10
topics
557069

Lý do đằng sau quyết định khiến Việt Nam trở thành “chủ nợ” lớn thứ 32 của Mỹ

La Hoàng 10/10/2021 15:44

Theo thống kê của Bộ Tài Chính Mỹ được báo Statista đưa tin, Việt Nam hiện đang là “chủ nợ” lớn thứ 32 của Mỹ, với khoản vay lên đến 39 tỷ USD. Thông tin này đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người quan tâm sâu sắc đến nền kinh tế nước nhà. Một số người cho rằng, Việt Nam đang có bước đi mạo hiểm khi cho Mỹ vay một khoản nợ tương đối lớn so với ngân sách quốc gia và việc thu hồi khoản vay này là điều không dễ dàng…

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam của bà Harris. TT Phạm Minh Chính nêu rõ hợp tác kinh tế – thương mại là trụ cột và động lực của quan hệ Việt – Mỹ.

Thực tế, phản ứng trước thông tin như vậy là điều dễ hiểu đối với một quốc gia non trẻ đang trên đà phát triển như Việt Nam. Điều này xuất phát từ bản chất thực sự của trái phiếu. Trên thực tế, việc “trở thành chủ nợ lớn thứ 32” là do Việt Nam vừa qua đã thu mua trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành. Bên cạnh đó, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ với quy mô thị trường khổng lồ gây ra tâm lí sợ bị điều khiển và thao túng đối với nền kinh tế của các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Nếu chỉ nhìn nhận bề nổi của vấn đề này, hành động nắm giữ trái phiếu Hoa Kỳ của nước ta là một quyết định mạo hiểm.

Việt Nam trở thành “chủ nợ” thứ 32 thông qua việc thu mua Trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, với cái nhìn khách quan, việc nắm giữ trái phiếu do Mỹ phát hành mang lại một số lợi ích đáng kể cho Việt Nam trên phương diện kinh tế.

Vì sao các quốc gia muốn nắm giữ Trái phiếu Chính phủ Mỹ?

Hiện nay, Trái phiếu Chính phủ (TPCP) của Mỹ được xem là loại trái phiếu có mức độ an toàn cao nhất thế giới. Cụ thể, Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh và hệ thống luật pháp, chính trị ổn định. Cũng có thể nói, mỗi một động thái của đồng USD đều ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia còn lại. Dựa trên nguyên tắc của mối quan hệ giữa tính an toàn và sự phát triển của một quốc gia, mặc dù TPCP Mỹ có lãi suất rất thấp, nhưng bù lại mức độ rủi ro của nó gần như bằng 0. Đó là lí do đảm bảo cho tính hấp dẫn của TPCP Mỹ, đặc biệt đối với những nền văn hóa né tránh rủi ro cao, trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành luôn là sự lựa chọn ưu tiên.

Việt Nam hoàn toàn hưởng lợi từ việc mua TPCP Mỹ

Trước tiên, chúng ta cần giải thích cho việc tại sao khi đề cập tới khoản tiền mà Việt Nam cho Mỹ vay, nhiều người tỏ ra hoài nghi. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ gặp những bất lợi khi số trái phiếu đến kỳ đáo hạn, làm giảm đi tính thanh khoản và giá trị trái phiếu được ghi nhận lúc ban đầu. Tuy nhiên, đây chỉ là một thiên kiến dựa trên địa vị quốc gia, nó không thể hiện toàn diện những tiềm năng của việc mua trái phiếu do chính phủ Mỹ phát hành.

