Lũ dữ miền Trung: Tang thương 6 người cùng cháu bé chưa ra đời bị đất đá vùi lấp
Thôn Tà Rùng (xã Húc, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đang có những giây phút tang thương nhất khi một gia đình 6 người đã bị vùi trong đất đá. Lũ dữ miền Trung và sạt lở đất đã gây nên tiếng khóc đau đớn của người thân và dân bản vang tới tận núi cao…
Như đã thông tin, đến trưa 18.10, sau nhiều nỗ lực, lực lượng chức năng và dân bản đã đào được 6 thi thể trong ngôi nhà bị sạt lở vùi lấp ở thôn Tà Rùng (xã Húc).
Trước đó, vào lúc 17 giờ ngày 17.10, căn nhà của ông Hồ Văn Phơi (35 tuổi, trú tại thôn Tà Rùng, xã Húc) bị đất đá sạt, lở vùi lấp. Lúc này trong nhà có vợ chồng ông Phơi cùng 4 người con. Đến khoảng 17 giờ 30, người dân đã đưa được vợ anh Phơi cùng người con ra ngoài, nhưng không qua khỏi.
Trong đêm, mưa vẫn không ngớt, nhưng chính quyền thôn, dân bản vẫn dùng cuốc xẻng và tay để đào bới, tìm kiếm thi thể người, trong tiếng khóc xé lòng của người nhà anh Phơi. Những mãi đến trưa cùng ngày, các thi thể còn lại mới được tìm thấy trong bùn đất.
Ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, người dẫn đầu đoàn công tác của huyện Hướng Hóa vào được Tà Rùng vào trưa 18.10 cho biết đường vào hết sức gian nan, sạt lở nhiều nơi, để vào được phải đi bộ nhiều km. “Thực sự tang thương. Một mái nhà chừng ấy con người mà bì vùi chỉ trong tích tắc. Chứng kiến hiện trường đau đớn đó, chúng tôi vừa rùng mình vừa đau đớn”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, lãnh đạo Huyện ủy và UBND H.Hướng Hóa mang theo 30 triệu đồng để hỗ trợ cho gia đình bị nạn này nhưng rõ ràng tiền bạc không thể bù đắp nổi mất mát đau đớn mà họ phải gánh chịu.
Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc cho biết, số người chết sẽ thêm 1 người nếu như tính thêm cái thai trong bụng của vợ anh Phơi: “Dân bản kể lại với tôi rằng, mọi thứ diễn ra quá nhanh, người ta chị nghe tiếng gãy rắc tắc rồi đất đá đổ ầm xuống. Không ai trở tay kịp”.
Theo vị Bí thư Huyện ủy này, ở Tà Rùng bây giờ, nhìn đâu cũng thấy những ánh mắt thất thần khiếp đảm của bà con. Lâu lắm rồi, người dân ở bản làng bình yên này mới chứng kiến một câu chuyện, một cái “chết chùm” khủng khiếp đến vậy.
“Chúng tôi trở ra, vẫn phải đi bộ tăng bo và cuốc bộ, nhưng bước chân như nặng trĩu hơn nhiều lần khi vẳng bên tai vẫn là tiếng khóc của người thân anh Phơi. Cùng với sự cố ở Sư đoàn 337, sự cố làm công an viên ở xã Hướng Việt hy sinh… ngày 17 sáng ngày 18.10 là khoảng thời gian mất mát rất lớn của người dân Hướng Hóa”, ông Tuấn run run nói.