Lộ trình tăng lãi suất của FED

Huy Hoàng 17/07/2023 16:18

Mặc dù vẫn còn quá sớm để nói tới việc hạ lãi suất, nhưng không phải là không có cơ sở khi lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống còn 3% vào tháng 6 vừa qua. Cùng với suy thoái tại Mỹ được dự báo sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm, thị trường kỳ vọng Fed có thể sẽ hạ lãi suất kể từ năm 2024 trở đi, điều đó sẽ hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi tổng cầu của Việt Nam.

Khi lộ trình tăng lãi suất của Fed chậm lại, triển vọng về đồng USD không còn hấp dẫn như trước nên mức độ ảnh hưởng lên tỷ giá trong nước cũng sẽ giảm dần.

Trước diễn biến lạm phát hạ nhiệt mạnh tại Mỹ và đã rất gần mục tiêu 2%. Nhiều luồng ý kiến cho rằng Fed sẽ sớm tính đến việc hạ lãi suất, song ngược lại cũng có ý kiến nhấn mạnh Fed cần phải giữ lạm phát ở mức cao trong một thời gian đủ lâu để lạm phát giảm một cách bền vững.

Mặc dù thời gian gần đây, Chủ tịch Powell và một số quan chức khác của Fed vẫn đưa ra các tín hiệu để ngỏ khả năng tăng lãi suất, đồng thời nhấn mạnh các quyết định được đưa ra sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. Các quan chức Fed cũng khẳng định cần phải giữ mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và sẽ không có đợt cắt giảm nào diễn ra trong năm 2023. Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư có một yếu tố mà sẽ là động lực để Fed phải sớm đảo chiều về mặt chính sách. Đó là suy thoái do người tiêu dùng Mỹ bắt đầu cạn tiền tiết kiệm.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo chi tiêu tiêu dùng nội địa tại Mỹ sẽ giảm xuống trong thời gian tới khi người dân cạn tiền tiết kiệm. Trong đó có nhà quản lý quỹ đầu cơ Michael Burry – người sáng lập quỹ Scion Capital, Bob Michele – giám đốc đầu tư tại bộ phận quản lý tài sản của JPMorgan hay CEO của JPMorgan – ông Jamie Dimon, tất cả đều có chung một dự báo người tiêu dùng Mỹ sẽ bắt đầu cạn tiền vào cuối năm nay.

Chi tiêu tiêu dùng vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ, và với hàng trăm tỷ đô la được bơm ra vào thời điểm đại dịch Covid-19 đã giải thích vì sao kinh tế Mỹ vẫn trụ vững bất chấp môi trường lãi suất cao trong suốt hơn 1 năm qua.

Nền kinh tế Mỹ sắp đi đến một giai đoạn nguy hiểm nhất, khi lãi suất ở mức cao lịch sử còn người tiêu dùng thì sắp cạn tiền. Một cuộc suy thoái đã ở rất gần. Những gì diễn ra vào cuối năm sẽ rất khác với những tháng qua, khi nền kinh tế vẫn trụ vững bất chấp Fed đã nâng lãi suất mạnh tay và liên tục.

Một cuộc suy thoái kinh tế như vậy sẽ đủ để đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và nhu cầu sụt giảm mạnh. Từ đó, tác động sâu sắc đến lạm phát tại quốc gia này, khiến cho Cục dữ trữ liên bang Mỹ phải nhanh chóng xoay chiều cắt hạ lãi suất cho vay để tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái sâu.

Điều tích cực ở đây chính số tiền khổng lồ Chính phủ Mỹ trợ cấp trong đại dịch covid-19 đã phần nào giúp nền kinh tế Mỹ đứng vững trước Fed. Cùng với đó là lạm phát tại Mỹ giờ đây không còn cứng đầu như thị trường nghĩ, vì với tốc độ giảm liên tục và viễn cảnh tồi tệ nhất đã không xảy ra, tức lạm phát cao mà tiêu dùng suy giảm, tình trạng của những năm 1980 đã không lặp lại. Điều đó giúp cho Fed có thể đảo chiều chính sách bất cứ lúc nào họ nhận thấy nền kinh tế mỹ có dấu hiệu suy thoái. Đồng nghĩa mục tiêu hạ cánh mềm là có thể đạt được.

Mặc dù hiện nay vẫn còn quá sớm để nói tới việc hạ lãi suất, nhưng không phải là không có cơ sở khi lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống còn 3% vào tháng 6 vừa qua, cùng với suy thoái tại Mỹ được dự báo sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm, thị trường kỳ vọng Fed có thể sẽ hạ lãi suất kể từ năm 2024 trở đi, điều đó sẽ hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi tổng cầu của Việt Nam.

Mặc dù vậy trước khi Fed chuyển hướng chính sách, một cơn bão suy thoái nhẹ vẫn có thể sẽ càn quét toàn cầu. Nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đứng vững trước làn sóng này.

Huy Hoàng

Đọc nhiều