Chính phủ và nỗ lực kiến tạo để Mỹ chọn mặt gửi vàng khi “tháo chạy” khỏi Trung Quốc?

Văn Dân 05/06/2020 15:02

Ai đó đã ví von, mối quan hệ Việt – Mỹ giống như dòng đời phát triển của Cây tre. Khi bắt đầu, Tre phải mất 4 năm để tăng trưởng được khoảng 3cm, nhưng từ năm thứ 5 trở đi, Tre sẽ phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30cm mỗi ngày, và chỉ mất trong vòng 6 tuần để Tre có thể phát triển chiều cao là 15 mét.

Tổng thống Trump vẫy cờ Việt Nam khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều

Đã qua rồi cái thời vừa đi vừa dò khi lòng tin chiến lược đã được kiến tạo, ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) hôm 2/6 vừa qua chính thức phát đi thông báo, Chính phủ Mỹ xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án tại khu vực sắp tới, gồm sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ trước bối cảnh Washington đang chuyển dịch các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Dưới góc nhìn nhà nghề, giới chuyên gia kinh tế đánh giá: “Đây là cơ hội trăm năm có một để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ. Nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ, đồng thời xây dựng nền kinh tế tự chủ“.

Từ đây nền kinh tế Việt Nam sẽ có vị trí mới trên thế giới. Các sản phẩm công nghệ, chất lượng cao sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Đây thật sự đúng là một tin tốt lành. Không chỉ tạo thêm nhiều công ăn việc làm tốt cho người dân, quan trọng hơn chúng ta đa dạng hóa được nguồn cung ứng đầu vào, đa dạng hóa đối tác, và sản phẩm đạt chuẩn mực quốc tế, mở ra nhiều triển vọng, kinh tế phát triển năng động hơn. Để Việt Nam là đối tác số 1 mà Mỹ chọn mặt gửi vàng khi “tháo chạy” khỏi Trung Quốc, đó quả thực là một chặng đường kiến tạo bền bỉ và đầy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Đặt trong bối cảnh tình hình thế giới chung chẳng mấy dễ dàng của năm 2020. Khi những vòng xoáy mới về đại dịch, tình hình xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ; xung đột sắc tộc, tôn giáo; can thiệp lật đổ; khủng bố; chiến tranh mạng; chiến tranh thương mại và lo ngại khủng hoảng phủ bóng lên nền kinh tế thế giới… liên tục xuất hiện, tràn qua. Là nền kinh tế có độ mở nhất nhì khu vực, lại đồng thời là đối tác thương mại lớn của cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam khó lòng tránh khỏi những “tai bay vạ gió”. Nhưng chính nhờ những chính sách đổi mới, phát triển khu vực tư nhân năng động, tích cực tham gia kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã chuyển nguy thành cơ.

“Dám làm”, Chính phủ đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, siết chặt kỷ cương kỷ luật, cắt giảm giấy phép con với quy mô lớn và sâu rộng chưa từng có. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thậm chí còn làm điều chưa từng có tiền lệ khi ký quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo giao các bộ, cơ quan, địa phương. Hàng loạt “căn bệnh” trầm kha của các Bộ, ngành được Tổ công tác chỉ rõ, kịp thời cải thiện, giảm bớt tình trạng người dân, doanh nghiệp “xếp hàng” chờ…

Thời kỳ “vàng son” của những cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân đang từng ngày bị “xóa sổ” theo sự tăng tốc của Chính phủ điện tử. Cuộc chiến với “giấy phép con”, Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, bền bỉ, toàn diện, thẳng tay cắt giảm điều kiện kinh doanh không chỉ ở tầm nghị định mà còn cả điều kiện kinh doanh trong các luật. Kết quả, năm 2019, Việt Nam trở thành quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất toàn cầu, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện. Bên cạnh đó, xác định sức mạnh chủ lực cho nền kinh tế là doanh nghiệp, trong 4 năm qua, Người đứng đầu Chính phủ ra sức tổng động viên toàn dân khởi nghiệp; đồng hành, cắt giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và nỗ lực đưa “đàn sếu” lớn là những tập đoàn kinh tế lớn mạnh cùng bắt tay nhau phát triển đất nước.

Đi cùng với đó là một yếu tố nền tảng đã hình thành giá trị của Việt Nam đó là SỰ ỔN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ, MÔI TRƯỜNG SỐNG AN TOÀN, AN NINH. Đã khiến hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài chọn thu hồi vốn của họ từ Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hồng Kông… để đổ vào Việt Nam mà không phải các quốc gia khác trong khu vực. Chính nền tảng an ninh chính trị ổn định cùng với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về thương mại và đầu tư cởi mở hơn đã giúp kinh tế Việt Nam vững chãi hơn. Và hiện tại, hàng loạt gã khổng lồ đang rục rịch ‘cắm dùi’ ở Việt Nam.

Dòng chữ “Lắp ráp ở Việt Nam” (Assembled In Vietnam) xuất hiện trên hộp tai nghe AirPods Pro trong bức ảnh của The Verge đăng ngày 21-5 – Ảnh: The Verge

Tạp chí công nghệ The Verge (trang tin công nghệ của Mỹ) mới đây đăng một bức ảnh chụp hộp đựng tai nghe AirPods Pro với dòng chữ “Assembled in Vietnam” (lắp ráp ở Việt Nam) phía sau lưng. Điều này cho thấy Apple có thể đã chuyển sản xuất một phần sản phẩm này từ Trung Quốc sang Việt Nam. Càng có cơ sở hơn khi trước đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng đưa tin việc Apple sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam: “Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu vào đầu tháng 3/2020. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã tạo thuận lợi cho nhà lắp ráp nhằm bảo đảm quá trình sản xuất diễn ra suôn sẻ trong thời gian cách ly xã hội”. Ngoài ra, từ cuối năm ngoái, Microsoft, Google, Amazon,… đều đã rục rịch chuyển một phần công suất sang Việt Nam.

Nhận định về lý do của sự chuyển dịch này, tờ Sputnik dẫn báo cáo mới của Công ty Chứng khoán SSI (ngày 22/5) cho biết: “Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI. Những lợi thế ưu việt của Việt Nam chính là chi phí, tỷ giá và thể chế ổn định”. So sánh tương quan lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam với một số quốc gia khác trong cuộc đua thu hút vốn FDI, SSI đánh giá: “Điển hình như với Indonesia, Việt Nam ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Chính phủ Việt Nam quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn. Đồng thời Việt Nam cũng tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP mà Indonesia không tham gia. Về vĩ mô, gần đây đồng tiền Việt Nam rất ổn định so với biến động của đồng Rupiah của Indonesia. Do vậy, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong cuộc đua thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho hay, Chính phủ Mỹ đang hợp tác với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu đi lên”. Vào cuối tháng 3, “Bộ tứ kim cương” gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã chính thức mời thêm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại. Điều đó cho thấy Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng trong quá trình xây dựng mạng lưới đối tác mới của Mỹ hậu COVID-19. Và Việt Nam như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hơn một lần khẳng định, đã lót ổ để đón đại bàng…

Văn Dân

Đọc nhiều