130115
topics
415450

Mắc kẹt trong tâm dịch ở Đà Nẵng

01/08/2020 16:37

1h ngày 28/7, nhận được tin nhắn của hãng hàng không, báo chuyến bay bị huỷ, Mai cuống cuồng ấn số tổng đài nhưng không lời hồi đáp.

Tin nhắn đến chỉ vài giờ sau khi có thông báo dừng mọi phương tiện đến và đi khỏi Đà Nẵng, từ 0h ngày 28/7. Cùng lúc, ba bệnh viện phong toả, sáu quận nội thành với hơn một triệu dân thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, sau khi ghi nhận 14 ca nhiễm nCoV liên tiếp trong cộng đồng.

Ngọc Mai, kiến trúc sư làm việc ở Hà Nội đang du lịch cùng chồng tại Đà Nẵng, lập tức ấn số tổng đài, nhưng đường dây báo bận liên tục. Lay chồng dậy, quét thông tin trên báo, Mai mới biết mọi phương tiện đến và đi khỏi Đà Nẵng đã dừng hoạt động.

Vợ chồng Mai nấu ăn tại nhà người bạn trong những ngày kẹt lại Đà Nẵng: Ảnh: Hoàng Phương.
Vợ chồng Mai nấu ăn tại nhà người bạn trong những ngày kẹt lại Đà Nẵng

Sáng 25/7, thông tin chính thức về “bệnh nhân 416” công bố. Từng đoàn người nháo nhào ra sân bay tìm cách trở về sớm nhất. Website tắc nghẽn, tổng đài quá tải vì những cuộc gọi đổi, huỷ chuyến, khi gần 80.000 người tìm cách rời thành phố.

Địa điểm đi chơi của vợ chồng Mai lập tức được rút gọn: khách sạn và nhà bạn bè. Cô mới đến Đà Nẵng chiều 24/7, sau hai lần phải đổi vé vì Covid-19. Cảm thấy máy bay vẫn chưa an toàn, Mai nhét thêm hai hộp khẩu trang, hai chai nước rửa tay vào hành lý. Vợ chồng thống nhất không đến các điểm tham quan, chỉ đi thăm bạn bè. Ở thành phố này, họ có nhiều người quen, nơi 10 năm trước cả hai từng học Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Bốn năm mới quay lại Đà Nẵng, Mai thấy thành phố đang hồi sinh sau Covid, khi những ngày tháng 7, lượng khách nội địa đã tăng hơn 90%.

Thay vì xách valy ra sân bay, cô gọi điện đến đại lý lẫn tổng đài để cập nhật thông tin. Tối 27/7, nhân viên hãng xác nhận với cô chuyến bay lúc 13h chiều hôm sau từ Đà Nẵng về Hà Nội vẫn khởi hành như dự kiến, cho đến trước nửa đêm. “Mọi thứ diễn ra quá nhanh, khiến em và nhiều người không kịp trở tay”, Mai nói. Nếu nhận được thông báo sớm hơn, vợ chồng cô sẽ đổi vé đi tàu hoả hoặc xe khách và về thẳng quê nhà, tự cách ly 14 ngày để tránh dịch.

Sáng 28/7, khách sạn thông báo dừng đón khách, tuân thủ quy định cách ly của thành phố. Vợ chồng Mai kéo valy khỏi sảnh, kèm số điện thoại của Sở du lịch Đà Nẵng. Cơ quan này cho biết sẽ hỗ trợ khách kẹt lại ở khách sạn với mức giá ưu đãi. Cuối cùng, vợ chồng cô tá túc nhà một người bạn ở quận Sơn Trà. Điều cô thấy may mắn, là mình vẫn có nơi để nương nhờ, so với hơn 300 người đang ở ngoài khách sạn.

