86
topics
234

Lộ nhiều sai phạm khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc

06/07/2019 22:33

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra nhiều sai phạm trên nhiều lĩnh vực trong quá trình kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước vừa tổ chức Họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2018 về niên độ ngân sách 2017.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018, đơn vị này kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 23.722 tỷ đồng.

Đồng thời Kiểm toán Nhà nước cũng chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự; đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tại buổi Họp báo.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tại buổi Họp báo.

Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2018, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% so với dự toán, bằng 116,8% thực hiện năm 2016, đạt mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây. Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,6% dự toán giao.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017 gồm: Thu cân đối ngân sách Nhà nước 1.683.045 tỷ đồng; chi cân đối ngân sách Nhà nước 1.681.414 tỷ đồng; bội chi ngân sách Nhà nước 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện.

Về kết quả kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những hạn chế trong một số hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Cụ thể, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng còn bất cập, chưa thống nhất về cơ chế, chính sách cũng như sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện: Hoàn thuế giá trị gia tăng không đúng quy định 183 tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng khi chưa đủ cơ sở xác nhận điều kiện hoàn 902 tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng cho các dự án BT không hình thành tài sản cố định 529 tỷ đồng, hoàn cho dự án đầu tư mở rộng 64 tỷ đồng.

Việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế ven biển chưa phát huy hết hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra; quy hoạch còn mang tính cục bộ, một số dự án không còn phù hợp với quy hoạch, nhiều dự án chậm tiến độ do đó tỉ lệ lấp đầy của các khu kinh tế thấp (chỉ đạt 13%); việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chưa huy động được nhiều từ các nguồn lực xã hội; chính sách ưu đãi đầu tư chưa phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 303 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định Nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu từ; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai… Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Trong khi đó, kết quả kiểm toán 7 dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán.

Kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị. Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng đất có hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng như: Điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất; hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát ngân sách Nhà nước… Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 334 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 Tập đoàn, Tổng công ty và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Kết quả kiểm toán cho thấy 30/31 Tập đoàn, Tổng công ty, công ty Nhà nước được kiểm toán kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, phần lớn các Tập đoàn, Tổng công ty và công ty Nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước 10.896 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn, Tổng công ty không hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể; nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty không đúng quy định, thua lỗ, trong đó hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.

Về hoạt động quản lý tài chính, công nợ, tài sản cố định, hàng tồn kho và chi phí giá thành còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ làm phát sinh nợ khó đòi lớn; hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển, đầu tư tài sản cố định không hiệu quả, hệ số nợ phải trả cao… cá biệt trong giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại 2 ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước được giao rất lớn song chưa được doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ; nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước; tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định.

Ngoài ra, công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ từ khâu lập quy hoạch tổng thể, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế cơ sở đến việc huy động vốn, bố trí vốn chậm, chưa phù hợp tiến độ thực hiện; sử dụng vốn không đúng mục tiêu; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng không đúng quy định; một số dự án phải dừng, giãn tiến độ. Nhiều dự án nghiệm thu, thanh toán, quyết toán còn sai sót về khối lượng, đơn giá và chưa đầy đủ thủ tục, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi, giảm thanh toán 210 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 5.681 tỷ đồng… Đặc biệt, một số dự án của PVN đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, có nguy cơ không đảm bảo cơ cấu vốn được phê duyệt hoặc tiềm ẩn rủi ro phát sinh chi phí, giảm hiệu quả đầu tư…

(Theo Tuổi Trẻ & Pháp Luật)

Đọc nhiều