Mất hàng trăm cuốn sách Hán Nôm, chuyện không hề nhỏ!
Thông tin thất lạc hơn 100 cuốn sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Ông Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xác nhận hôm 20/03/2023 đã khiến dư luận bức xúc, nhiều người cho rằng công tác bảo tồn của chúng ta đang có nhiều lỗ hổng lớn.
Đây không phải là lần đầu tiên có chuyện tài liệu Hán Nôm “mất tích”, mà việc mất mát này đã từng diễn ra từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020.
Vào tháng 04/2022, khi dịch Covid-19 được khống chế, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức đợt kiểm kê đầu tiên trong vòng 10 năm gần đây. Sau 3 tháng rà soát, Viện phát hiện không thấy trên giá 29 quyển (tập sách đóng rời). Đến cuối tháng 12/2022, nhân viên của Viện cũng loan tin mất 25 cuốn sách, trong đó, quan trọng nhất là 4 cuốn Toàn Việt thi lục (do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn) thuộc 3 bộ khác nhau; 1 cuốn Việt âm thi tập (do nhà sử học Phan Phu Tiên biên soạn); 2 cuốn về địa chí là Hoàng Việt địa dư chí và Nam quốc địa dư (viết về cương vực, lãnh thổ Việt Nam).
Đến ngày 20/03/2023, số lượng sách bị báo mất đã tăng gần gấp 5 lần, khiến công luận hết sức bức xúc, vì sự hời hợt trong công tác bảo quản, giữ gìn tài liệu quý.
Tài liệu Hán Nôm luôn được xem là di sản của dân tộc, vì gắn liền với chiều dài lịch sử, và góp phần tạo nên nền văn hiến Việt Nam, thì các vụ việc kể trên rất đáng quan ngại.
Dù Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định có các bản scan màu hoặc bản sao của các tài liệu quan trọng bị thất lạc, nhưng đây vẫn chỉ là một lời an ủi gượng, vì ai cũng biết sách quý vì giá trị lịch sử mà nó đại diện, dựa trên hình thức trình bày, chất liệu, và thậm chí, là chữ viết của tác giả, chứ không đơn thuần chỉ là nội dung trong sách có gì.
Do vậy, việc truy tìm những quyển sách bị mất là việc nhất thiết phải tiến hành khẩn cấp và quyết liệt. Theo thông báo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngay ngày 20/03/2023, Viện đã nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan công an để làm rõ sự việc, và sẽ nghiêm khắc xem xét trách nhiệm của cá nhân có liên quan.
Cần phải xem đây là một vụ việc có yếu tố hình sự, vì sự mất mát này là hệ quả của việc quản lý tắc trách gây ảnh hưởng nghiêm trọng, phương hại đến tài sản quốc gia, chứ không thể tiếp tục xem nhẹ như từ trước đến giờ.
Lần này, với sự vào cuộc của cơ quan công an, dư luận muốn nhìn thấy một quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm bài học răn đe đối với những ai hoặc làm việc tắc trách, hoặc có ý đồ xâm phạm các tài liệu, các bảo vật văn hóa, lịch sử vô giá của quốc gia. Qua đó, cũng mở ra một cuộc rà soát lại các quy trình bảo quản, lưu trữ tài liệu, hiện vật ở các viện nghiên cứu, viện bảo tàng sao cho khoa học, an toàn.
Phạm Khoa