‘Lời nhắn’ cuối cùng của chính quyền ông Trump về Trung Quốc

23/01/2021 06:40

Khung chiến lược về Ấn Độ – Thái Bình Dương được giải mật cho thấy chính sách châu Á của Mỹ xoay quanh mục tiêu ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong những ngày cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Trump hôm 5/1 bất ngờ giải mật một trong những tài liệu an ninh nhạy cảm nhất của chính phủ Mỹ có tên “Khung chiến lược cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương” .

Tài liệu trước đây được xếp vào loại “bí mật” và “không dành cho công dân nước ngoài”. Tuy nhiên, tài liệu đã chính thức được giải mật sớm hơn 30 năm so với thông thường và được công bố ngày 12/1.

Những ưu tiên của Mỹ

Khung chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là tài liệu nội bộ dài 10 trang, sản phẩm của Hội đồng An ninh quốc gia, được Tổng thống Trump phê chuẩn vào tháng 2/2018.

Với ngôn từ mạnh mẽ hiếm khi được sử dụng trong các văn bản công bố chính thức, khung chiến lược xác định những ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – gồm bảo vệ lãnh thổ và công dân, củng cố hệ thống đồng minh, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý, tài liệu này khẳng định ưu tiên duy trì sự vượt trội của Washington tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như khả năng tiếp cận về kinh tế, ngoại giao, quân sự của Mỹ đối với khu vực đông dân nhất thế giới và chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.

my giai mat chien luoc an ninh anh 1
Sự trỗi dậy của Trung Quốc được coi là thách thức an ninh chính của Mỹ. Ảnh: AFP.

Khác với các chiến lược an ninh quốc gia được công bố trước đó dưới thời Tổng thống Trump, tài liệu được giải mật hôm 5/1 không coi Nga là mối đe dọa, thay vào đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tầm nhìn mà tài liệu đưa ra gồm mục tiêu Triều Tiên không còn sở hữu vũ khí hạt nhân, Ấn Độ là nước chiếm ưu thế ở Nam Á, trong khi Mỹ phối hợp cùng các đối tác toàn cầu ngăn chặn những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.

Tài liệu cũng đánh giá Trung Quốc sẽ gia tăng những bước đi “ngày càng quyết liệt” nhằm thống nhất Đài Loan, cảnh báo sự thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo sẽ “tạo ra thách thức sâu sắc cho các xã hội tự do” của Mỹ và đồng minh.

Xoay quanh ngăn chặn Trung Quốc

Trong tổng thể 10 trang của chiến lược khung, tài liệu này dành riêng 2 trang để thảo luận về Trung Quốc. Ngoài ra, vấn đề Trung Quốc cũng nằm rải rác trong các nội dung về quan hệ với các nước khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tài liệu nêu lên 7 mục tiêu mà Mỹ hướng đến trong quan hệ với Trung Quốc, trên hàng loạt lĩnh vực từ công nghiệp, thương mại, quân sự, tình báo, cho tới cạnh tranh mô hình nhà nước.

Để đối phó với các thách thức an ninh từ Trung Quốc, chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia đặt ra các giải pháp cả về sức mạnh cứng cũng như quyền lực mềm.

Đối với sức mạnh cứng, tài liệu cho biết Washington cần đề ra một chiến lược quốc phòng nhằm ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc bên trong “chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm Đài Loan, đảo Okinawa của Nhật Bản, và Philippines.

Giải pháp để đạt được mục tiêu này là bảo vệ cư dân bên trong chuỗi đảo, trực tiếp đề cập tới Đài Loan, bằng cách củng cố năng lực phòng vệ bảo đảm hòn đảo có khả năng “tự đương đầu với Trung Quốc”.

my giai mat chien luoc an ninh anh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters.

Tài liệu mới giải mật cũng đặt mục tiêu phá vỡ chiến lược “chống tiếp cận” của Bắc Kinh. Đây là chiến lược của Trung Quốc với mục tiêu loại bỏ các lực lượng Mỹ khỏi chuỗi đảo thứ nhất tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng tìm cách ngăn chặn các lực lượng Mỹ tiếp cận “chuỗi đảo thứ hai” ở khu vực Tây Thái Bình Dương, chạy dọc từ Đông Nam Nhật Bản qua Guam cho tới Indonesia.

Trong vận dụng quyền lực mềm, tài liệu hướng đến tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các chính phủ thân thiện với Mỹ, thúc đẩy thượng tôn pháp luật và các thể chế dân sự, trong khi tiếp tục giao hảo với những nước phụ thuộc vào sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.

Washington cũng đặt mục tiêu nâng cấp năng lực ngoại giao để đối trọng với những chiến lược tuyên truyền từ phía Bắc Kinh về điều mà Trung Quốc luôn rêu rao như “sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực là không thể tránh khỏi”.

Chiến lược đồng thời kêu gọi thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ thông qua sáng kiến bộ tứ an ninh “Bộ Tứ”.

