‘Lời nguyền Olympic’ đang tái diễn ở Trung Quốc?
“Lời nguyền” chi tiêu vượt quá dự kiến của các kỳ Olympic dường như sẽ lặp lại ở Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều kế hoạch bị đảo lộn.
Việc các quốc gia phải chi thêm tiền để tổ chức một kỳ Olympic không phải là hiếm. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 và chính sách chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc khiến công tác chuẩn bị thêm phần khó khăn.
Chưa đầy một tháng trước ngày khai mạc, ban tổ chức Olympic Bắc Kinh chính thức tuyên bố dừng bán vé theo dõi sự kiện cho công chúng vì tình hình “phức tạp” gây ra bởi đại dịch Covid-19. Chỉ có một số cá nhân nhận định nhận được vé mời.
Trước đó, hồi tháng 9/2021, Trung Quốc cũng ra quyết định không đón khán giả quốc tế theo dõi Thế vận hội. Với các quyết định trên, ban tổ chức có thể mất đến 118 triệu USD, theo ước tính doanh thu bán vé ban đầu.
Lời nguyền đăng cai Olympic
Kinh tế là một trong những lý do chính giúp Trung Quốc cạnh tranh thành công tấm vé đăng cai Olympic. Do lo ngại chi phí tăng cao, nhiều thành phố lần lượt rút đề nghị đăng cai. Do đó, khi bỏ phiếu, Bắc Kinh chỉ có một đối thủ duy nhất là thành phố Almaty của Kazakhstan.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định chi phí thực tế nhằm tổ chức Olympic thường tăng gấp đôi kể từ khi nước chủ nhà chính thức giành quyền đăng cai cho đến ngày sự kiện khai mạc.
Ông Wladimir Andreff, chuyên gia về kinh tế thể thao tại Đại học Paris I Pantheon-Sorbonne, gọi đây là “lời nguyền” của việc đăng cai Olympic. “Để giành được quyền đăng cai, mọi ứng viên định giá thấp chi phí và thổi phồng lợi ích một cách có hệ thống”, ông Andreff cho biết.
Năm 2015, Bắc Kinh ước tính tổng số tiền phải chi ra để đăng cai Olympic là hơn 3 tỷ USD, bao gồm chi phí tổ chức và xây dựng địa điểm thi đấu. Tuy vậy, con số này chưa bao gồm việc xây dựng một số công trình phụ trợ khác, như tuyến đường cao tốc nối Bắc Kinh và địa điểm thi đấu trượt tuyết.
Đại dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm vấn đề. Olympic Tokyo 2020 – kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức sau khi đại dịch bùng phát – chứng kiến chi phí tổ chức tăng gấp đôi so với bản đề án đăng cai của Nhật Bản năm 2013, bất chấp ban tổ chức đã cắt giảm chi phí bằng cách tổ chức sự kiện một cách đơn giản.
Bên cạnh đó, tại kỳ Thế vận hội năm nay, ông Triệu Vệ Đông, trưởng bộ phận truyền thông của Olympic Bắc Kinh, thừa nhận đại dịch có thể khiến sự kiện “gia tăng một chút chi phí”, theo AFP. Tuy vậy, ông cũng nhận định một số khoản chi cũng có thể được cắt giảm.
Tại Bắc Kinh, các vận động viên, huấn luyện viên, tình nguyện viên, phóng viên và nhân viên hỗ trợ sẽ được giữ trong một “bong bóng khép kín”, tránh tiếp xúc với người dân để đề phòng nguy cơ lây nhiễm.
Bong bóng này – được cho là sẽ chặt chẽ hơn Olympic Tokyo – được vận hành nhờ hàng loạt biện pháp nhằm ngăn cách các vận động viên với thế giới bên ngoài. Họ cũng sẽ được xét nghiệm Covid-19 hàng ngày.
Lợi ích trong tương lai
Theo ông Andreff, hậu quả của việc không đón khách nước ngoài là đáng kể. “Hàng trăm nghìn khách nước ngoài sẽ không đến như dự kiến. Sẽ có sự thâm hụt nhất định do đại dịch”, ông nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế thể thao Andrew Zimbalist tại Đại học Smith, Mỹ, nhận định Olympic chưa chắc dẫn đến việc tăng lượng du khách, kể cả khi chưa có Covid-19.
Ông chỉ ra số khách du lịch tới Bắc Kinh giảm 1/5 khi thành phố này đăng cai Olympic 2008 do các biện pháp an ninh nghiêm ngặt được áp dụng.
“Các du khách bình thường không muốn đến Bắc Kinh năm 2008 vì họ lo ngại cảnh ùn tắc, giá cả tăng cao, nguy cơ khủng bố hay các sự cố nguy hiểm khác”, ông Zimbalist nói. “Do đó, số khách du lịch bình thường sụt giảm khi số du khách Olympic gia tăng”.
Trung Quốc hy vọng Olympic sẽ là một đòn bẩy tài chính phát huy hiệu lực kể cả khi sự kiện đã kết thúc. Nước này kỳ vọng thúc đẩy thêm khoảng 300 triệu người chơi các môn thể thao mùa đông để xây dựng một ngành công nghiệp tiềm năng cho tương lai.
Bên cạnh đó, Olympic Bắc Kinh cũng đem lại thêm nhiều cơ sở hạ tầng cho thành phố. Ví dụ, khu trượt tuyết Diên Khánh ở ngoại ô Bắc Kinh – công trình được xây dựng chỉ để phục vụ cho Olympic – là nơi đầu tiên ở Trung Quốc có thể tổ chức các bộ môn như xe trượt lòng máng, trượt băng nằm sấp hay trượt băng nằm ngửa.
Theo ông Matthieu Llorca, giảng viên tại Đại học Burgundy, Pháp, các chi phí phát sinh có khả năng được tích hợp vào chi phí chống dịch, thay vì chi phí tổ chức Thế vận hội. Do đó, ban tổ chức có thể gọi đây là sự kiện “thành công và có chi phí thấp”.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra Trung Quốc có thể không quá quan tâm đến chi phí. “Họ không nhìn vào chi phí. Họ nhìn vào hình ảnh của đất nước”, ông Llorca nói.
Khai Tâm