Loại bỏ giấy phép con để có sức chống ‘giặc’ dịch lâu dài
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sức chống đỡ của các doanh nghiệp ngày càng yếu thì tại nhiều địa phương còn phát sinh thêm “giấy phép con”, làm nghẽn dòng chảy lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Đừng làm tắc nghẽn thêm
Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) vừa tiến hành khảo sát nhằm đánh giá những khó khăn và hạn chế mà các doanh nghiệp Pháp đang phải đối mặt, trong bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Có 63 doanh nghiệp Pháp thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dược,… tham gia khảo sát. Trong đó, 65% doanh nghiệp có trụ sở hoặc có hoạt động tại miền Nam, 23% tại miền Bắc và 12% tại miền Trung. Kết quả cho thấy, gần 60% doanh nghiệp cho biết đang đối mặt với khó khăn trong 6 tháng qua; 56% đã phải tạm ngưng hoạt động kinh doanh hoặc giảm ít nhất 80% trong hai tháng qua.
Khó khăn lớn mà các doanh nghiệp Pháp gặp phải là khâu vận chuyển hàng hóa, khi các địa phương siết chặt để phòng chống dịch. Chẳng hạn, với lĩnh vực thực phẩm, tuy là hàng thiết yếu nhưng nguyên liệu và bao bì không được coi là hàng thiết yếu, nên không thể đưa đến nhà máy để sản xuất. Đó là con đường dẫn đến đóng cửa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương khiến các doanh nghiệp thêm khốn khổ. Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi, không phân biệt địa giới hành chính. Khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu,… sẽ làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Phạm Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, từ đầu năm 2020 đến nay, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam có xu hướng chững lại.
Không những thế, khi thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, tại nhiều địa phương còn phát sinh thêm những quy định, những “giấy phép con”, làm nghẽn dòng chảy lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Ví như, quy định về hàng hoá thiết yếu còn mơ hồ; quy định về thời hạn của giấy xét nghiệm Covid-19 chưa thống nhất; quy định về vận chuyển hàng hóa ra vào các tỉnh, thành… Đặc biệt, mỗi địa phương áp dụng một kiểu tùy tiện và cứng nhắc, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh thêm khó khăn, môi trường kinh doanh thêm trở ngại.
Loại bỏ “giấy phép con”
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, về nguyên tắc, cái gì hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp phải được quy định trong luật. Các địa phương căn cứ vào đó để thực hiện, chứ không được “đẻ” thêm quy định khác. Các tỉnh, thành chỉ được quy định khác khi Chính phủ cho phép. Nếu cứ tự đặt ra quy định “ngăn sông cấm chợ” là vi phạm pháp luật.
Đối với các tuyến quốc lộ, việc quản lý thuộc về Trung ương, địa phương không thể cứ thích ngăn thì ngăn, cấm thì cấm? Cần Thơ quy định xe vận tải hàng hóa muốn vào thành phố, phải đăng ký trước với Sở Công Thương, rồi phải đổi lái xe trung chuyển, có xin phép không? Đưa ra quy định như vậy gây khó cho doanh nghiệp mà không tham vấn, cũng không xin phép Chính phủ.
Theo ông Lộc, chúng ta nói đến hàng hóa thiết yếu nhưng tất cả quy trình sản xuất là chuỗi cung ứng. Có thể sản phẩm cuối cùng mới là thiết yếu, còn nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm đó, lại không được quy định trong danh mục thiết yếu. Nhưng nếu không có nguyên vật liệu đó sẽ không thể làm ra sản phẩm thiết yếu.
Ví dụ, bao bì không phải mặt hàng thiết yếu, nhưng nó phục vụ cho đóng gói thực phẩm, lại là hàng thiết yếu, ông Lộc nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, trong 8 tháng đầu năm 2021, có 85.500 doanh nghiệp rời thị trường, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, có 350 doanh nghiệp rời thị trường, là con số lớn nhất từ trước tới nay, rất đáng quan ngại.
Dịch Covid-19 đã làm cho các doanh kiệt sức nhưng với cách chống dịch theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” tại nhiều địa phương đã góp phần khiến số lượng doanh nghiệp rời thị trường tăng thêm. Dù phản ánh nhiều nhưng tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra.
Các chỉ số kinh tế tháng 8/2021 cho thấy sức khỏe của nền kinh tế rất xấu, thể hiện rõ nhất ở chỉ số sản xuất công nghiệp. Sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ sản xuất đã suy yếu. Dự báo những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn nhiều, ông Long nhận định.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, chống dịch là cần thiết nhưng không thể kiểm soát quá mức, gây đứt gãy sản xuất một cách phổ biến. Muốn vậy, áp dụng bất cứ một điều gì cũng phải thống nhất toàn quốc, chứ không thể mỗi địa phương lại đưa ra một chuẩn, như thế thì doanh nghiệp không thể theo được.
Chính phủ cần đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, không để các địa phương tự ý đưa ra các quy định gây cản trở. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vận tải, logistics, tiếp tục cải cách quy định về điều kiện kinh doanh cũng như hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trần Thủy