Hậu bối của Alibaba

Phan Tâm 29/09/2022 14:14

Từ vụ môi giới “diễn tuồng” bán đất như bán rau tại Bình Phước, một lần nữa vấn đề quản lý hoạt động môi giới bất động sản (BĐS) lại “nóng”. Thực tế thời gian qua, hàng loạt các vụ lừa đảo, thổi giá, gây sốt ảo đã cảnh báo về tính cấp bách của việc đưa ra giải pháp để kiểm soát tốt hơn hoạt động môi giới BĐS.

Hoạt động môi giới bất động sản khó kiểm soát, nhiều hệ lụy

Mới đây trên báo chí, mạng xã hội đang xôn xao về một video “bán đất như bán rau” ở Bình Phước. Nhân viên liên tục chạy đi chạy lại thông báo về các lô đất được cọc. Sau khi video được đăng tải, hầu hết các ý kiến đều cho đây là cảnh dàn dựng, sàn môi giới đang “diễn tuồng” nhằm gây sốt ảo.

Hình ảnh được cắt từ clip “bán đất như bán rau” ở Bình Phước

Công ty được cho là chủ nhân của clip trên cũng đã đăng thông tin ngụ ý dự án đã bán hết, ngừng giao dịch. Thế nhưng, khi liên hệ thì nhân viên công ty vẫn báo còn đất. Theo tìm hiểu thì đất rao bán là đất nông nghiệp. Và hiện tại, cùng khu vực, có dự án thổ cư, pháp lý hoàn chỉnh nhưng thị trường trầm lắng nên chưa ra được.

Đáng nói cách đây không lâu, UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũng đã xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH địa ốc Nam Khương (trụ sở tại tỉnh Bình Dương). Đơn vị này đã tung đoạn clip dài khoảng 4 phút ghi lại nhân viên chạy ngược xuôi thông báo với người dẫn chương trình các lô đất liên tục được khách đặt cọc…

Đây chỉ là một trong vô số những chiêu trò để bơm giá, tạo sốt ảo nhằm chốt giao dịch, ăn chênh lệch. Việc môi giới tung tin về quy hoạch ảo hay dàn xếp giao dịch để tạo hiệu ứng chốt khách là vô cùng quen thuộc. Chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ lừa đảo thế kỷ của công ty địa ốc Alibaba phân lô bán nền các dự án không có thật. Theo thống kê có 4316 người bị hại với số tiền lên tới 2.264 tỷ. Hay vụ Công ty TNHH dịch vụ tư vấn môi giới bất động sản Gia Kỳ tại Bình Dương có hành vi lừa đảo với tổng số tiền là 1.320.000.000 đồng thông qua hình thức ký kết hợp đồng đặt cọc mua, bán đất nền. Công ty TNHH Đất vàng Hoàng Gia và công ty TNHH Hoàng Kim Land vẽ dự án ma và lừa đảo hơn 260 tỷ đồng.

Chiêu trò lừa đảo của môi giới bất động sản có thể nói như ma trận, vô cùng tình vi. Hàng loạt các vụ việc được phơi bày: lập phòng công chứng giả để lừa bán đất; làm sổ đỏ giả tráo đổi; bán một miếng đất cho nhiều người; giả làm nhà phân phối căn hộ để lừa tiền đặt cọc; bán đất dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng…

Những điều kể trên là hệ của của hiện tượng “bát nháo” hoạt động môi giới. Đội ngũ môi giới thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết và kiến thức trong lĩnh vực. Nhiều người chưa nắm rõ luật, không biết về pháp lý dự án, chưa rõ dự án có thật hay không nhưng vẫn thản nhiên rao bán. Một số hoạt động tự do, chưa có chứng chỉ, họ chỉ nặng về việc kiếm lời mà chưa tôn trọng khách hàng. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo. Các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội lách luật, trốn thuế.

Chiêu trò lừa đảo của công ty bất động sản Alibaba

Cần có chế tài quản lý hoạt động môi giới bất động sản

Hiện, cả nước có khoảng 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, nhưng chỉ có khoảng 50.000 người có chứng chỉ hành nghề. Vào những thời điểm sốt đất, từ chị hàng nước tới anh xe ôm và bất cứ ngành nghề nào cũng có thể thành “cò đất”.

Nguồn nhân lực thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng. Chính những “con sâu” nói trên đã tác động chung đến mặt bằng giá đất, gây thiệt hại cho khách hàng. Thậm chí làm giảm khả năng thu hút đầu tư tại nhiều địa phương sau các cơn sốt đất ảo đi qua. Hơn thế, họ còn không kê khai nộp thuế theo quy định, dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước. Theo các chuyên gia, siết chặt lại hoạt động môi giới chính là vấn đề cấp thiết để ổn định lại thị trường.

Trước tình hình đó, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người mua bất động sản nâng cao cảnh giác. Tháng 2/2022, Nghị Định 16 của Chính phủ được ban hành có bổ sung quy định xử lý hành chính hành vi vi phạm của môi giới bất động sản. Mức phạt từ 40 triệu đồng tới 250.000.000 đồng tùy các trường hợp vi phạm khác nhau.

Đồng thời, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động môi giới BĐS. Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Theo đó, chủ đầu tư các dự án BĐS phải công khai đầy đủ, chính xác thông tin về dự án. Các sàn giao dịch BĐS phải cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp.

Bên cạnh các biện pháp trước mắt, cần có những cơ chế lâu dài để chuẩn hóa nghề môi giới. Tại dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất phương án các cá nhân hoạt động môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Họ phải hành nghề trong một tổ chức, sàn giao dịch BĐS.

Để chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản và hướng đến thị trường dịch vụ chuyên nghiệp lành mạnh cần có những giải pháp đồng bộ. Làm được điều này sẽ giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn, hạn chế được tình trạng môi giới hoạt động bát nháo, thổi giá BĐS tràn lan như thời gian qua.

Phan Tâm

Đọc nhiều