếu cho những người lao bị sa thải, mất việc làm; người lao động tạm nghỉ việc không lương; người bán hàng rong, vé số; người lao động khuyết tật.

Thực hiện trợ cấp một lần nhằm giảm bớt khó khăn do đại dịch, vừa góp phần kích cầu nội địa của nền kinh tế cho hộ gia đình nghèo; gia đình có công; người lao động, người thu nhập thấp.

Mặt trận kinh tế cần ‘vũ khí’ quyết liệt hơn
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Thứ năm, thiết lập điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh mới, cách thức quản lý mới, cách thức làm việc mới…dựa trên nền tảng số hóa.

Ban hành ngay quy định (ít nhất là thí điểm) để áp dụng thanh toán mobile money, thanh toán không dùng tiền mặt giữa những người không có tài khoản ngân hàng.

Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử; tăng cường năng lực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Xây dựng sàn giao dịch điện tử về nông, lâm thủy sản Việt Nam; thúc đẩy và hỗ trợ mở rộng thị trường, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về dạy và học trực tuyến đảm bảo chất lượng dịch vụ giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục.

Yêu cầu Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước áp dụng một cách phổ biến, đầy đủ công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát và đánh giá (trực tuyến theo thời gian thực) kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ tập đoàn, tổng công ty…

Trong bối cảnh “cấp cứu” người dân và doanh nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc tổ chức thực hiện cần nhanh và ít tốn kém.

Chẳng hạn, không yêu cầu áp dụng, tuân thủ quy trình, thủ tục hành chính truyền thống; trường hợp cần thiết thì “thủ tục bám theo hành động”, nghĩa là hành động trước, thủ tục sau; thay vì “hành động bám theo sau thủ tục hành chính”.

Lấy mục đích và kết quả công việc làm tiêu chí cao nhất đánh giá đối với từng cá nhân, tổ chức, nhất là người lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ. Cần giao quyền chủ động cho các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu các tổ chức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kể cả trong huy động, phân bố và điều chuyển nguồn lực.

Ông kiến nghị, cần loại bỏ ngay các cá nhân chần chừ, do dự, cố ý không thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, đảm bảo các giải pháp chính sách được thực hiện nhanh, nhất quán trong cả nước.

Tư Hoàng/VNN

Đọc nhiều