419
category
444382

Lời cảnh báo từ thiên nhiên

Đỗ Mạnh 29/10/2020 18:17

Chưa bao giờ đất mẹ lại nổi giận như mấy ngày qua tại miền Trung Việt Nam. Những ngôi làng bị vùi lấp san phẳng, tài sản, tính mạng bị vùi lấp ở khắp các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa.

Hình ảnh cứu hộ đồng bào ở Trà My, Quảng Nam

Rõ ràng là chúng ta đang phải trả giá, trả giá cho sự tàn phá của chính chúng ta với thiên nhiên nơi chúng ta đang sinh sống. Những cánh rừng rậm rạp ngày xưa đã từng che chở bộ đội, đã từng bao vây làm quân thù khiếp sợ nay đâu còn nữa. Sau nhiều năm xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, có biết bao nhiêu cánh rừng đã mất tích trong những lòng hồ thủy điện, biết bao nhiêu cánh rừng đã bị cạn kiệt bởi nạn lâm tặc, bởi những quan tham có sở thích lấy đồ gỗ làm sang cho bản thân và gia đình mình. Giờ đây, đất đã trở mình và lên tiếng đòi trả lại rừng nguyên trạng như nó vốn có. Đất đã lên tiếng đòi trả lại cuộc sống bình yên cho những người dân vô tội.

Hình ảnh lũ san bằng tất cả ở miền Trung

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 – 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, tức mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng nguyên sinh. Nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút có nhiều lý do nhưng trong đó có lý do là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Một điều đáng báo động nữa là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm, thay vào đó là sự gia tăng của diện tích rừng sản xuất do dân đốt rừng làm nương rẫy. Tình trạng di dân tự do đã làm tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát.

Hình ảnh nhói lòng.

Rõ ràng mất rừng, chúng ta đã mất một lá chắn gió tự nhiên và hữu hiệu nhất. Mất một diện tích đất khá lớn, là nơi thẩm thấu nước tự nhiên lớn nhất, hiệu quả nhất. Hậu quả của việc phá rừng là nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…

Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên. Hiện tượng thời tiết cực đoan kèm theo mưa lớn, kéo theo lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá gây thiệt hại về sinh mạng và tài sản. Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây tần suất bão lũ, sạt lở đất diễn ra tỷ lệ thuận với diện tích rừng bị tàn phá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

Trên thực tế, trong thời gian dài chúng ta đã quá chú trọng đến việc xây dựng thủy điện để phát triển kinh tế mà không lường hết được diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung bị san bằng bởi những hồ chứa nước của những nhà máy thủy điện lớn nhỏ. Thêm vào đó lâm tặc lợi dụng bối cảnh xây dựng các nhà máy thủy điện để để gia tăng tốc độ phá rừng. Rừng phòng hộ bị chặt phá gây nên tình trạng mất khả năng điều tiết lũ mỗi khi xảy ra mưa lớn ở thượng nguồn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt ngày một nghiêm trọng hơn. Mất rừng khiến cường độ nước dâng nhanh hơn, lũ mạnh hơn và tác hại như thế nào thì chúng ta cũng đã biết.

Chúng ta đang phải trả giá đắt cho sự lơi lỏng trong công tác quản lý và phát triển rừng. Năm 2020 chúng ta đã chịu tổn thất quá nhiều về sinh mạng và tài sản. Những tổn thất quá lớn buộc chúng ta phải suy nghĩ lại và điều chỉnh những định hướng lớn trong phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế phải mang tính bền vững và lâu dài. Hãy biết từ bỏ những lợi ích trước mắt để đổi lại lợi ích lâu dài, tránh nôn nóng để gánh chịu hậu quả.

Song song với việc trồng rừng cần phải coi trọng công tác bảo vệ rừng. Để bảo vệ rừng một cách an toàn cần phải có lực lượng kiểm lâm đủ mạnh, được trang bị đầy đủ vũ khí, trang thiết bị hiện đại nhằm phát hiện và ngăn chặn những hiện tượng phá rừng một cách sớm nhất, hiệu quả nhất. Luật pháp cần có những quy định tôn vinh lực lượng bảo vệ rừng, công tác bảo vệ rừng bởi bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ rừng là bảo vệ sinh mạng cho nhân dân và sự bình yên cho quốc gia. Giờ đây lực lượng kiểm lâm phải được coi là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có đầy đủ quyền hạn để xử phạt nặng những hành vi phá rừng, những quan chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để phá rừng trục lợi cá nhân.

Chỉ có làm như thế chúng ta mới hi vọng giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất gây ra. Giảm thiểu những mất mát hi sinh của đồng bào, chiến sĩ đang sinh sống, công tác và làm việc ở vùng núi, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc.

Rừng đang kêu cứu, đất rừng đang nổi giận vì chính những hành động của chúng ta. Hãy đối xử với thiên nhiên như những ân nhân, như là nơi nuôi sống và giữ cho cuộc sống của chúng ta bình yên.

Nếu để thiên nhiên nổi giận chúng ta sẽ phải trả giá!

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều