127982
category
526591

Lưu ý trước và sau tiêm vắc xin Covid-19

22/06/2021 08:00

Bộ Y tế ngày 19.6 đã tổ chức tập huấn trực tuyến về bảo đảm an toàn tiêm vắc xin Covid-19.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Phản ứng sau tiêm

Tại buổi tập huấn, chuyên gia của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, các phản ứng rất phổ biến sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca (chiếm tỷ lệ từ 10% các trường hợp được tiêm) là: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C). Các phản ứng phổ biến (chiếm từ 1% đến dưới 10%) là: sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

Cũng như các vắc xin khác, vắc xin Covid-19 có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu được ghi nhận. Thực tế tại VN ghi nhận, phản ứng sau tiêm hầu hết là phản ứng thông thường như khuyến cáo của nhà sản xuất. Các trường hợp nhập viện theo dõi, điều trị gồm sốt cao, nhịp nhanh, kẹt huyết áp, phản ứng phản vệ (tức ngực, khó thở…). Thời gian xuất hiện sớm trong vòng 1 giờ đầu sau tiêm, hầu hết trong ngày đầu.

Cần theo dõi ít nhất 7 ngày

Theo khuyến cáo của chuyên gia Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, để đảm bảo an toàn trong và sau tiêm vắc xin Covid-19, nhân viên tiêm chủng khám sàng lọc kỹ và sẵn sàng thuốc chống sốc ngay tại bàn tiêm, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, cần hướng dẫn người nhà hoặc đối tượng tiêm chủng theo dõi chặt chẽ sau tiêm chủng tại nhà, nơi làm việc trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng.

Cần thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Trong đó: Các dấu hiệu xuất hiện trong vòng 1 – 2 ngày đầu sau tiêm thường gặp: choáng, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn; run tay chân, vã mồ hôi, da tái, ớn lạnh; miệng ngứa, sưng môi/lưỡi; tê mặt, tê bì tay chân, co quắp tay chân; da ngứa, phát ban, mẩn đỏ toàn thân, phù mặt; buồn nôn, nôn, nôn khan, đau bụng, tiêu chảy; tức ngực, khó thở, khò khè, cảm giác nghẹt thở; huyết áp tăng hoặc tụt, mạch nhanh, nổi hạch.

Các dấu hiệu xuất hiện từ 4 – 28 ngày sau tiêm vắc xin: đau đầu dai dẳng, dữ dội; các triệu chứng thần kinh khu trú: yếu, liệt tay chân; co giật, nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực; đau bụng dai dẳng; đau, phù chi dưới; chảy máu, xuất huyết da, đi ngoài phân đen…

Ai cần trì hoãn tiêm chủng ?

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 áp dụng cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng của nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Theo hướng dẫn (do Bộ Y tế ban hành ngày 18.6), các đối tượng cần thận trọng, phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu, gồm: người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch: dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút kèm theo huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg, nhịp thở trên 25 lần/phút).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế khuyến cáo các đối tượng trì hoãn tiêm chủng là người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được. Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù…

10 điều cần nhớ để bảo đảm an toàn tiêm chủng

1. Ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm chủng.

2. Khi đi, mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm vắc xin khác… trong thời gian gần đây nếu có.

3. Chủ động thông báo cho y bác sĩ tại buổi tiêm chủng về tình trạng sức khỏe cá nhân, bao gồm: tình trạng hiện tại, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, các thuốc đang và đã sử dụng gần đây, có tiêm vắc xin nào gần đây, có đang mang thai và cho con bú… Nếu tiêm lần 2, cần nói rõ các phản ứng sau tiêm đã gặp ở lần trước.

4. Trong buổi tiêm, cần tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí nhiều người tiếp xúc, kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu… Khi ngồi, cần quay mặt về hướng khác với hướng có cán bộ y tế.

5. Sau khi tiêm xong, ở lại điểm tiêm chủng để được tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay nếu thấy có bất thường xảy ra.

6. Chủ động hỏi cán bộ y tế lịch tiêm mũi tiếp theo, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

7. Tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

8. Không tự điều khiển phương tiện giao thông nếu cảm thấy không khỏe sau khi tiêm.

9. Lưu giữ phiếu xác nhận tiêm chủng.

10. Vẫn thực hiện thông điệp 5K sau tiêm.

(Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC)

Liên Châu

Đọc nhiều