Lý do cần có những điều “hết sức đặc biệt”
Càng gần đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thông tin xấu độc ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội. Thế lực thù địch liên tục tung tin thất thiệt hòng chia rẽ lòng tin, bôi nhọ uy tín và xuyên tạc tình hình Việt Nam. Mới đây nhất, Hội nghị Trung ương 15, khóa XII đã thông qua danh sách đề cử “trường hợp đặc biệt” và chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn 1,5 ngày so với dự kiến. Ngay lập tức, trên trang cá nhân của những nhà “dân chủ” bàn tán xôn xao về “trường hợp đặc biệt”, chúng cho rằng bộ chính trị phá vỡ nhiều chuẩn tắc trong sắp xếp lãnh đạo đại hội XIII.
Cụ thể, Việt Tân đã đăng tải nhiều bài viết của một số đối tượng như Lê Hồng Hiệp, Phạm Quý Thọ… về kết quả của Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12. Chúng cho rằng bộ chính trị phá vỡ nhiều chuẩn tắc trong sắp xếp lãnh đạo đại hội 13. Thậm chí chúng còn mượn cớ này để rêu rao không ít thông tin bịa đặt về công tác nhân sự Ðại hội nhằm công kích, chia rẽ vùng miền với luận điệu rằng “Hội nghị Trung ương 15 nhóm họp từ 16 đến 18 tháng 1, bỏ phiếu chuẩn thuận đề cử cho ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc chức chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính chức thủ tướng và ông Vương Đình Huệ chức chủ tịch Quốc hội. Nếu chính thức được xác nhận, điều này có nghĩa ông Trần Quốc Vượng, Trương Hòa Bình và Phạm Bình Minh không còn trong cuộc tranh một chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nữa. Và phe cánh Miền Nam không còn có “đại diện” trong tứ trụ”.
Kỳ thực, việc “tự sắp xếp nhân sự” của các nhà “dân chủ” trên mạng xã hội, của những nhóm người thường xuyên “đâm bị thóc, chọc bị gạo” với công việc của Đảng, của nước, của dân phi lý đến mức, ngay cả những người có chức trách, nhiệm vụ tham mưu về công tác nhân sự để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương quyết định cũng chưa hề biết đến bảng danh sách nhân sự đó.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số người lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bổ sung một số ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và một số người lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức. Thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp đặc biệt” tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao.
Thực tế, hiện nay nhiều người đang bàn rất nhiều về “trường hợp đặc biệt” trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Phải nói rõ rằng, quy trình để lọc ra được những trường hợp này rất kỹ lưỡng và chặt chẽ.
Thiết nghĩ, chuyện lựa chọn nhân sự cho vị trí đứng đầu Đảng và Nhà nước là vấn đề đặc biệt hệ trọng, nhiều tình huống đặt ra mà người không ở trong Trung ương và trong Bộ Chính trị thì không thể biết hết được nên chúng ta hãy tin tưởng vào quyết định của người đứng đầu Đảng và nhà nước. Đã là đặc biệt thì phải hết sức đặc biệt, phải là những người ưu tú, bản lĩnh, vì nước vì dân, chịu trách nhiệm trước dân thì mới đưa đất nước phát triển được trong thời gian tới.
Tuổi tác, quy định là cần thiết nhưng có những tình huống đặc biệt cần những con người đặc biệt mà chưa thể thay thế. Nhìn lại Đại hội XII, đến bây giờ có thể thấy, những trường hợp đặc biệt được lựa chọn rất đúng đắn, sáng suốt. Một ví dụ điển hình nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, chúng ta thấy, nhân sự thuộc “trường hợp đặc biệt” là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự tín nhiệm cao trong Đảng và trong nhân dân. Những điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm được đã chứng minh tuổi tác không phải là một vấn đề, ngược lại, đó là một lò đốt không khoan nhượng trước tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng.
Thiết nghĩ, trường hợp đặc biệt là yêu cầu từ thực tiễn tình hinh đât nước. Bởi với người dân Việt Nam lúc này, có lẽ điều kỳ vọng không phải là “ai ở, ai đi” vì lý do tuổi tác mà điều họ cần những cán bộ lãnh đạo hiểu ý dân và làm hợp lòng dân. Trên thực tế, công tác nhân sự, cán bộ của Đảng đã và đang được thực hiện trên một quy trình chặt chẽ, chuẩn bị công phu, cách làm cẩn trọng, dựa trên nguyên tắc xây dựng Đảng vốn là sức mạnh, tiến bộ, phát huy được nguyện vọng, ý chí tập thể là nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số.
Rõ ràng, những ý kiến sắp đặt cán bộ, những danh sách nhân sự mà các đối tượng đưa ra là những chiêu trò xuyên tạc, “diễn biến hoà bình” công tác cán bộ của Đảng, đánh vào tâm lý tò mò của nhiều người, gây nhiễu loạn thông tin, dao động về tư tưởng chính trị. Mục đích của các đối tượng này là tạo ra sự mất đoàn kết nội bộ, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo cấp cao, gây nhiễu loạn, bất ổn xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Ðảng, nhất là trong thời điểm Ðại hội XIII sắp diễn ra. Chính vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo chắt lọc thông tin, không bị cuốn vào những chiêu trò do các đối tượng xấu tung ra.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.