Các đối tác tại khu vực mà Mỹ ưu tiên, nhằm đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, là Nhật Bản và Ấn Độ.

Chiến lược kêu gọi Washington làm sâu sắc hơn hợp tác ba bên cùng Tokyo và Canberra, giúp biến Nhật Bản thành “một trụ cột trong kiến trúc an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, Mỹ cũng cần giúp Ấn Độ tăng cường vị thế chiến lược trong cấu trúc an ninh khu vực, xây dựng “nền tảng mạnh mẽ hơn nữa cho hợp tác quốc phòng”.

“Mỹ cần cung cấp hỗ trợ cho Ấn Độ, thông qua các kênh ngoại giao, quân sự và tình báo, giúp giải quyết các thách thức trên bộ như xung đột biên giới với Trung Quốc”, tài liệu nêu rõ.

Các chuyên gia nói gì?

Trong bối cảnh chính quyền mới của ông Joe Biden (khi đó vẫn là tổng thống đắc cử) chuẩn bị nhậm chức, việc đội ngũ của Tổng thống Trump công bố tài liệu giải mật làm dấy lên những câu hỏi về động cơ thực sự phía sau.

Mặc dù vậy, cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt ở châu Á, là một trong số ít chính sách của chính quyền Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Thời gian qua, đội ngũ của ông Biden nhiều lần cho biết sẽ đẩy mạnh thảo luận với các đồng minh và đối tác về vấn đề Trung Quốc, một trong những cấu phần then chốt của chiến lược do Hội đồng An ninh quốc gia xây dựng.

Rory Medcalf, chủ nhiệm khoa An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia, nhận định tài liệu vừa được giải mật cho thấy chính sách của Mỹ ở châu Á được thúc đẩy bởi nỗ lực “củng cố hệ thống đồng minh và ngăn chặn Trung Quốc”.

“Tài liệu giải mật có giá trị lâu dài như bước khởi đầu của một kế hoạch chi tiết hơn ở quy mô toàn chính phủ, xử lý cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”, giáo sư Medcalf đánh giá.

Trong phát biểu giải thích lý do giải mật tài liệu, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien cho biết mục tiêu của chiến lược là nhằm bảo đảm “các đồng minh và đối tác có thể duy trì và bảo vệ chủ quyền” của mình.

my giai mat chien luoc an ninh anh 3
Tiêm kích F/A-18 trên tàu sân bay USS Nimizt tại Ấn Độ dương hôm 29/12. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Khung chiến lược của Mỹ không chỉ mang dấu ấn của “Chiến lược An ninh quốc gia” Washington công bố năm 2017, người ta còn thấy bóng dáng chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở” năm 2016 của Tokyo hay các sáng kiến đối ngoại khu vực được Canberra công bố năm 2017.

Ông O’Brien nhấn mạnh có sự giao thoa ngày càng lớn trong chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, ASEAN và một số đối tác quan trọng khác.

Chiến lược vừa giải mật đã ngầm thừa nhận sự phối hợp của các đối tác là yếu tố then chốt tạo nên chính sách khu vực của Mỹ, ông Medcalf nhận định.

“Điều này có nghĩa Mỹ sẽ duy trì hỗ trợ liên tục cho các đối tác và đồng minh”, giáo sư Medcalf bình luận.

Tài liệu công bố cũng cho thấy những tuyên bố về tôn trọng luật pháp quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương ở phạm vi khu vực – như đưa các thiết chế ngoại giao của ASEAN vào trung tâm, hay đề cao bình đẳng chủ quyền các quốc gia không chỉ là những tuyên truyền sáo rỗng của Washington.

“Đó là những gì họ (Mỹ) thực sự đang thảo luận cùng nhau trong nội bộ”, giáo sư Medcalf nói.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng có khoảng cách không nhỏ giữa mục tiêu đặt ra so với thực tế cũng như khả năng hành động trong chiến lược khung của Mỹ.

Tài liệu của Mỹ xác định mục tiêu thúc đẩy vai trò trung tâm của các nước Đông Nam Á trong cấu trúc an ninh và thể hiện quan điểm trong các vấn đề cốt lõi. Tài liệu cũng nhấn mạnh sự cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước Đông Nam Á với Mỹ và các đồng minh để củng cố các nguyên tắc tự do hàng hải, các chuẩn mực về thương mại và đầu tư.

“Mặc dù vậy, có rất ít chỉ dẫn về cách để giúp Mỹ đạt đươc những mục tiêu này trong tài liệu”, The Diplomat bình luận.

Một số mục tiêu mà chiến lược khung đưa ra được cho là quá tham vọng và gần như chắc chắn sẽ thất bại, như loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, hay đạt được sự đồng thuận quốc tế chống lại các chính sách kinh tế “có hại” của Trung Quốc.

Duy Anh/The Diplomat

Đọc nhiều