Lọt tội trong một số vụ xâm hại trẻ em

16/01/2020 07:20

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu được phát hiện từ nguồn tố giác của người dân, rất ít được phát hiện qua công tác nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

Chiều 15-1, đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan liên quan về việc thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thay mặt tổ giúp việc, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Hơn 21% đối tượng là người thân

Theo bà Thủy, môi trường gia đình vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Vì theo báo cáo của Chính phủ, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm gần 66%. Trong khi môi trường nhà trường vẫn xảy ra một số vụ bạo lực học đường, thậm chí có vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người…

Ngoài ra là tình trạng thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí cả học sinh nam. Bà Thủy dẫn chứng vụ việc Trường Tiểu học – THCS Tam Lập, Bình Dương 13 trẻ bị xâm hại; vụ việc ở trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội chín trẻ bị xâm hại…

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng bộ này đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 80 về việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. “Giải pháp bộ đã ban hành thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm cao trong việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em” – ông Độ nói.

Các giải pháp trực tiếp theo ông Độ là việc ban hành các văn bản về việc lồng ghép dạy giáo dục môi trường an toàn, thân thiện vào trường học, đặc biệt là tăng cường giáo dục đạo đức được quan tâm.

Lọt tội trong một số vụ xâm hại trẻ em - ảnh 1
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy tại buổi giám sát. Ảnh: Đ.MINH

Về nguyên nhân sâu xa, theo ông Độ, công tác giáo dục đạo đức trong trường học đã được quan tâm nhưng do ảnh hưởng tác động xã hội nên có những khó khăn. Về những vụ việc liên quan đến phẩm chất đạo đức nhà giáo, ông Độ cho biết bộ đã tăng cường nhiều cuộc vận động, giáo dục cho đội ngũ giáo viên để đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí, giữ được phẩm chất đạo đức nhà giáo.

“Sau khi có những việc xảy ra như vậy, bộ đã có biện pháp xử lý cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm phẩm chất đạo đức nhà giáo” – ông Độ nói.

7.800 là số vụ xâm hại trẻ em phát hiện trên cả nước tính từ 1-1-2015 đến 30-6-2019 với gần 8.600 đối tượng xâm hại và gần 8.100 em bị xâm hại. Đáng chú ý, các vụ việc xảy ra chủ yếu là xâm hại tình dục, gồm hơn 6.300 vụ với hơn 6.400 trẻ em bị xâm hại.

“Nhiều tỉnh, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí gần như 100%” – bà Thủy nói và dẫn chứng tỉ lệ này ở Cần Thơ là 98,8%, Hậu Giang 95,8%, Kiên Giang 95,5%, Bến Tre 94,6%, Đồng Nai 94,2%…

Hành chính hóa một số vụ xâm hại

Bà Thủy thông tin các cơ quan đã phát hiện, xử lý gần 1.200 vụ vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em, trung bình mỗi năm 261 vụ, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Các hành vi xâm hại trẻ em bị xử lý hành chính chủ yếu là bạo lực, cố ý gây thương tích và một số hành vi xâm hại khác.

Bà Thủy nói: “Một số vụ việc có dấu hiệu hành chính hóa quan hệ hình sự”. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ có 1.158 trường hợp xử lý hành chính không có căn cứ, sau đó bị hủy để xử lý hình sự. Cơ bản khi có vụ việc xảy ra, công tác xử lý của cơ quan điều tra (CQĐT), VKS và tòa án là khẩn trương, nghiêm và đảm bảo thời hạn. Vì thế trong kỳ báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Tuy nhiên, một số cán bộ điều tra còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng làm việc với trẻ em. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu được phát hiện từ nguồn tố giác, tin báo của người dân, rất ít trường hợp được phát hiện qua công tác nghiệp vụ của CQĐT.

Đáng chú ý, còn một số trường hợp bỏ lọt tội phạm dẫn đến VKS phải hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án. Có trường hợp khởi tố bị can sai tội danh nhưng vẫn được VKS phê chuẩn khiến dư luận bức xúc, như vụ việc ở Chương Mỹ (Hà Nội), bị can có hành vi hiếp dâm nhưng lại khởi tố và được VKS phê chuẩn tội dâm ô.

Cũng theo bà Thủy, công tác theo dõi, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến số liệu thống kê giữa CQĐT và VKS chênh lệch lớn. Một số trường hợp xử lý có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng VKS chưa kịp thời yêu cầu khắc phục.

Ngoài ra, theo kết quả giám sát còn những trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần. Điều này cho thấy việc thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn điều tra đối với một số vụ án chưa chặt. Chẳng hạn, TP.HCM có vụ án phải trả hồ sơ sáu lần. Cạnh đó, vẫn còn những trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì lý do giai đoạn điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Về công tác xét xử, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do lỗi chủ quan của thẩm phán. Vài vụ án áp dụng hình phạt có dấu hiệu còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.

Tiêm thuốc để triệt tiêu ý nghĩ xâm hại trẻ em?

Tại cuộc họp, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội Hà Nội) kiến nghị giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Khánh đề nghị cần tăng chế tài một cách quyết liệt và cần ứng dụng khoa học công nghệ. Theo đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em. Lý do cần có dữ liệu này là để ai cũng biết, kể cả những kẻ xâm hại trẻ em được nêu tên ở đó, nếu trích xuất ra trong nước, quốc tế đều biết…

“Ở các nước, người ta phát triển những thuốc, khi tiêm thuốc này cho những kẻ bệnh hoạn họ sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao Bộ Y tế và Viện KH&CN Việt Nam. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba ông là xã hội trật tự ngay, không có chuyện nhìn ngó đến phụ nữ, trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội” – bà Khánh nói.

ĐỨC MINH/PL

Đọc nhiều