Mắt thần đến từ Pháp mang lại sức mạnh nào cho Pháo binh Việt Nam?
Với cặp đôi “mắt thần” mới, năng lực cảnh báo và tác chiến của Pháo binh Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm cao mới, khắc phục các hạn chế vốn có của lực lượng pháo kéo hiện nay.
Bước đi nhỏ cho sự thay đổi lớn của Pháo binh Việt Nam
Trong biên chế Pháo binh Việt Nam hiện tại, các mẫu pháo kéo đóng vai trò lực lượng nòng cốt là sức mạnh chính của Binh chủng Pháo binh, tuy nhiên các loại pháo này sau một thời gian dài sử dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến yêu cầu tác chiến trong tình hình mới.
Có thể thấy các mẫu pháo kéo do Liên Xô và Mỹ chế tạo trước đây thường chỉ tập trung vào khả năng duy trì áp chế hỏa lực ở cường độ cao và liên tục mà không yêu cầu quá nhiều về độ chính xác. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho Pháo binh Việt Nam trong việc nâng cao năng lực tác chiến trong bối cảnh hiện tại.
Và để có thể đáp ứng được các yêu cầu tác chiến trong tình hình mới, việc Binh chủng Pháo binh đưa vào trang bị các khí tài trinh sát, thông tin liên lạc hỗ trợ tác chiến được xem là yêu cầu cấp thiết.
Điều này có thể thấy rõ thông qua việc Binh chủng Pháo binh đưa vào trang bị đồng bộ mẫu ống nhòm đa năng JIM LR – một loại khí tài đặc biệt cung cấp cho các pháo thủ khả năng trinh sát ngày/đêm, đưa ra các cảnh báo sớm, chỉ thị mục tiêu và đo xa chính xác, thu thập thông tin trinh sát trên tiền tuyến.
JIM LR là mẫu khí tài trinh sát đa năng do công ty Sagem của Pháp phát triển cho các hoạt động trinh sát tiền tuyến, mẫu ống nhòm này phù hợp cho tất cả các loại nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu của các đơn vị bộ binh như pháo binh, tác chiến đặc biệt, tìm kiếm cứu hộ, đổ bộ đường không cho đến cả phòng không tầm gần.
Điều khiến JIM LR trở nên đặc biệt hơn các sản phẩm cùng loại khác là nó được tích hợp sẵn hệ thống định vị toàn cầu GPS và cho phép truyền tải trực tiếp dữ liệu từ khí tài tới thiết bị đầu cuối.
Ống nhòm JIM LR được đánh giá là đa năng vì dù chỉ nặng 3kg nhưng vẫn được tích hợp hệ thống trinh sát quang điện tử hỗ trợ trinh sát ngày đêm, có cả kính ngắm ảnh nhiệt, đo xa bằng laser, chỉ thị laser, la bàn điện tử. Phiên bản mới nhất còn được bổ sung thêm các chức năng quay video ngày đêm.
.
Trong thiết kế của JIM LR, các nhà thiết kế của Sagem đã thực hiện được nguyên tắc tổng hợp hình ảnh nhận được từ các kênh khác nhau, bảo đảm nhìn thấy mục tiêu qua lớp phủ ngụy trang vào ban ngày, quan sát trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi có màn khói.
Về khả năng vận hành, JIM LR có thể hoạt động liên tục trong vòng 5 giờ, có thể điều khiển từ xa thông qua các thiết bị đầu cuối bằng sóng vô tuyến. Hệ thống cảm biến của JIM LR hỗ trợ nhận diện các mục tiêu cơ giới từ khoảng cách 18km còn đối với người là trên 7km.
Ngoài JIM LR, Pháo binh Việt Nam còn được trang bị mẫu ống nhòm trinh sát khác do Sagem phát triển là VECTOR 21, nó có khả năng theo dõi các mục tiêu từ khoảng cách 12km, khí tài cũng được trang bị đo xa bằng laser và la bàn điện tử.
Tuy ống nhòm JIM LR được đánh giá là khí tài trinh sát tiên tiến thế nhưng nó cũng chỉ là loại khí tài trinh sát cầm tay và không có quá nhiều giá trị cho tác chiến pháo binh. Và để nâng cao năng lực tác chiến, Pháo binh Việt Nam vẫn cần tới một loại khí tài trinh sát chuyên dụng như radar.
