Mạnh tay với chạy chức, chạy quyền

25/09/2019 14:33

Ông Nguyễn Đình Hương – nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương – nhận định đây là lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành trong một quy định do Tổng bí thư, Chủ tịch nước ký.

Mạnh tay với chạy chức, chạy quyền - Ảnh 1.
Phiên xử Trịnh Xuân Thanh và 7 đồng phạm phạm tội tham ô tài sản (28-1-2018) – Ảnh: TL

Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23-9.

Quy định gồm 4 chương, 15 điều đã nêu rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền và xử lý các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

>> Bộ Chính trị vừa ra quyết định, chấm dứt giai đoạn “gia đình trị”

Mạnh tay với chạy chức, chạy quyền - Ảnh 2.
Dư luận từng rất bức xúc về “gia phả làm quan” của gia đình phó bí thư thường trực huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương – Đồ họa: V.C.

Chống chạy chức, chạy quyền cũng phải từ dân, do dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ về quy định vừa được ban hành, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương – cho rằng Đảng đã nhiều lần cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Nghị quyết trung ương 6 (lần 2), khóa VIII thì Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 loại “chạy”: chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử.

Từng tham gia cho ý kiến vào quy định này, ông Hương cũng cho rằng cần phải làm rõ ai chạy, chạy ai? Ông Hương tự chỉ ra: Người yếu kém sẽ chạy. Phe cánh, địa phương chủ nghĩa cũng chạy. Họ chạy thủ trưởng cấp trên, chạy người thân làm quan to, chạy quan chức đồng hương và chạy ở các cơ quan tham mưu.

Ông Hương cho biết khi ông còn làm việc cũng xuất hiện việc chạy, nhưng khi đó là chạy bằng chai nước mắm, yến gạo ngon. Còn sau này, như Trịnh Xuân Thanh thì chạy bằng “núi tiền”, qua nhiều bộ, ban ngành, dầu khí đến tỉnh Hậu Giang…

Nhận xét về quy định này, ông Hương cho rằng đây là lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành trong một quy định do Tổng bí thư, Chủ tịch nước ký. Lần đầu tiên một quy định đã chỉ rõ, cụ thể các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Tổng bí thư nhiều lần nhắc đến cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền bằng hình ảnh “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”, và để cùng với Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò giám sát của nhân dân sẽ tạo ra “chiếc phanh” cơ chế, “cái lồng” kiểm soát hiệu quả.

“Bên cạnh những điều như quy định của Đảng thì phải thực hiện nghiêm nguyên tắc: dân chủ – công khai – minh bạch. Không chỉ cán bộ, đảng viên, mà người dân cũng cần được biết về công tác cán bộ. Công tác nhân sự có cần phải giấu đến sát đại hội không? Công tác cán bộ cần phải công khai để dân cùng biết, cùng bàn, cùng giám sát, kiểm tra” – ông Hương nêu ý kiến.

Khai trừ Đảng, xử lý hình sự

Cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành thì tùy mức độ kỷ luật còn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng.

Theo đó, sẽ không đưa vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian 18, 30 hoặc 60 tháng, thậm chí buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng (theo từng mức kỷ luật kể trên), không bố trí công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ và các biểu hiện vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý, nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính nội bộ.

—–

Phạm Phương Thảo (nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM): Nhận diện rõ để có giải pháp ngăn chặn, xử lý

Dù có nhiều quy định về tiêu chuẩn, về những điều không được làm, về quy trình, quy hoạch khá bài bản, chặt chẽ nhưng trong chọn lựa cán bộ vẫn còn để xảy ra không ít trường hợp cán bộ không đủ chuẩn vẫn vào bộ máy lãnh đạo, kể cả ở cấp cao.

Vì thế, tôi cho rằng quy định này là một động thái đúng đắn, kịp thời để giải quyết tình trạng vốn gây nhiều bức xúc trong thời gian qua. Việc trung ương ban hành một quy định với các điều khoản hết sức cụ thể là điều kiện thuận lợi để nhận diện tiến tới xử lý triệt để.

Quyết tâm từ bên trên đã có, vấn đề quan trọng cần làm là khâu tổ chức thực hiện cũng phải bài bản, hiệu quả. Để làm được điều này, sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ là hết sức cần thiết. Việc làm này trước nay cũng đã được tiến hành nhưng trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa.

—–

Ông LÊ NAM (đại biểu Quốc hội khóa XIII): Có ý định chạy, sẽ phải chùn bước

Quy định này thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng, quyết tâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa là căn cứ cực kỳ quan trọng để cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng và nhân dân đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, trước mắt là phục vụ tốt công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới.

Theo tôi, tác dụng trước hết của quy định này là sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của những người có chức quyền, đặc biệt là những người có quyền hạn trong công tác cán bộ, đồng thời sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của những đối tượng đang có ý định chạy chức, chạy quyền. Đọc quy định này, những người có ý định chạy chức, chạy quyền sẽ phải chùn bước.

untitled-2 copy

Ví dụ như định mời anh A, anh B đi chơi golf, đi du lịch, định biếu xén để tạo quan hệ, gây thiện cảm…; rồi ví dụ như cấp trên thường gọi điện, viết thư, gặp gỡ cấp dưới để gửi gắm, gợi ý bầu cho chú C, quy hoạch cô D…, tất cả sẽ không dám ngang nhiên “hoạt động” nữa.

Từ đó, cấp ủy các cấp sẽ có chính kiến của mình trong công tác cán bộ. Báo chí, dư luận và nhân dân sẽ có cơ sở để vạch trần các biểu hiện chạy chức, chạy quyền mà quy định này đã định dạng rất rõ.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn chạy chức, chạy quyền là công việc gian truân, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, chứ riêng quy định này sẽ không triệt tiêu ngay được. Vì thế, Đảng cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết căn bản từ những nguyên tắc, nguyên lý của công tác cán bộ, đặc biệt là công tác bầu cử, thi cử trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở các cấp, các ngành từ bộ máy của Đảng đến bộ máy chính quyền.

Công khai, dân chủ, sàng lọc qua các hình thức cạnh tranh trong bầu cử, thi tuyển dựa trên các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, dưới sự giám sát của nhân dân thì sẽ lựa chọn được người có tài, có đức vào các vị trí phù hợp.

Một vấn đề nữa là trong sử dụng cán bộ cần tiếp tục làm rõ, phân định giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, không để tập thể là nơi “núp bóng” để cá nhân thực hiện mưu đồ riêng. Không để tập thể bị một vài cá nhân lung lạc, sau đó họ dùng ý chí tập thể để phục vụ nhóm lợi ích.

—–

Luật sư Đỗ Thành Nhân (nguyên ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng): “Hâm nóng” quy định trước đại hội các cấp

Dù các vấn đề đặt ra trong quy định lần này không mới và đã có khung xử lý được quy định rất rõ trong Luật hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ, công chức… nhưng quy định này vẫn thật cần thiết.

Vì sao? Vì biểu hiện và thực trạng chạy chức, chạy quyền trong thời gian vừa qua có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong đó có các hành vi về bổ nhiệm cán bộ là con em của quan chức, người thân, người quen, người cùng êkip với lãnh đạo xảy ra ở nhiều nơi, có nhiều sai phạm gây bức xúc dư luận. Quy định lần này có ý nghĩa rất lớn, là cách “hâm nóng” các quy định đã có trước đây để mạnh tay xử lý nạn chạy chức, chạy quyền.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều