Lòng yêu nước gắn sâu vào chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Đinh Lực 22/10/2019 17:54

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá” – Đã từ bao đời nay biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Mỗi người thể hiện tình yêu nước, yêu biển – đảo khác nhau nhưng với tất cả đều thể hiện tình cảm mãnh liệt ấy bằng nhiệt huyết của trái tim và lòng nhân ái.

Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các hải đảo và quần đảo cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Trong thời đại hòa bình hôm nay, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia ven biển có những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới, biển đảo càng có tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

q

Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt đã trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp, là giá trị tinh thần to lớn vượt qua mọi không gian và thời gian

Chính vì thế, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Biển, đảo Việt Nam luôn là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chăm lo, phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Bởi thế, lòng yêu nước, tình yêu biển đảo từ lâu đã trở thành nguồn động lực thôi thúc, quy tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm của mọi người con đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng bào xa quê hương

Đối với mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là nghĩa vụ thiêng liêng; không bảo vệ được chúng thì khỏi nói đến chuyện phát triển. Ngược lại, không nỗ lực tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất để phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia thì cũng không lấy đâu ra “thực lực” và không thể tạo dựng được “vị thế” cần thiết để bảo vệ đất nước.

Các quốc gia tuy chia sẻ một số lợi ích chung song luôn có những lợi ích riêng, nhiều khi “vênh nhau”, thậm chí trái chiều nhau, nên trong quan hệ quốc tế luôn diễn ra quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh nhưng không nhất thiết lúc nào cũng đưa tới xung đột quân sự. Quan hệ quốc tế của nước ta cũng không phải ngoại lệ. Vấn đề chỉ là xử lý thế nào cặp quan hệ đó cho có lợi nhất đối với đất nước.

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã phải trải qua biết bao thử thách, biết bao thời khắc hiểm nguy: Nào là thù trong giặc ngoài khi nước Việt Nam độc lập còn trong trứng nước, nào là mấy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm liên tiếp và kéo dài, nào là tình thế bị bao vây cô lập hơn một chục năm trời.

Do đó bất luận thế nào, về phần mình, chúng ta cần chủ động “ứng vạn biến” để bảo vệ trọn vẹn cả hai vế. Đương nhiên, làm được như vậy không dễ vì có những nhân tố không tùy thuộc vào bản thân chúng ta. Nhưng càng khó chúng ta càng cần huy động nguồn trí tuệ và sự khôn khéo vốn có của trường phái ngoại giao Việt Nam mà Bác Hồ là một biểu tượng sáng ngời.

Cách đây gần 60 năm ngày 7-5-1955, Hồ Chủ tịch chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngày 10-4-1956, nói chuyện tại hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người khẳng định: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển… Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Chung một con tim hướng về chủ quyền quốc gia trên Biển Đông

xc

Có một câu thơ trong bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Đó là những cuộc chia ly trong chiến tranh, khi người chồng lên đường ra trận, người vợ trẻ ở lại hậu phương làm việc và đợi chờ, sự chia ly ấy là lời đáp cho mệnh lệnh: “Khi Tổ quốc cần”. Biết sống xa nhau khi ấy cũng là biết hy sinh vì Tổ quốc.

Ai là người Việt Nam mà không yêu Tổ quốc mình đến quặn thắt, đến xót xa, ngay khi được ngắm nhìn những vẻ đẹp diệu kỳ của núi, của sông, của biển quê hương mình.
Xót xa vì cứ như từng tấc đất tấc biển đều thấm máu các Liệt sĩ . Là người Việt Nam, đã hy sinh vì Tổ quốc thì tất phải là Liệt sĩ. Nhưng nhiều Liệt sĩ đã ngậm cười nơi chín suối bao nhiêu năm, song vẫn chưa chính thức nhận được danh xưng “Liệt sĩ”, mà Tổ quốc tôn vinh cho những đứa con trung hiếu của mình.

Cứ quặn thắt trong lòng, vì đất nước hoà bình đã 36 năm mà sự an nguy của Tổ quốc vẫn dồn nặng trên đôi vai những người chiến sĩ, dù là người chiến sĩ Biên phòng suốt chiều dài biên giới 332 km của Cao Bằng, hay người chiến sĩ giữ đất trời biển đảo Trường Sa.

Lòng biết ơn là một phẩm chất lớn của một dân tộc, cũng là một phẩm chất lớn của mỗi con người. Mà cao cả nhất của lòng biết ơn, là biết ơn những Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Ngày hôm nay, trên từng viên gạch đều có biểu tượng khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đó là in hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi những viên gạch này được xây dựng nên những tòa nhà, những công trình thì đây là một lời khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng xác thực về chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là người Việt Nam, trong chúng ta ai cũng có trách nhiệm với Tổ quốc, với chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, chúng ta không nhân nhượng và kiên quyết giữ đến cùng những gì thuộc về “tài sản chân lý” của người Việt Nam.

Non sông Việt Nam là một dải thống nhất, vùng đất liền, vùng biển, vùng trời Việt Nam là một khối không thể tách rời. Bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một hành trình dài của cả dân tộc. Và khi những công trình được dựng lên giữa biển trời bao la, là lời khẳng định bản lĩnh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc hành trình bảo vệ chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa, phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu.

Mỗi người thể hiện tình yêu nước, yêu biển – đảo khác nhau nhưng với tất cả đều thể hiện tình cảm mãnh liệt ấy bằng nhiệt huyết của trái tim và lòng nhân ái. Hãy yêu nước bằng một trái tim nóng, cái đầu lạnh và những hành động thực tiễn góp phần bảo vệ biển đảo.
Đinh Lực

Đọc nhiều