Radar xách tay của Pháo binh Việt Nam
Hiện nay, các mẫu khí tài trinh sát dành cho pháo binh của Việt Nam còn khá hạn chế và hầu hết trong số đó là do Liên Xô chế tạo. Trong đó thiếu nhất vẫn là các mẫu radar trinh mặt đất.
Với yêu cầu tác chiến trong tình hình mới của Pháo binh Việt Nam, trong những năm qua Binh chủng Pháo binh đã bắt đầu trang bị thêm các khí tài trinh sát mới cho các đơn vị chủ lực mà một trong số đó có thể nói đến là các hệ thống radar trinh sát chiến trường cỡ nhỏ.
Thông tin về các hệ thống radar trinh sát thế hệ mới của Pháo binh Việt Nam lần đầu tiên được giới thiệu trong phóng sự “70 năm Pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam” trên kênh VTV1.
Loại radar xuất hiện trong phóng sự trên có kích thước khá nhỏ gọn và có thể xách tay. Hình dáng của nó tương tự nhiều loại radar trinh sát chiến trường cỡ nhỏ đang được trang bị cho quân đội các quốc gia trên thế giới.
Hiện tại chưa có thông tin đầy đủ về tính năng kỹ chiến thuật cũng như xuất xứ của loại radar trinh sát chiến trường đang được Pháo binh Việt Nam sử dụng. Hiện nay có rất nhiều hãng chế tạo các loại radar trinh sát cỡ nhỏ với hình dáng gần như tương tự của Việt Nam, tuy nhiên về các tính năng của chúng không có quá nhiều điểm khác biệt.
Việc trang bị radar trinh sát chiến trường cho binh chủng pháo binh sẽ giúp tăng cường khả năng trinh sát trên thực địa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao hiện nay.
Theo đó các mẫu radar trinh sát mặt đất cỡ nhỏ thường có nhiệm vụ trinh sát chiến trường, thu thập thông tin tình báo, giám sát biên giới, bảo vệ các khu vực trọng yếu. Về thiết kế cơ bản các mẫu radar này có thể theo dõi và cung cấp dữ liệu về các mục tiêu di động như phương tiện cơ giới, con người…
Các mẫu radar trinh sát mặt đất cỡ nhỏ về cơ bản có khả năng phát hiện mục tiêu như một người trưởng thành đang di chuyển trên đồi núi ở độ cao tối đa 700m trong phạm vi 3km hoặc 7km đối với một trung đội bộ binh. Trong khi đó các phương tiện cơ giới là từ 10km và các phương tiện bọc thép hạng nặng là 14km.
Phạm vi hoạt động của radar hoàn toàn phù hợp với tầm bắn hiệu quả của các loại pháo kéo có trong biên chế Binh chủng Pháo binh hiện tại như D-30, M-30, M-46, D-20 và M2A1.
Đối với các loại radar trinh sát chiến trường thường có thể được triển khai mà không cần tới các phương tiện cơ giới và chỉ cần từ 2-3 người vận hành. Chúng có thể hoạt động liên tục 24/24 dưới mọi điều kiện thời tiết, đồng thời quét và theo dõi hàng chục mục tiêu cùng lúc.
Bộ đôi ngư lôi “khủng” của Hải quân Việt Nam đáng gờm đến mức nào? Tinh hoa vũ khí Việt: Hiện đại hóa 36D6 – Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không Vũ khí “tối mật” của PK Việt Nam đánh bại máy bay B-52 ở Trường Sơn: Mỹ không kịp trở tay
Nếu so sánh với xe đo đạc tọa độ UAZ-452T của Pháo binh Việt Nam hiện tại thì radar trinh sát mặt đất có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn như khả năng kết nối với các khí tài trinh sát khác, hệ thống bản đồ số, hệ thống thông tin lạc…
Về mặt tổng thể dữ liệu về mục tiêu có được từ các khí tài trinh sát sẽ được tối ưu hóa trong một hệ thống duy nhất.
Từ đây các dữ liệu này sẽ được chỉ huy các đơn vị pháo sử dụng để đưa ra các đòn tấn công phủ đầu hay có các phương án đối phó đối phù hợp.
Mặc dù các khí tài trinh sát điện tử mới của Pháo binh Việt Nam không quá thực sự đặc biệt nhưng đây chỉ là bước đi ban đầu để Binh chủng Pháo binh nghiên cứu đánh giá từ đó có phương án phát triển phù hợp đối với lực lượng trinh sát của các đơn vị pháo binh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới.
Trà Khánh/Soha News