432
category
327793

Mã Pì Lèng Panorama không thuộc vùng lõi công viên địa chất… không phá dỡ?

07/10/2019 07:21

Chủ nhà hàng Panorama ở đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) cho rằng, chưa có giấy phép thì hoàn thiện giấy phép, khu vực xây dựng công trình nằm ngoài vùng lõi của công viên địa chất… Vậy, liệu công trình có bị tháo dỡ?

Công trình tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng Panorama ở đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) khi chưa được cấp phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Mới đây, trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi) chủ công trình tổ hợp Panorama cho biết, công trình chưa có giấy phép thì sẽ hoàn thiện giấy phép và khẳng định bản thân không sai trong trường hợp này.

Bởi theo bà Ánh, bà không tự ý xây dựng mà được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý, trong quá trình xây dựng, nhiều cơ quan chức năng đã đến kiểm tra độ an toàn. Đồng thời, nữ chủ nhà hàng Panorama cũng cho rằng, khu vực xây dựng công trình nằm ngoài vùng lõi của công viên địa chất.

Nữ chủ nhà hàng Panorama cũng giải thích về lý do thiếu các loại giấy phép là do khi chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng thì bà chỉ cố gắng làm cho kịp tiến độ chứ không quan tâm đến việc làm hồ sơ, thủ tục giấy tờ và nghĩ rằng địa phương sẽ lo các loại giấy phép. Bà này cũng nói rằng, nếu phá dỡ công trình, bà chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế vì tất cả tài sản, cả cuộc đời của bà ở đây và đặt câu hỏi, công trình này có đáng phải đập dỡ, có đáng bị tẩy chay hay không?

Ma Pi Leng Panorama khong thuoc vung loi cong vien dia chat... khong pha do?
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama nằm trên đèo Mã Pí Lèng. 

Trả lời về vụ việc trên, lãnh đạo huyện Mèo Vạc cho rằng, sai phạm của chủ đầu tư là không làm hồ sơ thiết kế để các cơ quan thẩm định xem có phù hợp với cảnh quan, môi trường hay không. Đồng thời một lần nữa khẳng định, nhà hàng nằm trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, xây dựng là vi phạm pháp luật. Bởi khu đất này nằm ở vùng ven danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, người dân làm nhà ở riêng lẻ thì huyện có thẩm quyền cấp phép. Nếu người dân xây dựng công trình với mục đích khác thì phải làm hồ sơ thiết kế, để các sở, ngành thẩm định về mật độ xây dựng, chiều cao, số tầng.

Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp Mã Pì Lèng không thuộc vùng lõi công viên địa chất… thì tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng Panorama có bị phá dỡ?

Trao đổi với PV , Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật không cho phép “tiền trảm hậu tấu” trong trường hợp này.

“Theo quy định của luật xây dựng thì có những công trình bắt buộc phải xin phép, có những công trình không bắt buộc phải xin phép. Tuy nhiên, dù công trình không phải xin phép thì việc xây dựng vẫn phải phù hợp với quy định pháp luật trong đó có phù hợp với mục đích sử dụng đất. Trường hợp xây dựng không có giấy phép trên đất nông nghiệp thì rõ ràng là hành vi vi phạm trật tự xây dựng, hành vi xây dựng trái phép. Hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình xây dựng theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Luật sư Cường viện dẫn khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP về Phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng…”. Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính, luật xây dựng và nghị định này.

Ngoài ra, theo quy định của luật đất đai thì đất nông nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích trồng trọt, pháp luật nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở, dịch vụ thương mại trên đất nông nghiệp.

Bởi vậy, hành vi xây dựng nhà ở, nhà hàng, khách sạn trên đất nông nghiệp là hành vi không những vi phạm luật xây dựng, luật nhà ở mà còn vi phạm quy định của luật đất đai. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có trách nhiệm xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

“Khu vực có công trình xây dựng trên nếu không thuộc khu di sản văn hóa nhưng cũng không được quy hoạch là khu dân cư, khu đô thị nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất ở đây thành đất ở, đất thương mại được. Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều kiện quan trọng nhất là pháp luật quy định người sử dụng đất phải không có hành vi vi phạm về đất đai thì mới được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là hành vi vi phạm luật đất đai và khu vực đó không phù hợp với quy hoạch cho nên sẽ không thể được chuyển mục đích sử dụng đất để hợp thức hóa công trình xây dựng trái phép”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Ma Pi Leng Panorama khong thuoc vung loi cong vien dia chat... khong pha do?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.

Điều này được thể hiện cụ thể tại Điều 52, Luật đất đai năm 2013 quy định Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Khoản 3, Điều 58 Luật đất đai cũng quy định, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau đây: Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Không những không được phép chuyển mục đích sử dụng đất, buộc tháo dỡ công trình vi phạm mà người sử dụng đất trong trường hợp nêu trên còn có thể bị cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào quy định tại điều 64 Luật đất đai và điều 66 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP để bị thu hồi toàn bộ diện tích đất đó do sử dụng trái mục đích, cụ thể quy định tại điều 66, Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, việc để công trình Panorama 7 tầng xây dựng kiên cố xây dựng và tồn tại cả năm trời tại Mã Pí Lèng không thể nói rằng chính quyền không biết. Pháp luật quy định cả một bộ máy để quản lý trật tự xây dựng… Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc để công trình xây dựng trái phép ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài mà không bị xử lý.

(Theo Kiến Thức)

Đọc nhiều