Lý do chọn nhà thầu Quân đội làm cao tốc Bắc – Nam
Tổng công ty Trường Sơn và Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) là 2 cái tên góp mặt ở Dự án Cam Lộ – La Sơn – dự án đầu tiên thuộc công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, vừa được khởi công xây dựng sáng nay – 16/9 tại tỉnh Quảng Trị.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Công trình này sẽ góp phần quan trọng trong kết nối các tỉnh, thành phố, qua đó góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo Thủ tướng, riêng dự án đoạn Cam Lộ – La Sơn sẽ là cú hích quan trọng đối với các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, là điều kiện quan trọng để kết nối với Sân bay Phú Bài, rút ngắn thời gian đi lại từ Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế.
Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị, đoạn tuyến đầu tiên của cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải được xây dựng để trở thành hình mẫu về chất lượng, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thi công. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu cần nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm đối với dự án này để làm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình khi đưa vào khai thác.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các bộ phận liên quan không để xảy ra tình trạng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát buông lỏng quản lý, tiêu cực của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện ra các quy trình, việc làm sai, dẫn tới công trình bị “rút ruột”, gây hư hỏng, xuống cấp nhanh sau khi thi công. Tất cả các biểu hiện nói trên nếu không được ngăn chặn sẽ khiến công trình sử dụng sau ít năm sẽ xuống cấp hoặc nứt nẻ…
Tại lễ khởi công, các nhà thầu xây lắp đã được công bố chính thức. Theo đó, góp mặt tại dự án này ngoài các nhà thầu dân sự, phải kể đến những “tên tuổi” lớn trên thị trường xây lắp, đó là hai nhà thầu quân đội – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) và Tổng công ty Thành An. Sự xuất hiện của các “Tổng” Quân đội tại công trình trọng điểm quốc gia này rõ ràng cũng tạo được sự tin cậy nhất định đối với chủ đầu tư và các địa phương nơi dự án đi qua.
“Thi công cao tốc đoạn Cam Lộ – La Sơn là các đơn vị đã từng có kinh nghiệm khi thi công Dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan trước đây như Công ty 185, Công ty 384, Chi nhánh Miền Trung của Tổng công ty”, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết.
Có thể nói, ngoài các điều kiện phải đảm bảo về mặt tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật, các doanh nghiệp này có một lợi thế đó là tính kỷ luật của doanh nghiệp quân đội – yếu tố quan trọng đảm bảo vấn đề chất lượng và tiến độ của các công trình trong quá trình thi công.
Được biết, cả 2 doanh nghiệp Quân đội nói trên đều là những nhà thầu từng thi công xây lắp ở nhiều công trình dự án lớn như cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, QL18, QL1, QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đường vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện dài nhất Đông Nam Á…
Trao đổi với PLVN, ông Lâm Văn Hoàng – Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẳng định, việc thi công xây lắp sẽ được đại diện chủ đầu tư giám sát chặt chẽ về mặt tiến độ, chất lượng để đảm bảo thời hạn triển khai theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT. Dự án Cam Lộ – La Sơn sau khi hoàn hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn – Túy Loan và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tạo thành trục cao tốc xuyên miền Trung.
Đoạn Cam Lộ – La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần của Cao tốc Bắc – Nam phía Đông, được đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư 7.699 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 434 tỷ đồng.
Dự án thành phần này đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với tổng chiều dài khoảng 98km, được đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, riêng các đoạn vượt có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m; vận tốc thiết kế 80 – 100 km/h.
Minh Hữu/ PLVN