8
category
327778

Mánh gian lận trong vụ bê bối điểm thi ở Hoà Bình

06/10/2019 22:01

Phó ban chấm thi tỉnh Hoà Bình bị cáo buộc là chủ mưu, chỉ đạo 15 người và 18 giám khảo nâng điểm 77 bài thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

 Bê bối gian lận điểm thi ở tỉnh Hòa Bình gây rúng động dư luận.
Bê bối gian lận điểm thi ở tỉnh Hòa Bình gây rúng động dư luận.

Theo kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án gian lận điểm THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình, trước kỳ thi, Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục – phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi) đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm) cùng 18 giám khảo chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn ngữ văn và 57 bài thi trắc nghiệm.

Với các bài thi tự luận ngữ văn, theo quy chế thi, số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm quản lý thi, đảm bảo mỗi bài thi tương ứng duy nhất với một số phách. Việc sinh mã phách thuộc chức năng nhiệm vụ của Ban làm phách, số phách, phải được bảo mật tuyệt đối. Biết rõ các quy định này, bị can Vinh vẫn chỉ đạo, giao bị can Tuấn (không có nhiệm vụ ở ban này) thực hiện việc sinh mã phách trái quy định. Việc này nhằm để các bị can lấy thông tin mã phách của các thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ văn.

Ngày 28/6/2018, tại phòng chấm thi trắc nghiệm, Tuấn sử dụng máy tính của tổ chấm thi trắc nghiệm thực hiện việc sinh mã phách từ phần mềm quản lý thi. Sau đó, Tuấn bàn giao các biểu dồn túi và biểu mã phách cho ban làm phách để làm phách bài thi tự luận theo quy định.

Đồng thời với quá trình sinh mã phách, Tuấn đã tập hợp danh sách, thông tin các thí sinh cần nâng điểm thi môn ngữ văn (gồm có số báo danh, mã phách, mã túi bài thi, điểm yêu cầu và ghi chú quan hệ của thí sinh) để chuyển cho Nguyễn Quang Vinh. Vinh lại chuyển danh sách, thông tin số thí sinh này cho Diệp Thị Hồng Liên (Phó trưởng phòng Phòng khảo thí, phụ trách tổ chấm bài thi tự luận môn ngữ văn).

Do đã trao đổi, thống nhất từ trước nên khi nhận được danh sách, Liên đối chiếu thông tin mã phách, mã túi đựng bài thi, theo tiến độ chấm thi của từng tổ chấm thi tự luận môn ngữ văn sau đó chuyển các thông tin thí sinh, điểm yêu cầu cho tổ trưởng các tổ chấm thi để các tổ trưởng can thiệp chấm nâng điểm bài thi.

Quá trình chấm thi, Nguyễn Văn Quang (Trưởng môn chấm thi), Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà, và các cán bộ chấm thi (giám khảo) không thực hiện việc bốc thăm mã túi đựng bài thi, bốc thăm giám khảo chấm thi, không tổ chức chấm hai vòng độc lập…

Để nâng điểm bài thi cho thí sinh, các tổ trưởng đọc mã phách, điểm yêu cầu để các giám khảo chấm bài thi ghi lại hoặc tổ trưởng viết thông tin mã phách, điểm yêu cầu ra phiếu chấm, sau đó giám khảo sẽ chấm điểm cho thí sinh theo đúng điểm yêu cầu. Có trường hợp tổ trưởng ghi điểm trực tiếp vào bài thi của thí sinh, phiếu chấm để giám khảo chỉ việc ký hợp thức. Cũng có trường hợp, Liên cùng với tổ trưởng trực tiếp gặp giám khảo chấm thi để can thiệp nâng điểm bài thi của thí sinh.

