8
category
486590

Loạt biệt thự xây trái phép, nghìn tấn chất thải lộ thiên mà không thấy, là sao?

22/03/2021 09:35

Nhiều biệt thự đua nhau mọc trái phép ở Vĩnh Phúc. Biệt thự có phải cái chòi lá đâu, không phải một căn đâu, mà cả loạt. Xây cái biệt thự đâu phải như chuyện cây tre trăm đốt, khắc xuất khắc nhập, mà phải thi công hằng tháng, hằng năm trời. Vậy thì xin hỏi, cán bộ, chính quyền phường, thành phố đi đâu hết mà không thấy, không ngăn chặn từ khi người ta đặt viên đá đầu tiên?

Nhiều đối tượng ngang nhiên lấn chiếm, chuyển mục đích, xây dựng biệt thự, xây nhiều công trình kiên cố trái phép trên đất rừng nhưng không được xử lý dứt điểm khiến nên ngày càng nhiều người đua nhau vi phạm. Ảnh: Tuấn Anh/LĐO
Nhiều đối tượng ngang nhiên lấn chiếm, chuyển mục đích, xây dựng biệt thự, xây nhiều công trình kiên cố trái phép trên đất rừng nhưng không được xử lý dứt điểm khiến nên ngày càng nhiều người đua nhau vi phạm. 

Người dân ở đây nói với phóng viên: “Ngày xưa ở đây là khu trồng mía và cây ăn quả, nhưng không hiểu bằng cách nào, thời gian qua nhiều “đại gia” về đây xây biệt thự. Mới đầu, chúng tôi cũng tưởng ở đây phải được cấp sổ đỏ và trong diện quy hoạch gì đó, nhưng sau đó phát hiện không phải, họ xây dựng trái phép”.

Cục đá xây dựng trái phép đầu tiên đặt xuống, nếu không vứt đi thì nó thành nền móng của sai phạm, dần dần thành lâu đài sai phạm, nhiều căn trở thành thành trì của sai phạm, càng xử càng khó. Cho dù cứng rắn cưỡng chế thì cũng tốn kém, lãng phí cho xã hội không ít. Đó là yếu kém về quản lý.

Câu chuyện yếu kém về quản lý thứ hai thuộc về Thái Nguyên, với vụ chất thải đang nóng hầm hập trên các kênh truyền thông.

Núi chất thải nguy hại hàng nghìn tấn lộ thiên giữa thành phố Thái Nguyên, không phải là đống tro trong xó bếp, nhưng tại sao chính quyền để yên cho nó tồn tại?

Và còn tỏ ra không hay biết, ông Trịnh Việt Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu về núi chất thải này: “Tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quản lý về lĩnh vực tài nguyên môi trường khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ. Nếu có vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm và xử phạt hành chính ở mức cao nhất có thể. Đồng thời, yêu cầu chủ nguồn thải khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất”.

Còn đại diện Sở TN&MT địa phương thừa nhận: “Sở không nắm được con số chính xác, cái này phụ thuộc vào việc công ty báo cáo lên”.

Chất thải nguy hại tác động tới không khí, tới nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, kéo dài nhiều năm, vậy mà không nắm được chính xác. Vậy thì ngành tài nguyên môi trường của địa phương quản lý cái gì?

Trách dân làm càn, trách doanh nghiệp sai phạm, nhưng trách nhiệm quản lý thuộc về chính quyền. Chính quyền quản lý chặt chẽ, minh bạch, giải quyết và xử lý các sai phạm đúng quy định của pháp luật, thì đố ai dám làm càn.

Lê Thanh Phong/ LĐ

Đọc nhiều