2
category
417051

Loại những người ngồi không đúng chỗ ra khỏi bộ máy

06/08/2020 06:33

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, người không đúng vai, không thuộc bài thì khó bảo đảm kỷ cương công vụ. Ông đề nghị loại những người ngồi không đúng chỗ ra khỏi bộ máy.

Tại hội thảo khoa học “Phát triển nhân lực hành chính nhà nước”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nêu thực tế nguồn nhân lực vẫn là khâu yếu nhất trong công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam.

Nhân sự người khác “ấn” vào lại bảo mình chịu trách nhiệm

Nhấn mạnh nguyên tắc chọn nhân sự “đúng vai, thuộc bài” mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập, ông Quyền cho rằng hiện nay có tình trạng ngồi sai vị trí, giao sai nhiệm vụ, sai chức năng, sai thẩm quyền. Nếu không đúng vai, không thuộc bài thì không thể bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương công vụ.

“Bằng cách này hay cách khác, để duy trì vị trí, chỗ ngồi, nhất là sự tồn tại của mình, chức vụ của mình, những người này buộc phải vi phạm, phá bỏ những kỷ luật, kỷ cương công vụ”, ông Quyền phân tích.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề cập đến chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước và đề nghị cần tiếp tục rà soát để loại ra khỏi nền hành chính nhà nước những công chức, viên chức yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ.

“Loại những người ngồi không đúng chỗ, được giao không đúng nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là thẩm quyền trong thực thi nhiệm vụ, công vụ”, ông Quyền nhấn mạnh.

Loại những người ngồi không đúng chỗ ra khỏi bộ máy
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đình Quyền cho rằng phải kiểm soát quyền lực nhà nước, bao gồm: Kiểm soát quyền lực nội bộ, kiểm soát quyền lực từ bên ngoài và kiểm soát quyền lực mang tính chất chính trị. Trong đó, quan trọng nhất là kiểm soát quyền lực nội bộ nhưng hiện việc này rất yếu.

Lý giải vì sao nền công vụ của nhiều nước lại tốt, ông Quyền cho rằng là nhờ họ làm tốt công tác kiểm soát quyền lực nhà nước để người thực thi công vụ không dám, không muốn, không thể tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, một trong những khâu yếu nhất trong nền công vụ của chúng ta là không rõ trách nhiệm của từng vị trí công tác. Chính vì vậy mới có việc tượng đổ cho đồng, đồng đổ cho tượng; tham mưu đổ cho người quyết định.

“Tôi rất thiết tha đề nghị phải có Luật về trách nhiệm công vụ nhà nước. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng vị trí công tác: Cấp trưởng, cấp phó, người lãnh đạo, người tham mưu”, ông Quyền nói và cho rằng việc xác định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó là câu chuyện vô cùng khó ở Việt Nam.

Ông dẫn chứng Luật Phòng chống tham nhũng quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng nhưng quá trình ông giám sát (khi còn là ĐBQH khóa 13) thấy có chuyện rất khôi hài: “Ở địa phương, bộ ngành nào làm quyết liệt, tìm ra người tham nhũng để trị thì người đứng đầu lại bị khuyết điểm, còn địa phương 3 năm trời không “moi” ra được ai tham nhũng lại chẳng làm sao”.

Vì vị trí của từng cương vị công tác không rõ ràng nên khó bắt họ chịu trách nhiệm. Thậm chí có lãnh đạo cấp cao còn nhìn nhận “họ chẳng có quyền gì”, bởi người đứng đầu không được chọn nhân sự.

“Tôi là vụ trưởng, tôi nói chỉ cần một vụ phó thôi nhưng nhất định tôi phải có 5 vụ phó. Mà có những người phá mình lại bảo mình phải chịu trách nhiệm”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nêu vấn đề.

Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, “người đứng đầu như thế nào thì tổ chức đó như thế”. Qua hai lần làm trưởng (vụ trưởng, viện trưởng), ông Quyền cho hay, “tôi làm chủ được bản thân tôi và bắt quân theo định hướng của tôi” nên dù cấp phó là người khác “ấn” vào thì vẫn phải theo cách làm việc của cấp trưởng.

Chưa kịp thay người thì mình đã bị thay rồi

PGS-TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, ở nhiều nước, cấp trưởng có quyền chọn cấp phó nhưng ở ta phải có điều kiện.

Vì vậy, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực,làm sao để người ta biết sợ, khi phát hiện ra thì thay thế ngay những người không đáp ứng được nhiệm vụ, thoái hoá biến chất.

“Còn bây giờ thay người rất khó, có khi chưa kịp thay người ta mình đã bị thay rồi”, ông Thảo nói.

GS-TS Lê Sĩ Thiệp nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước về kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, đối với công chức có chức danh công vụ được ngồi vào vị trí nào đó là do tổ chức quyết chứ không phải tự công chức đó muốn là ngồi được.

Loại những người ngồi không đúng chỗ ra khỏi bộ máy
GS-TS Lê Sĩ Thiệp nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước về kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia

GS-TS Lê Sĩ Thiệp đề nghị phải xây dựng một hệ thống chức danh công vụ ở khâu ra quyết định hành chính từ bé đến lớn và phải có dấu quốc huy và chữ ký rõ ràng.  Cùng với đó là tiêu chí chất lượng, kết quả công việc của từng khâu.

Đồng thời, thiết kế lại sự giám sát chất lượng công việc trên nền tảng đầu tiên là Quốc hội, HĐND các cấp. Còn các mô hình thanh tra nhân dân phải thực chất, không hình thức như bây giờ.

Đặc biệt, ông Thiệp nhấn mạnh đến thiết kế tội khung hình phạt tương xứng với tất cả lỗi của các quyết định hành chính cho các chức danh công vụ gây ra, nếu làm sai thì bị như thế nào.

“Phải có chế tài rõ rằng, chúng ta bỏ từ trách nhiệm chung chung đi, trách nhiệm dùng ở chỗ khác”, GS-TS Lê Sĩ Thiệp nhấn mạnh.

Thu Hằng/VNN

Đọc nhiều