Cô báo rõ tình hình với công ty và xin nghỉ trong thời gian cách ly xã hội, bởi công việc đặc thù của kiến trúc sư, cần đủ máy móc, thiết bị. Kế hoạch làm việc tạm thời gián đoạn trong nửa tháng. Điều cô mong mỏi duy nhất bây giờ, là “dịch sớm được khống chế để có thể trở về”.

Kỳ cách ly xã hội lần hai của Thái biến thành thời gian tập thể dục, đọc sách, ở yên trong nhà. Ảnh: Đình Thái cung cấp.
Kỳ cách ly xã hội lần hai của Thái biến thành thời gian tập thể dục, đọc sách, ở yên trong nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Kẹt lại trong thành phố vì vướng thi cử, Nguyễn Đình Thái, sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng, mang tâm lý ngại “nửa muốn về, nửa không”, sợ bị kỳ thị vì về từ vùng dịch. 23h ngày 26/7, trường ra thông báo cho sinh viên nghỉ học để tránh dịch. Thái còn một môn thi vào sáng 27/7. Cậu đã có một kỳ nghỉ Tết quá dài, từ tháng hai đến hết tháng tư và mới trở lại Đà Nẵng học tiếp vào đầu tháng năm. Kỳ học mới được hai tháng rưỡi, và sẽ kết thúc sáu môn thi học kỳ vào đầu tháng sau.

Thái ngồi trong phòng trọ ở phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu ôn bài, “nhấp nhổm” nhìn bạn bè lần lượt xách valy về quê, khi Đà Nẵng bắt đầu giãn cách xã hội từ 13h cùng ngày. Mẹ cậu ở quê liên tục gọi điện, giục con hãy “tìm mọi cách để về”. Nhưng người cha trấn an: “Nếu thấy tránh dịch tốt, cứ ở lại. Đi tàu xe còn nguy hiểm hơn”.

Khi Thái thi xong môn, 30 phòng trong xóm trọ chỉ còn một nửa người ở lại. Cậu sinh viên năm hai thử gọi điện hỏi vé, nhưng các chuyến xe đều đã kín chỗ. “Điều em ngại nhất là nghe điều tiếng con ở Đà Nẵng về, bố là cán bộ xã mà không chấp hành nghiêm việc chống dịch”, suy nghĩ đó khiến Thái không cố về bằng mọi cách.

Truy cập vào ứng dụng online khai báo y tế là việc đầu tiên cậu làm khi ở lại, hàng ngày báo tin về cho gia đình yên tâm. Cậu sinh viên mua thêm đồ ăn cho vào tủ lạnh, những ngày sau hạn chế ra ngoài. Nửa tháng cách ly xã hội, là thời gian dành cho đọc sách, tập tạ, ôn bài. Với Thái, những ngày này “cũng không quá tệ”.

Ngày 28/7, nhà trường thống kê số sinh viên ở lại Đà Nẵng, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm. Các nhóm từ tâm phát đồ cho công nhân, sinh viên mắc kẹt. Thái từ chối chưa nhận vì còn đồ ăn, nhường người khác cần hơn. Các ca nhiễm vẫn tăng, Nguyễn Đình Thái hạn chế chia sẻ, tránh tâm trạng tiêu cực.

“Ở trong tâm dịch, điều quan trọng là không nên hoảng loạn, vì hoảng loạn không giải quyết được gì, quan trọng là hạn chế tiếp xúc với người ngoài, ở yên trong nhà”, cậu sinh viên nói.

Những ngày đầu mắc kẹt, vợ chồng Mai tranh thủ dậy sớm, ra bờ biển cách nhà người bạn 200 mét, đeo khẩu trang đi bộ tập thể lục một lúc rồi về nhà, nấu ăn. Hai hôm nay có lực lượng chức năng nhắc nhở, Mai chuyển sang tập yoga, thể dục tại nhà. Sau này hết dịch, cô sẽ vẫn quay trở lại Đà Nẵng, với cô, nơi này vẫn là “thành phố đáng sống”.

Hoàng Phương/ VNE

Đọc nhiều