Kết quả điều tra xác định, 20 bài thi của 20 thí sinh được 18 giám khảo nhận mã phách, trực tiếp chấm nâng điểm và ký hợp thức.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng và tiến hành thẩm định các bài thi ngữ văn có dấu hiệu được can thiệp nâng điểm. Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và đào tạo xác định 22 bài thi môn ngữ văn được chấm nâng điểm từ 1,25 đến 4,5 điểm.

Ngoài nâng điểm cho 20 bài thi môn ngữ văn, kết luận điều tra bổ sung xác định bị can Vinh chủ mưu, chỉ đạo nâng điểm của 57 bài thi trắc nghiệm. Đầu tháng 5/2018, Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Tuấn nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số thí sinh.

Vinh và Tuấn thống nhất sửa trực tiếp bài thi trước khi quét file ảnh gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Vinh có trách nhiệm chuẩn bị chìa khóa phòng chứa, chấm bài thi trắc nghiệm, bố trí niêm phong cửa phòng chấm thi dễ bóc, khó bị phát hiện. Tuấn trực tiếp can thiệp nâng điểm.

Cơ quan điều tra cho hay vào buổi tối các ngày từ 30/6 đến 3/7/2018, Đỗ Mạnh Tuấn cùng Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên phòng khảo thí, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm) bóc niêm phong, mở khóa vào phòng chứa bài thi để thực nâng điểm bài thi.

Sau khi can thiệp nâng điểm bài thi, quá trình chấm thi, Đỗ Mạnh Tuấn phát hiện có một số bài thi của thí sinh mặc dù đã được sửa chữa, nâng điểm trước đó nhưng số điểm nâng chưa đạt yêu cầu nên anh ta tiếp tục sửa, nâng điểm cho các bài thi này.

Chấm thi xong, Đỗ Mạnh Tuấn lại trả chìa khóa cho Vinh. Trong kết luận điều tra vụ án, nhà chức trách xác định có 142 bài thi trắc nghiệm của 57 thí sinh được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm cho một môn.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Hòa Bình có tổng số 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. Trong đó, 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 45 thí sinh trúng tuyển, đã bị buộc thôi học, 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển, 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, một thí sinh xét nhưng không trúng tuyển), 3 thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng.

Cơ quan tố tụng nhận định, hành vi của Nguyễn Quang Vinh đã phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 356 Bộ luật Hình sự 2015) với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Quá trình điều tra, bị can Vinh không thừa nhận hành vi phạm tội, chưa thành khẩn khai báo nên theo cơ quan điều tra cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đóng vai trò thứ hai là Đỗ Mạnh Tuấn do giúp sức tích cực cho Nguyễn Quang Vinh ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, theo lời khai của Tuấn, anh ta còn nhận một tỷ đồng của một số người trung gian, người nhà các thí sinh nhờ nâng điểm. Vì vậy, Tuấn còn bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, theo điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, Tuấn được nhận định là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Tuấn đã tự thú, nộp 550 triệu tiền hưởng lợi bất chính. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị cơ quan tố tụng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can này.

Ngoài Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố Nguyễn Khắc Tuấn, Nguyễn Văn Quang (Trưởng môn chấm thi), Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà cùng 8 cá nhân với cùng tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, 18 giám khảo chấm thi không bị xử lý hình sự. Cơ quan điều tra cho rằng, những người này thực hiện hành vi trái quy định nhưng không vì vụ lợi, chịu sử chỉ đạo của cấp trên, có người còn bị ép buộc nên chỉ đề nghị xử lý hành chính.

Tháng 8/2018, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố 15 bị can trong đó tạm giam 8 cán bộ, giáo viên. Ba trường công an đã trả 28 sinh viên Hòa Bình về địa phương để bàn giao cho gia đình quản lý do điểm chấm thẩm định giảm, vi phạm cam kết với nhà trường. Đại học Sư phạm Hà Nội đã xóa tên một thủ khoa năm 2018 do chỉ đạt 21,5 điểm, thấp hơn mức trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn 2,5 điểm.

(Theo VnExpress)

Đọc nhiều