Luật và tầm nhìn

Phạm Khoa 18/03/2023 23:03

“…Chưa từng thấy chuyện mua sắm công nào kỳ quái như thế” là câu nói gây chú ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ suốt mấy ngày qua. Câu chuyện đằng sau câu nói đó đang nhắc nhở những người làm luật cần có tầm nhìn bao quát hơn đối với các biến động khách quan của tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam, và thế giới.

Chủ tịch Quốc Hội chủ trì phiên họp

Trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/03, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật trường hợp đặc biệt của đặc biệt. Chủ tịch cho rằng cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết.

Đề nghị này tuy khá táo bạo nhưng không phải không khả thi. Dù không thể lường được các biến cố khách quan, nhưng trên quan điểm chỉ cần nắm quy luật và bản chất của sự việc, hoàn toàn có thể đưa ra khung hành động, với các ưu tiên, và giới hạn cụ thể, để những người có trách nhiệm làm căn cứ ra quyết định trong hoàn cảnh kinh tế – xã hội có biến động hay ở vào tình huống đặc biệt.

Điều đó cũng có nghĩa là tính minh bạch của các quy định trong các bộ luật nói chung, và Luật Đấu thầu (sửa đổi) nói riêng cần được xác định ở mức độ cao.

Khi tính minh bạch được nâng cao, sẽ tránh được tình trạng mơ hồ, sợ trách nhiệm, biết cần làm nhưng không dám làm của cán bộ lãnh đạo. Đây là những gì đã xảy ra với ngành y tế thời gian qua, khi tình trạng thiếu trầm trọng thuốc men, vật tư, và trang thiết y tế đẩy người dân vào những hoang mang, lo lắng chưa từng có trước đây.

Thật ra, luôn có cơ chế tự sửa lỗi trong việc điều hành của Chính phủ, cũng như của các bộ ngành chuyên môn; luật bất cập hay chưa bám sát thực tiễn luôn được bổ sung để hoàn thiện theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy vậy, có một số điều luật tồn tại đã lâu, không mâu thuẫn với thực tiễn, nhưng dần trở nên chung chung, thiếu chi tiết, tạo kẽ hở cho thất thoát, lãng phí, tham ô, tham nhũng có đất hoành hành.

Một ví dụ điển hình là trước đây các cơ sở khám chữa bệnh mua sắm hóa chất, sinh phẩm, nhưng không được lưu ý là kèm theo nhà thầu phải cung cấp máy móc xét nghiệm để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó. Kết quả là xảy ra sự thiếu tương thích giữa thiết bị và hóa chất, sinh phẩm đã mua. Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và một số bộ luật khác, như Luật Giá, Luật Nhà ở (sửa đổi)… lần này, những quy định thiếu chi tiết, phát sinh bất cập tương tự đã được cân chỉnh, bổ sung cho đúng với tình hình thực tế.

Dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau với nhiều nội dung sửa đổi của các bộ luật, đặc biệt là Luật Đấu thầu trong phiên họp lần thứ 21 này, nhưng qua đó, người dân thấy được tầm nhìn của cơ quan làm luật đã được nâng lên rất nhiều, một số điều luật đã bắt đầu tiệm cận được với các điều ước quốc tế, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch.

Hy vọng những ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này sẽ được các cơ quan chuyên trách soạn thảo luật ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Phạm Khoa

Đọc nhiều