Việt Nam nắm giữ TPCP Mỹ là việc hoàn toàn được khuyến khích. Cụ thể, đây được xem như là một chiến lược khôn ngoan thông qua việc đa dạng hóa tài sản, phân bổ rủi ro và tận dụng lãi suất sinh lời cho nguồn ngân sách của Nhà nước. Mua TPCP Mỹ là một hình thức khác của việc gia tăng dự trữ ngoại hối. Có thể được hiểu rằng, thay vì dự trữ đồng USD hoặc ngoại tệ khác cũng như kim loại có giá trị tương đương theo thông thường, Việt Nam có thể đa dạng hóa kho ngoại hối của mình bằng cách chuyển đổi ngoại tệ thành trái phiếu. Đây là một nghiệp vụ hoàn toàn bình thường và diễn ra rất phổ biến, không chỉ riêng Việt Nam mà còn có ở mọi quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, chiến lược này còn giúp đảm bảo cho tính thanh khoản của đồng tiền ngoại hối ra vào giữa các quốc gia. Nếu xảy ra những sự kiện kinh tế phát sinh trong thời gian nắm giữ, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển đổi trái phiếu thành đồng tiền thanh toán một cách nhanh chóng để phục vụ cho việc trao đổi thương mại mà không hề gặp phải bất cứ khó khăn nào. Không chỉ vậy, việc nắm giữ TPCP Mỹ còn mang lại những khoản lợi từ trái tức thông qua các hình thức khác nhau theo các mốc thời gian trả lãi định kỳ.

Đặc biệt, trong những tình huống thị trường thế giới có những biến động ngoài dự đoán, việc nắm giữ trái phiếu là một phương thức an toàn đối với công tác dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Chẳng hạn, dịch bệnh COVID-19 là một biến số khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng đây cũng là minh chứng rõ rệt cho việc mua TPCP Mỹ là quyết định đúng đắn. Giữa thời gian diễn ra dịch bệnh, thay vì đặc tính không thể sinh lời khi dự trữ ngoại hối dưới hình thức tiền mặt, việc nắm giữ TPCP Mỹ vừa mang lại tiện ích thanh toán, vừa đáp ứng những vấn đề mua bán phát sinh bắt buộc những mặt hàng nước ngoài thông qua các khoản lợi tức từ trái phiếu.

Xét về mối quan hệ kinh tế đa phương, việc mua trái phiếu của một quốc gia là động thái phổ biến diễn ra trên thị trường quốc tế. Điều này được thể hiện ở chỗ đã có rất nhiều quốc gia nhận ra tiềm năng mạnh mẽ của TPCP Mỹ và ưu tiên lựa chọn nó như một phương thức tăng cường cũng như đa dạng hóa hoạt động dự trữ ngoại hối của mình. Không chỉ riêng tại Đông Nam Á, các quốc gia được xem là đối thủ xứng tầm của Mỹ như Trung Quốc hay cường quốc công nghệ Nhật Bản cũng nắm giữ lượng lớn “khoản vay nợ” do Chính phủ Mỹ phát hành. Vì vậy, có thể chứng minh được, sự kiện Việt Nam “mua nợ” của Mỹ là hoàn toàn nằm trong quy luật của thị trường, nhằm đảm bảo cho sự cân bằng mức hối đoái giữa các quốc gia, chứ không hề được xem là một “món nợ xấu” như nhận định ban đầu. Hơn nữa, việc lựa chọn mua sắm trái phiếu do Chính Phủ Mỹ phát hành là lựa chọn khôn ngoan và an toàn đối với nền kinh tế non trẻ như Việt Nam. Sức mua TPCP Mỹ gia tăng cũng đồng thời thể hiện tốc độ phát triển kinh tế tích cực của nước ta trong dài hạn.

Có thể kết luận rằng, việc Việt Nam mua TPCP Mỹ là một cách thức an toàn và nên được khuyến khích trong công tác gia tăng dự trữ ngoại hối. Điều này là hoàn toàn đúng đắn khi nước ta muốn đảm bảo tính rủi ro tiền tệ ở mức thấp nhất, và đa dạng hóa dòng tài sản ra vào quốc gia nhằm phục vụ cho việc trao đổi thương mại được diễn ra hiệu quả hơn.

La Hoàng

Đọc nhiều