Lời hứa và trách nhiệm của Bộ trưởng trước Quốc hội

11/11/2019 17:37

Chiều 8/11, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội ( ĐBQH), Quốc hội đã khép lại 3 ngày chất vấn trọn vẹn. Bốn thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đăng đàn trả lời chất vấn. Và phiên chất vấn giống như nhiều kỳ họp Quốc hội bao giờ cũng là phiên họp tâm điểm của một kỳ họp.

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội với phiên chất vẫn diễn ra trong ba ngày, hàng trăm vấn đề đã được đưa ra chất vấn. Được chất vấn là nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên, công bằng mà nói, những vấn đề cũ, thậm chí rất cũ là không hề ít. Vấn đề được mùa mất giá, chẳng hạn, là không hề mới…

Lời hứa và trách nhiệm của Bộ trưởng trước Quốc hội
Lời hứa và trách nhiệm của Bộ trưởng trước Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (từ trái qua) sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Cùng tham gia trả lời chất vấn với các Bộ trưởng: Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh, Lê Vĩnh Tân, Nguyễn Mạnh Hùng còn có các Phó Thủ tướng: Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng cũng như các Bộ trưởng có liên quan đã trực tiếp tham gia giải trình thêm những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.

Ngay trước phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã bày tỏ mong muốn, các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn sẽ đi thẳng vào vấn đề, trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Bởi, thực ra cử tri không quan tâm nhiều tới việc thành viên Chính phủ có trả lời suôn sẻ hay không nhưng lại quan tâm việc câu trả lời ấy có nhiều thông tin mà họ muốn biết, cần biết hay không? Quan trọng hơn cả là thẳng thắn nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật. Và khi đã nhìn đúng- nhìn trúng thì Bộ trưởng cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, sửa sai, thể hiện quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có gần 250 lượt ĐBQH tham gia chất vấn và tranh luận. Các vị ĐBQH đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề chất vấn.

Sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở. Đó là cảm nhận chung của các đại biểu trong 3 ngày chất vấn vừa qua. Các đại biểu quốc hội đặt câu hỏi đi vào trọng tâm đối với từng ngành, từng lĩnh vực. 4 Bộ trưởng trả lời thẳng thắn vào các nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn.

Đáng chú ý với các đại biểu có lẽ là với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi nhận khuyết điểm và hứa trước Quốc hội rằng, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức ban hành thì Bộ sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức mà đi vào thực chất.

Và sự ấn tượng cũng đến từ phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu, minh chứng rất cụ thể, nêu rõ các tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian vừa qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra giải pháp thực hiện và trách nhiệm của ngành cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.

Mỗi Bộ trưởng đều thể hiện lĩnh vực mình đang quản lý và nắm chắc. Những câu hỏi của đại biểu rất khó, đòi hỏi có thời gian trả lời hoàn thiện nhất. Các Bộ trưởng trả lời rất thẳng thắn và cầu thị, nhận khuyết điểm. Năm nay các Bộ trưởng nhận khuyết điểm nhiều. Điều đó cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại chúng ta phải giải quyết trong thời gian tới.

Có không ít nội dung đã “đi thẳng” từ thực tiễn vào nghị trường qua sự giám sát của đại biểu. Ở lĩnh vực nào thì yêu cầu sau lời hứa là cam kết và hành động luôn được đề cao. Tại các phiên chất vấn lần này, theo đánh giá của nhiều ÐBQH, nhiều vấn đề chất vấn tập trung hơn, các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn nắm chắc lĩnh vực, thông tin cụ thể, đề xuất giải pháp rõ ràng. Cụ thể, nhiều nội dung đề cập sát sườn với đời sống xã hội.

Các đại biểu cũng đánh giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quyết tâm rất cao để đưa đất nước phát triển bền vững, vừa tăng tốc nhưng đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng đời sống người dân, bảo vệ môi trường.

Các đại biểu kỳ vọng, với sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để tự tin vào sự phát triển của đất nước nếu như có sự đồng thuận, quyết tâm, định hướng đúng.

Bày tỏ sự hài lòng về cách điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, người đứng đầu Quốc hội đã bám sát chương trình đề ra, cách phân bổ thời gian hợp lý, làm sao để đại biểu đặt câu hỏi được nhiều nhất và phần trả lời của các trưởng ngành cũng được đầy đủ nhất.

“Qua 8 kỳ họp, phiên chất vấn trả lời chất vấn đã cho thấy sự năng động và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri, cho thấy trách nhiệm trí tuệ và năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại Nghị trường, không khí cởi mở dân chủ đổi mới và tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nhiều đại biểu cho rằng, tại phiên chất vấn lần này không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành. Trên tinh thần trả lời thẳng thắn, các Bộ trưởng khu biệt được tương đối trách nhiệm người đứng đầu thuộc lĩnh vực mình quản lý. Tuy nhiên một số đại biểu cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng trả lời vòng vo, trùng lặp. Các đại biểu cũng đánh giá tại phiên chất vấn này, các Bộ trưởng nhận trách nhiệm về những hạn chế liên quan đến việc Bộ mình chưa làm được.
Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động sôi nổi và được trông đợi nhất tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Cùng với các giải pháp và lời hứa được các Bộ trưởng đưa ra tại kỳ họp này, các đại biểu mong rằng việc thực thi cơ chế giám sát sẽ được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo các giải pháp phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Có thể nói chất vấn là hành động sẽ dẫn đến việc tín nhiệm hay không tín nhiệm hơn là để giải quyết ngay các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi chế độ trách nhiệm được bảo đảm, thì Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ giải quyết tích cực và hiệu quả những vấn đề đang được đặt ra.

Cuối cùng, chất vấn còn là cơ hội để các vị đại biểu cảnh báo cho Chính phủ và các bộ trưởng về một vấn đề đang phát sinh.

Quả thật, nếu không có hoạt động chất vấn, thì tính hình thức, sự lãng phí vô cùng, vô tận do những đòi hỏi về chứng chỉ, về học hành, thi cử đối với cán bộ, công chức gây ra không biết đến bao giờ mới được nhận biết. Không được nhận biết thì không biết đến bao giời mới được xử lý.

Hàng chục triệu cử tri cả nước đã theo dõi phiên chất vấn trực tiếp để biết các thành viên Chính phủ đã làm gì hay chưa làm được gì trong số những lời hứa với Nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Những câu trả lời ấy sẽ có tác động ngay lập tức, sẽ nhận được sự đồng thuận hay phê phán từ cử tri và từ chính các đại biểu của dân.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 khoảnh khắc từ đồng tình hay không đồng tình với các câu trả lời của thành viên Chính phủ có khi chỉ là một cái click chuột và lập tức trên mạng xã hội có thể sẽ có ngay một làn sóng ủng hộ hay phê phán quan điểm, cách điều hành của một thành viên Chính phủ nào đó.

Khép lại 3 ngày chất vấn, có thể khẳng định đó là 3 ngày họp mà cả các đại biểu quốc hội và các thành viên Chính phủ đều sẵn sàng ở mức cao nhất. Các đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi rất ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, các Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu minh chứng rất cụ thể, nêu rõ những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua và có giải thích, lý giải những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những tồn tại, bất cập, đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận và trách nhiệm của ngành cũng như của cá nhân mình trong chỉ đạo, điều hành. Khép lại các phiên chất vấn, các Bộ trưởng sẽ trở lại với công việc điều hành đầy bận rộn, lắm khi “như con mọn” nhưng, cử tri chắc chắn mong muốn các Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mà mình phụ trách với đích đến là sự phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực mà Bộ trưởng phụ trách, nhằm góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Hồng Đinh

Đọc nhiều