419
category
407982

Lời giải nào nào để giải quyết bài toán thất nghiệp hiện nay?

Hải Anh 07/07/2020 17:46

Số lao động làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp càng lúc càng tăng cho thấy, thị trường lao động đang dần “ngấm đòn” từ đại dịch COVID- 19. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động đã và đang xu hướng cắt giảm lao động rõ rệt.”Chưa bao giờ thị trường lao động mất việc nhiều như hiện nay” – đó là một thực trạng đáng báo động cần phải có hướng giải pháp kịp thời nhằm giải quyết việc làm cho những người lao động mất việc. 

Đại dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến nước ta

“Chưa lúc nào lao động mất việc nhiều như hiện nay”

Thực tế, từ sau covid-19, liên tục những bài báo đưa tin số lượng người thất nghiệp, số lượng người làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mỗi ngày một tăng lên.

Đơn cử như công ty TNHH PouYuen Việt Nam sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 2.786 lao động từ nay tới tháng 8/2020. Công ty dệt may Huê Phong, Công ty gỗ Woodworth Wooden (TPHCM) đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động/công ty.

Và mới nhất, ngày hôm qua 7/7, hơn 400 công nhân của Công ty TNHH Giầy Stateway Việt Nam (đường Lê Thánh Tông, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã ngừng việc tập thể vì lo lắng bị mất việc trong thời gian tới mà không được đảm bảo quyền lợi

Những con số “như biết nói” của các cơ quan chức năng đang cho thấy sự “báo động” trong vấn đề thất nghiệp hiện nay tại nước ta sau ảnh hưởng của dịch. Rõ ràng những hệ quả do Covid-19 mang lại không chỉ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế-xã hội Việt Nam, mà đang gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Trước tình hình đó, những biện pháp cấp bách và tức thì nhằm hỗ trợ người lao động đã được triển khai tại Việt Nam. Thực hiện sự chỉ đạo từ Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các trung tâm dịch vụ việc làm công đã đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp để thu thập thông tin tuyển dụng nhân sự, xây dựng hệ thống dữ liệu phong phú phục vụ cho công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua hai hình thức: trực tiếp tại các điểm giao dịch và gián tiếp qua các phương tiện truyền thông như điện thoại, mạng xã hội, thư điện tử…

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo số lao động mất việc sẽ tăng trong thời gian tới, nhất là trong những tháng của quý III/2020. Do đó, chúng ta cần tính đến biện pháp dài hơi, cốt lõi để giải quyết tình trạng này.

Cuộc sống rất khó khăn của người lao động nghèo khi mất việc

Kỳ thực, người lao động không biết “bấu víu” vào đâu ngoài “phao cứu sinh” là sự hỗ trợ của Chính phủ. Khi chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19, họ – những công nhân nghèo – đã gặp hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, đổ vỡ hạnh phúc, nuôi con nhỏ… Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, họ còn bị mất việc, mất hết thu nhập, khó khăn càng thêm chồng chất.

Ngưng việc, mất hết thu nhập, Kim Thu (Thái Bình) chỉ còn biết sống nương nhờ vào cha mẹ nghèo cho qua ngày đoạn tháng, chờ công ty gọi đi làm trở lại. Thu cho biết, phần cô thì khổ sở thế nào cũng chịu được, chỉ tội cho đứa con nhỏ không có sữa, ăn uống thiếu thốn, ảnh hưởng đến phát triển thể chất.

Chị Thúy Quỳnh (Nha Trang) cho biết: Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương CN ít ỏi của chị. Sau dịch bệnh Covid-19, Cty chị giảm bớt lao động (LĐ) vì không có đơn hàng, chị không có việc gì làm nên cũng không có thu nhập. Bữa cơm gia đình chị thời gian này đã “cắt giảm” hết mức có thể. Hôm chúng tôi ghé vào lúc chiều muộn, mâm cơm của gia đình chỉ có dĩa rau muống luộc, cái trứng vịt dầm nước tương và tô nước rau luộc làm canh. Chị Quỳnh buồn bã nói: “Thời gian tới, nếu không xin được việc làm, tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào để duy trì cuộc sống”.

Nên chăng trong lúc chờ sự phục hồi của các doanh nghiệp thì rất cần một gói hỗ trợ nữa ngoài gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để giúp cho người lao động qua cơn bĩ cực. Đó không chỉ là biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, còn là động thái “không bỏ ai lại phía sau”.

Vừa rồi ở công ty PouYuen người lao động bị thôi việc được công ty hỗ trợ tiền cao nhất lên tới 180 triệu đồng, thấp nhất 3 triệu đồng, bình quân mỗi người nhận 50 đến 60 triệu đồng. Với số tiền này nhiều người có thể về quê lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

Kỳ thực, người lao động không biết “bấu víu” vào đâu ngoài “phao cứu sinh” là sự hỗ trợ của Chính phủ.

Việc hỗ trợ như vừa rồi là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp nhằm bảo đảm người lao động có cuộc sống ổn định sau khi thôi việc cũng như an ninh trật tự địa phương. Rất mong doanh nghiệp nếu có cắt giảm lao động cũng làm như PouYuen. Vì có những người gắn bó lâu năm, đóng góp rất nhiều cho công ty. Trong lúc khó khăn, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm ngoài việc tuân thủ quy định nhà nước cần có chính sách riêng hỗ trợ người lao động.

Thiết nghĩ, trong trạng thái bình thường mới, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức và từng người lao động nhanh chóng thích nghi, tìm ra giải pháp thích ứng. Giờ đây, ngoài những giải pháp, chế độ hay chính sách mà các cơ quan ban ngành đang hỗ trợ, thực hiện thì có lẽ cũng chỉ biết cầu mong đại dịch sẽ lắng xuống ở những nơi đặt hàng, “ bình thường mới” sẽ trở lại với các nước bạn và nhất là đơn hàng sẽ đến với những Huê Phong, PouYuen và rất nhiều doanh nghiệp đang lao đao khác. Họ làm ăn được, người lao động có việc làm và chúng ta mới có thể yên bình cùng nhau.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều