Loại bỏ những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”

23/05/2020 07:42

Nhận diện cán bộ có đầy đủ phẩm chất là câu chuyện không hề dễ dàng, cần có sự thẳng thắn, minh bạch trong công tác cán bộ.

Nói về việc lựa chọn nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý “Đừng nhìn gà hóa cuốc”, “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “Cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong” để nhấn mạnh công tác cán bộ phải được thực hiện một cách thận trọng, tránh xảy ra sai sót. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ 7 khuyết điểm để tham chiếu, soi rọi với từng cá nhân khi bầu vào BCH Trung ương Đảng.

Làm thế nào để nhận diện và loại bỏ những người có biểu hiện này là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên với ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

 

Ông Lê Như Tiến

PV: Ông có bình luận như thế nào về 7 khuyết điểm đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra rất cụ thể để thực hiện công tác nhân sự?

Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy rất mừng là lần này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lượng hoá cụ thể những khuyết điểm, đó là 7 nhóm vấn đề mà cán bộ thường mắc phải. Trong đó, tôi tâm đắc nhất là vấn đề không chọn những người tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Nếu chúng ta làm được tốt điều này thì sẽ thúc đẩy công tác cán bộ trong thời gian tới tốt hơn.

Thứ hai nữa là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có khi chỉ có một người giới thiệu, sau đó bỗng nhiên lên một vị trí rất cao mà không tham khảo ý kiến của nhiều kênh khác nhau như: người dân, nơi công tác hoặc nơi cư trú.

PV: Biểu hiện “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” hay nói một cách khác là “mũ ni che tai” chúng ta vẫn còn thấy hiện hữu đâu đó. Theo ông, tại sao chúng ta phải loại bỏ những người có biểu hiện này?

Ông Lê Như Tiến: Bởi đó chính là bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị của chúng ta. Nếu thấy đúng không bảo vệ, thấy sai mà không đấu tranh, vậy anh có còn xứng đáng là cán bộ nữa không? Nói như ông cha ta là “mũ ni che tai” rồi “im lặng là vàng”. Anh im lặng để đạt được mục đích cá nhân, không dám đấu tranh với những hiện tượng sai trái, không bảo vệ cái đúng.

PV: Tha hoá, tự diễn biến, tự chuyển hoá là câu chuyện mà chúng ta đã và đang gặp phải. Khi có những biểu hiện như này, đội ngũ cán bộ thường sẽ gây ra mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Lê Như Tiến: Trước đây Nguyễn Du cũng đã nói một câu rất hay là “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cho nên chúng ta lựa chọn cán bộ thời nào cũng nên đưa cái tâm, cái tầm. Nhưng những biểu hiện để chúng ta lựa chọn ấy không phải đơn giản, mà phải xem hành động hằng ngày của họ. Họ có vì dân, vì nước không? hoàn thành tốt công việc được giao không? Hay là nói nhiều mà làm ít? Hoặc là nói một đường làm một nẻo. Rồi chúng ta phải xem chính hành động hằng ngày của họ có cái tâm không, có cái tầm không? Tầm đây chính là năng lực hoàn thành nhiệm vụ, Tâm đây là tâm huyết với công việc, hết mình với công việc và hiệu quả công việc cao, đó mới chính là điều cần đánh giá. Còn nếu chúng ta chỉ nhìn vào bằng cấp hoặc nhìn vào lý lịch để đánh giá thì họ lại chạy theo chủ nghĩa lý lịch và chủ nghĩa bằng cấp mà thôi.

PV: Một thực trạng nữa vẫn tồn tại hiện nay đó là không ít người nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm, nhất là những người có trọng trách trong xã hội. Đây cũng là khuyết điểm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ ra?

Ông Lê Như Tiến: Nói đi đôi với làm chính là bản lĩnh và phẩm chất của cán bộ. Nhưng nói mà không làm hoặc nguy hại hơn là nói một đường làm một nẻo, tức là anh nói thế này anh làm thế khác, khiến người dân mất lòng tin. Anh nói là anh phải giữ đạo đức trong sáng, giao giảng rất tốt, nhưng bản thân lại tham nhũng, lợi dụng chức quyền để đem thu vén cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thì đó chính là nói một đường làm một nẻo, mất lòng tin của nhân dân và mất cán bộ.

PV: Một vấn đề nữa cũng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân hiện nay đó là những người mà bản thân hoặc vợ, chồng, con cái có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính thì không giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương, quan điểm của ông như thế nào về nội dung này?

Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy cái này là rất đúng, rất mới. Lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu rồi vì hiện nay nhiều cán bộ cấp cao, tay họ có thể không nhúng chàm, nhưng họ chuyển dịch tài sản của cá nhân cho vợ, chồng, con cái hoặc người thân trong gia đình. Trong một lần phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, tôi có đề nghị phải kê khai tài sản không chỉ của cán bộ, công chức đó mà cả những người cận huyết thống và huyết thống với cán bộ công chức đó thì mới ngăn chặn được tình trạng vợ, chồng hoặc con có những biểu hiện tham nhũng, tham ô, lệch lạc, vi phạm pháp luật.

PV: Tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng đối với Ủy viên Trung ương là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Vậy, theo ông, tại sao đây lại là tiêu chuẩn quan trọng, nhất là trong bối cảnh đất nước ta hiện nay?

Ông Lê Như Tiến: Theo tôi, bản lĩnh chính trị phải là tiêu chuẩn hàng đầu. Bởi vì anh ở trong một hệ thống chính trị, nếu anh không có bản lĩnh chính trị, anh sẽ rất dễ nghiêng ngả theo kiểu gió thổi về đâu thì anh ngả về đó. Không có bản lĩnh chính trị vững vàng rất dễ bị kẻ địch lợi dụng. Nên tôi cho đó là tiêu chuẩn hàng đầu.

PV: Xin cảm ơn ông.

Lê Tuyết, Thu Huyền/ VOV

Đọc nhiều