8
category
411571

Lý nào “kẻ nghèo” không được “chạy đua với các cường quốc”?

22/07/2020 11:09

Trang Nikkei Asian Review nói rằng: Việt Nam đang “chạy đua với các cường quốc” trong cuộc chiến tạo ra vaccine Covid-19. Cần biết rằng, vaccine Covid-19 đang được cả thế giới chờ đợi vì nó chính là “phao cứu sinh” cho hàng chục triệu người. Ngày nào đó trong tương lai, loại vaccine này chính thức ra đời thì ngày đó cũng là ngày đại dịch Covid-19 kết thúc. Chính vì ý nghĩa to lớn như thế mà nhiều quốc gia cũng dồn lực cho “trận chiến này”, Việt Nam – với tư cách là một quốc gia có nền sản xuất vaccine phát triển cũng không muốn nằm ngoài cuộc chiến đó.

Việt Nam chưa giàu như Mỹ, Úc, Anh Pháp,.. nhưng có không có điều gì có thể ngăn cản chúng ta phát triển và ngừng chạy đua với các cường quốc.

Tuy nhiên, có lẽ không phải người Việt Nam nào cũng hào hứng với tham vọng sản xuất vaccine này. Tại một diễn đàn về công nghệ rất có tiếng, nhiều người đặt câu hỏi rằng, tại sao Việt Nam phải tốn tiền để tìm ra vaccine Covid-19 làm gì? Sao không đợi các quốc gia khác tìm ra rồi mua lại? Rồi họ thủng thẳng kết luận kiểu như, các nước phát triển còn đang loay hoay, tốn tiền chạy đua trong cuộc chiến vaccine mà một kẻ nghèo như Việt Nam tham gia làm gì, tốn tiền tốn của. Rồi kết quả chưa chắc đã nhanh hơn các nước phát triển ấy, có khi còn chẳng thành công, thà liên hệ ký hợp đồng mua bản quyền, vừa nhanh gọn tiện lợi. Mấy trăm tỷ tiền tài trợ có khi là rửa tiền, để lo cho dân nghèo còn tốt hơn.

Vấn đề là ai bán mà mua? Vaccine Covid-19 chắc chắn sẽ đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, vì nhu cầu cao, tính cấp thiết, nhiều quốc gia đã đặt ra hẳn những chương trình bảo vệ bí mật quốc gia cho các nghiên cứu tìm ra vaccine như Bỉ, Đức, Hà Lan hay Hàn Quốc. Mà chúng ta cứ mãi đi mua, thì bao giờ mới tự lực được? Hay bị hét giá ngàn đô cho một liều cũng phải cắn răng mua?

Cũng trong diễn đàn công nghệ ấy, họ thẳng thắn chê bai công nghệ viễn thông Việt Nam, rằng 3G/4G chậm như rùa bò trong khi đó giá cước lại cao vượt lên so với thu nhập của người dân. Nhưng sự thật thì sao? Theo một nghiên cứu về giá cước di động tại 154 quốc gia trên thế giới của công ty Cable tại Anh, Việt Nam là một trong mười quốc gia có mức cước internet di động rẻ nhất. Báo cáo chỉ ra rằng người Việt Nam chỉ cần mất khoảng 0,57 USD để mua 1Gb dữ liệu di động, tương đương khoảng 13 ngàn VNĐ/1Gb dữ liệu di động. Trên Quora, rất nhiều độc giả trên thế giới từng đến Việt Nam bày tỏ sự ngạc nhiên và thán phục về hạ tầng viễn thông Việt Nam, phủ sóng từ những nơi hẻo lánh nhất, xa xôi nhất, wifi miễn phí có mặt ở khắp mọi nơi, phí sử dụng thì rất rẻ và thậm chí gần như không mất phí.

Hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mạnh mẽ việc tự lực phát triển 5G, đưa 5G trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế trong tương lai. Việt Nam là một trong 5 quốc gia châu Á vừa phát triển công nghệ 5G, vừa phát triển được các thiết bị phần cứng đầu cuối 5G, Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên phát triển thành công mẫu điện thoại hỗ trợ công nghệ 5G. Đáng nhẽ, phải vui mừng là thế, nhưng lắm kẻ vẫn không để yên, cho rằng công nghệ 5G Việt Nam thực chất là “lõi Huawei, vỏ ZTE”, rồi điện thoại 5G Việt Nam cũng chỉ là điện thoại nhập “linh kiện Trung Quốc”. “Tự sản xuất cái gì? Gọi là gia công thì đúng hơn. Đặt linh kiện của người ta rồi ráp lại ra sản phẩm. Vậy mà gọi là sản xuất thì cũng hơi quá”.

Viettel là đơn vị phát triển công nghệ 5G.

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam đi sau các quốc gia khác, nhưng trong thời đại hiện nay, chúng ta có thể đi mua công nghệ nước ngoài, rồi tạo ra sản phẩm ở giai đoạn cuối, sau đó bán sản phẩm, bán được sản phẩm rồi thì sẽ phát triển hoàn thiện dần. Chứ bây giờ muốn làm điện thoại, muốn có một con chip kiểu như Qualcomm Snapdragon hay MediaTek Dimensity thì bắt tay vào nghiên cứu đến bao giờ? Nhân lực đâu, tiền đâu? Chúng ta cứ mãi đi gia công, cứ mãi nhập khẩu, thì không bao giờ có thể bứt lên được.

Trong một thế giới “phẳng”, toàn cầu hóa ăn sâu vào từng góc phố mái nhà, không một đơn vị nào có thể tự mình làm hết tất cả mọi thứ, thậm chí kể cả Apple hay Tesla. Các đơn vị Việt Nam chưa có tiếng tăm gì với thế giới, nguồn lực cũng không mạnh mẽ bằng, nhưng mấy công ty trên khi bước đầu phát triển, cũng đều từ những phòng làm việc nhỏ bé. Đến một gã khổng lồ như Samsung cũng phải thuê các công ty gia công phần cứng Wingtech của Trung Quốc để sản xuất hơn 60 triệu smartphone giá rẻ mỗi năm nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Thực sự là có nhiều người Việt Nam, muốn chúng ta phải tự làm tất cả mọi thứ. Nhưng có câu chuyện đùa vui thế này, bây giờ chúng ta xây nhà, thì phải mua gỗ, mua xi măng, mua gạch về và thuê thợ xây… Khi hoàn thiện thì đó vẫn là ngôi nhà của chúng ta, trên mảnh đất của chúng ta, chứ làm gì có ai điên mà tự đóng gạch, tự làm xi măng, tự lên rừng đốn củi làm cốt pha được chứ? Hyundai, một trong những hãng xe lớn nhất thế giới, cũng đi lên từ “lắp ráp”. Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, nhờ sự hỗ trợ của Ford và Mitsubishi, những chiếc xe “Made in Korea” đầu tiên ra đời và giờ, người Hàn Quốc dĩ nhiên hết đỗi tự hào. Những quá khứ từ những ngày tháng là một hãng xe gia công giờ lại trở thành biểu tượng cho sự vươn lên, vượt khó, từ “zero” đến “hero”.

Đào về quá khứ một chút, năm 2016, có một nhóm các nhà đấu tranh “quyền lực” trên mạng do một “kiến trúc sư online” Son Dang đã loan tin rằng hàng ngàn động vật ở một vườn thú tại Phú Quốc đã chết do nguy cơ dịch bệnh. Nguồn tin mà họ lấy được là từ blog người nước ngoài, còn những bức ảnh mà họ đưa ra toàn là những vụ động vật chết ở châu Phi và Nam Mỹ. Đúng lúc ấy, là lúc Phú Quốc đang có những bước phát triển mạnh mẽ, việc thông tin bậy bạ này đã khiến cho cư dân Phú Quốc thực sự bất bình. Việt Nam bị một số tổ chức quốc tế động vật quốc tế bày tỏ thái độ nghi ngờ. Phải trải qua rất nhiều thời gian xác minh, Hiệp hội vườn thú Đông Nam Á (Seaza) và Hệ thống Thông tin loài quốc tế (ITIS) thừa nhận rằng những cáo buộc bịa đặt nhắm vào vườn thú này là vô nghĩa.

Một thành viên trong đội ngũ từng phao tin đồn nhảm vụ việc năm 2016 ở trên đã trả lời phỏng vấn tờ Foreignpolicy, người này vu cáo Việt Nam chống đại dịch thành công nhờ vi phạm nhân quyền và đàn áp người dân. Tờ này cho biết rằng các hành vi phạt tiền người dân đưa tin về dịch bệnh, đưa công an quân đội can thiệp chống dịch là sai nguyên tắc, bên cạnh đó, việc đưa người dân đi cách ly khi họ không có bệnh là vi phạm quyền tự do. Và một tháng sau khi tờ Foreignpolicy đăng bài viết trên, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ trích Việt Nam rằng công dân có quyền lên tiếng về đại dịch dù thông tin họ đưa ra có thể không chính xác, đó là quyền tự do ngôn luận.

Việt Nam chống dịch hiệu quả nhờ sự chủ động và nghiêm túc thực hiện các biên pháp.

Cũng những con người nhân danh quyền tự do ngôn luận, lên án chính quyền tỉnh Quảng Ninh xây dựng, cải tạo khu vực Hạ Long để du lịch vì lo ngại “ô nhiễm môi trường”. Ô nhiễm ở đâu chẳng thấy, chỉ thấy một Hạ Long đẹp hơn, giàu có hơn, đông khách du lịch hơn. Rồi phê phán người dân Cần Giờ là “những người không quan tâm đến tương lai” khi đồng ý xây dựng khu lấn biển, trong khi chẳng hề quan tâm đến việc người dân Cần Giờ trông mong dự án và phải sống khổ cực như thế nào.

Lúc Việt Nam hỗ trợ máy thở cho người dân Nga, Ucraina; hỗ trợ khẩu trang và thiết bị y tế cho các quốc gia EU, họ nói rằng Việt Nam “nghèo còn sĩ diện”. Các nước đó giàu hơn, lo thân mình chưa xong, đi rảnh lo chuyện thiên hạ. Lúc Việt Nam viện trợ cho người anh em Cuba, họ nói rằng Việt Nam “oai cóc tía”, dân còn nghèo, còn đói khổ, còn không có cơm ăn áo mặc mà lại đi viện trợ ở tận những nơi xa xôi. Hỗ trợ giúp nước bạn Trung Quốc chống lũ lụt thì bị nói rằng việc đó khiến Trung Quốc “mua đạn bắn vào người Việt”.

Việt Nam trao tặng 550.000 khẩu trang hỗ trợ phòng chống Covid-19 cho Đức và một số nước châu Âu.

Đôi khi, thực sự không hiểu rằng tại sao lại có những con người như vậy, những con người không hề bắt tay vào làm, chỉ thích chỉ trích và ngăn cản người khác. Thậm chí, một số người còn muốn bôi xấu hình ảnh Việt Nam, kiểu như Việt Nam đã xấu, có xấu thêm cũng không sao. Và phải xấu thì mới là Việt Nam thì phải?

Winston Churchill nói rằng: “Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!”. Nhưng dù không để ý, không nghĩ ngợi, không quan tâm đến những tiếng sủa ấy thì rõ ràng, những con chó ấy vẫn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và bực tức.

Tifosi

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều