Mất tích sau 22 năm: chị Hon bị cho uống thứ thuốc gì khiến mất hết trí nhớ?

05/07/2019 07:01

Chiều 4-7, chị Nguyễn Kim Hon, người phụ nữ Bạc Liêu lưu lạc 22 năm ở Trung Quốc, đã về tới nhà mẹ mình trong nước mắt hạnh phúc trùng phùng. Và câu chuyện ly hương của chị dần được kể lại bằng tiếng Trung… 

Lời chị Hon kể sau 22 năm lưu lạc sang Trung Quốc: Uống thứ thuốc gì khiến mất hết trí nhớ?  - Ảnh 1.
Chị Hon đã về nhà, gặp lại mẹ mình  

 

Hàng xóm đến rất đông để nhìn thấy chị Hon sau nhiều năm bặt tin và những ngày mong chờ nhằm chung vui cùng gia đình chị.

Phụ bán nước rồi bị lừa bán

Bà Nguyễn Thị Hến (82 tuổi), mẹ chị Hon, trong giây phút quá xúc động lúc gặp lại con đã té ngã và ngất đi. Bà được dìu vào phòng cùng con gái, lúc sau dần ổn định tinh thần và được sơ cứu vết thương ở đầu.

Sau khoảng nửa tiếng, mẹ và các anh, chị của chị Hon đã ôm nhau khóc rồi chia sẻ về câu chuyện đã qua. Câu chuyện cuộc đời chị Hon được chị kể lại bằng tiếng Trung (chị vẫn chưa thể diễn đạt bằng tiếng Việt).

Thời còn ở Bạc Liêu, chị có chồng tại xóm Lung (thuộc phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai), sống với nhau hơn một tháng rồi chia tay.

Sau đó, chị lên TP Cần Thơ làm thuê, có thời gian lang bạt tận Campuchia rồi quay về phụ bán nước mía ở xóm Lung.

Thời gian này, có một người đàn ông (chị Hon nhớ lớn hơn mình 2-3 tuổi, nói giọng miền Bắc) tối nào cũng đến uống nước, quen biết như bạn bè.

Thời gian sau, người này rủ chị về nhà ở quê, rồi sau đó cùng lên TP Bạc Liêu. Người này có đãi chị ăn cơm và cho uống nước trong một chai nhỏ, rồi chị ngủ luôn từ đây.

Đến khi mở mắt ra đã thấy mình ở… Quảng Đông (Trung Quốc) trong một căn phòng nhỏ với một người phụ nữ khác cùng cảnh ngộ.

Chị kể đó là lúc mình bị nhức đầu dữ dội, lơ mơ không còn nhớ gì và không nói chuyện được. Hôm sau, chị bị tách ra, dẫn tới ở nơi khác.

Tại đây, mỗi ngày có 2 – 3 phụ nữ được dẫn đến, nếu ai chạy trốn là sẽ “ăn đòn”. Những ngày đen tối tiếp nối, chị trải qua 6 lần bị đem bán để làm “osin” và làm vợ ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.

Chỉ vào những vết thương còn hằn trên cơ thể, chị Hon kể lần gần nhất, chị bị bán về làm vợ một người đàn ông lớn hơn 3 tuổi ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Quảng Tây.

Được một năm đầu yên ắng, sau đó là những trận đòn mà chị phải nhận với bất cứ lý do gì.

“Ông ấy nhậu bằng rượu đế, nhậu hằng ngày và sau mỗi lần nhậu là tôi bị đánh, sau này thấy ông ấy nhậu là tôi không dám hé răng để tạm được yên thân. Có lần bị đánh vào hông đau dữ dội, tôi năn nỉ được chở vào bệnh viện nhưng không được chở đi. Tôi cứ chịu đựng qua cơn đau…

Không cha không mẹ, không người thân quen, tôi dường như phải sống một mình, tự làm hết mọi việc. Đó là những cái tôi sợ nhất khi nhớ về những tháng ngày bị đày đọa vừa qua” – chị Hon nói.

Lời chị Hon kể sau 22 năm lưu lạc sang Trung Quốc: Uống thứ thuốc gì khiến mất hết trí nhớ?  - Ảnh 2.
Chị Nguyễn Kim Hon đã về đến nhà, gặp lại anh chị em và hàng xóm – Ảnh: C.Q.

Thấy người thân hạnh phúc là mãn nguyện

Không rõ uống phải loại thuốc gì, đầu óc chị trở nên “trống trơn”, khoảng 3 năm không nói được (chị cho biết mình như bị câm).

Sau đó, chị dần dần nói được tiếng Trung Quốc vì thường xuyên giao tiếp hằng ngày. Lúc đó, chị không có ý niệm nào về việc mình là người Việt Nam, còn là người Trung Quốc hay nước nào khác thì cũng không chắc.

Cho đến một ngày chị xem một chương trình trên tivi, tình cờ họ phát một tiết mục có tiếng Việt, vô tình nghe được những tiếng như “ăn cơm”, “một, hai, ba bốn”, “hai ngàn đồng”…

“Lúc đó tôi quả quyết mình là người Việt Nam, cố tìm đường về Việt Nam.

Tôi quyết định ra đi khi không có tiền trong túi, không biết phải bắt đầu đi từ đâu và đến đâu. Đi đến đâu làm thuê đến đó, rồi tìm các đồn cảnh sát bên đó giúp đỡ.

Tôi không rành chữ Việt nên cũng gặp nhiều khó khăn. Qua 3 đồn cảnh sát, tôi tới gần biên giới Việt Nam.

Rất may, lúc ở gần biên giới nhất, tôi nhờ được một người xe ôm chở thẳng tới khu vực biên giới tìm đường đến đồn cảnh sát Việt Nam. Đến đây, tôi gặp được những người ở Lạng Sơn cứu giúp” – chị Hon thuật lại hành trình tìm về quê hương của mình.

Về đến nhà, chị Hon gọi chính xác tên anh, chị ruột của mình. Chị cũng kể được anh, chị nào có mấy người con, các cháu tên gì.

Trên đường về nhà, người chị kế (chị thứ 9, chị Hon thứ 10) ra đón bằng xe máy. Từ xa, chị Hon đã nhận ra và bật khóc nức nở khi giáp mặt chị mình. Ngang qua những căn nhà lá trên đường quê, chị Hon nói: “Nhà của tôi trước đây giống vậy đó”.

Giữa người thân, chị Hon nhắc đi nhắc lại cả chục lần: được gặp cha mẹ, anh chị em và hàng xóm, thấy ai cũng khỏe mạnh, đó là điều chị cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện bởi chị đã sống thiếu thốn tình cảm đó 22 năm rồi.

Cứ có người hỏi “Con nhớ nhà không?” thì chị khóc nức nở rồi mới trả lời. Và chị cũng tiếc cuộc trùng phùng hôm nay chưa thể gặp được đủ 10 anh chị em trong gia đình mình.

Cơ quan công an đến tìm hiểu vụ việc

Cùng ngày, bên cạnh việc bảo vệ an ninh trật tự, lực lượng công an của tỉnh Bạc Liêu đã đến ghi nhận thông tin và lời khai ban đầu của chị Hon.

Nội dung chủ yếu xoay quanh việc chị bị bán sang Trung Quốc thế nào, ai bán, chị tìm đường về ra sao? Đại diện lãnh đạo Phòng lao động – thương binh và xã hội huyện Đông Hải cũng đến chúc mừng và trao quà hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình chị Hon.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều