Lý giải cho việc không thả nổi xăng dầu

An Diễm 27/10/2022 05:26

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những thông tin về tình hình xăng dầu và quản lý, vận hành thị trường xăng dầu trong thời gian qua. Trong đó đưa ra nhận xét đáng chú ý: “Thiếu xăng dầu phía Nam có ảnh hưởng một phần xăng dầu lậu”.

Những vụ xăng dầu lậu bị bắt giữ

Xăng dầu thời gian qua là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội. Trong bối cảnh toàn thế giới khủng hoảng, đứt gãy chuỗi cung ứng thì giá xăng dầu ở Việt Nam đã nhiều lần biến động tăng vọt. Sau đó, bằng những động thái mạnh mẽ của Chính phủ thì giá xăng đã giảm xuống đến mức hợp lý, tuy nhiên lại nảy sinh một vấn đề mới là nhiều công ty, cây xăng đóng cửa không bán hàng với lý do càng làm càng lỗ. Có hai vấn đề mà các đơn vị này nêu ra là do giá nhập đầu vào được chiết khấu quá thấp, và giá bán đầu ra chưa hợp lý.

Giá xăng dầu toàn thế giới bị biến động mạnh qua từng ngày do khủng hoảng, khiến cho cơ chế định giá chưa kịp thích nghi cũng là điều không quá khó hiểu. Tuy nhiên, có một thực tế khác tại Việt Nam là tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân của tình trạng này theo Bộ trưởng là do “có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả”. Bằng chứng là thời gian vừa qua cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ, triệt phá những vụ làm giả xăng dầu mấy trăm triệu lít. Nhận định này đang gây xôn xao dư luận nhưng hoàn toàn có cơ sở, đó là do sự vận hành của kinh tế thị trường.

Xăng dầu lậu đương nhiên sẽ bán ra với giá rẻ, và các đại lý làm kinh doanh buôn xăng dầu chắc chắn sẽ chọn nguồn có giá rẻ nhất. Nếu có lượng xăng trôi nổi như vậy, người kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu, và không quan tâm lắm đến việc đăng ký mua của ai một cách ổn định. Khi các đường dây xăng dầu lậu bị triệt phá thì các đại lý này mất nguồn cung.

Thực tế, nếu thả nổi hoàn toàn ngành kinh doanh xăng dầu để cho thị trường quyết định thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Tại các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ hiện nay, giá xăng dầu bị đẩy lên rất cao. Một số lãnh đạo quốc gia châu Âu thậm chí còn chỉ trích các công ty Mỹ và Na Uy vì trục lợi nhờ bán dầu và khí đốt quá đắt. Các hoạt động kinh doanh năng lượng thuần túy nhiều khi chỉ chạy theo lợi nhuận thị trường mà không nghĩ đến an ninh năng lượng của quốc gia hay tác động xã hội.

Chính vì vậy, Việt Nam từ lâu đã xác định đây là ngành kinh doanh có điều kiện, vận hành theo thị trường nhưng phải đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Sự quản lý đó đảm bảo sự hài hòa cho xã hội, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Các khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu liên quan đến cơ chế định giá, thiếu room tín dụng là có, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, cuộc sống của người dân cũng không hề dễ dàng. Liệu có hợp lý không khi mà người dân giật gấu vá vai còn doanh nghiệp bán xăng thì vẫn cứ ung dung hưởng lợi nhuận như cũ?

An Diễm

Đọc nhiều