Lỗ hổng chết người sau làn sóng dịch thứ 3 ở Hong Kong

01/08/2020 20:56

Với hơn 100 ca nhiễm mới chỉ trong 9 ngày, Hong Kong đang đón nhận làn sóng lây lan virus corona mới và đối mặt với nhiều vấn đề.

dot dich moi o hong kong anh 1

Dù giáp ranh với Trung Quốc đại lục, nơi đầu tiên trên thế giới dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Hong Kong ban đầu đã khống chế số ca nhiễm ở mức thấp và không phải ban bố tình trạng phong tỏa khẩn cấp như Trung Quốc đại lục, Mỹ hay các nước châu Âu.

Tuy nhiên, đến nay, Hong Kong đã phải hứng chịu tới ba làn sóng lây nhiễm virus lan nhanh với tốc độ kinh hoàng. Chính quyền Hong Kong đưa ra cảnh báo hệ thống bệnh viện nhiều khả năng bị quá tải sau khi số ca nhiễm mới ở đặc khu hành chính này chạm ngưỡng kỷ lục.

dot dich moi o hong kong anh 2
Hệ thống bệnh viện ở Hong Kong đang trong tình trạng báo động. Ảnh: May Tse.

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hong Kong được ghi nhận vào cuối tháng 1, gây ra hoang mang trên diện rộng, người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa. Nhưng sau đó số ca nhiễm nhanh chóng được khống chế và chính quyền cơ bản kiểm soát được sự lây lan của virus.

Vào tháng 3, làn sóng lây nhiễm Covid-19 một lần nữa ập tới Hong Kong khi du học sinh và Hoa kiều từ nước ngoài đổ về tránh dịch, kéo theo sự gia tăng số ca nhiễm chóng mặt.

Chính quyền sở tại quyết định đóng cửa biên giới đối với những người không cư trú ở Hong Kong. Những người trở về từ nước ngoài sẽ được xét nghiệm và cách ly trong 14 ngày.

dot dich moi o hong kong anh 3
Vòng tay giám sát vị trí của người tự cách ly tại nhà. Ảnh: Willie Siau.

Những người mới nhập cảnh thậm chí còn bị yêu cầu đeo vòng tay giám sát vị trí để đảm bảo với chính quyền rằng họ ở yên tại nhà.

Đồng thời, phần lớn người dân đều đeo khẩu trang và tuân thủ những quy định giãn cách xã hội, giúp Hong Kong trải qua nhiều tuần không có ca nhiễm mới. Cuộc sống nơi đây tưởng chừng như trở lại bình thường.

Nhưng Hong Kong mới đây đã phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm virus thứ ba với tốc độ còn kinh hoàng hơn: trên 100 ca nhiễm mới trong vỏn vẹn 9 ngày.

“Hong Kong đã kiểm soát mọi thứ tương đối tốt, do đó việc một đợt bùng phát mới khiến chúng tôi khá bực bội và không tránh khỏi thất vọng”, giáo sư Malik Peiris, Trưởng khoa Virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết.

Những lỗ hổng chết người

Ông Peiris tin rằng có hai lỗ hổng trong hệ thống phòng và chống dịch của Hong Kong.

Đầu tiên, nhiều người trở về từ nước ngoài chọn tự cách ly tại nhà trong 14 ngày thay vì đến trại cách ly, do đó rất khó để kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt trong vấn đề di chuyển tới những địa điểm khác trong thời gian cách ly.

Tuy nhiên, giáo sư Peiris tin rằng vấn đề nghiêm trọng hơn là chính quyền Hong Kong đã miễn kiểm tra y tế và cách ly với nhiều nhóm người trở về từ nước ngoài.

dot dich moi o hong kong anh 4
Nhiều nhóm đối tượng bao gồm thủy thủ và giám đốc doanh nghiệp được miễn trừ xét nghiệm và cách ly khi trở về Hong Kong. Ảnh: Airport Technology.

Khoảng hơn 200.000 người nhập cảnh vào Hong Kong kể từ khi dịch bùng phát được miễn trừ thủ tục cần thiết để đảm bảo an toàn mùa dịch, bao gồm các thủy thủ và giám đốc những công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Lý do được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động hàng ngày vẫn diễn ra bình thường, hoặc vì sự di chuyển của những đối tượng nói trên đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố, vốn là thương cảng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hóa khu vực.

Bác sĩ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Joseph Tsang cho rằng những trường hợp miễn trừ như trên là “lỗ hổng” đáng quan ngại, làm tăng nguy cơ lây lan virus, đặc biệt là từ những thủy thủ bởi họ từng ghé thăm và lưu trú tại nhiều nơi khác nhau.

Ban đầu, chính quyền Hong Kong cho rằng những trường hợp miễn xét nghiệm và cách ly không phải là nguồn cơn làm bùng phát dịch, song mới đây đã thừa nhận những bằng chứng cho thấy các đối tượng trở về từ nước ngoài không qua khám nghiệm là nguyên nhân gây ra làn sóng mới.

Nhận thức được điều đó, lãnh đạo thành phố đã thắt chặt các quy định về nhập cảnh đối với những phi hành đoàn và thủy thủ trở về từ không phận và vùng biển nước ngoài.

Giáo sư dịch tễ học Benjamin Cowling tại Đại học Hong Kong cho biết những khó khăn mà thành phố đang phải đối mặt cũng tương tự những gì mà nhiều quốc gia đang trải qua.

“Ở Anh, người ta cũng có quyền lựa chọn cách ly tại nhà trong 14 ngày, do đó vấn đề kiểm soát lỏng lẻo và rò rỉ nguồn virus cũng không khác gì tình hình ở Hong Kong”, ông Cowling nói.

Thậm chí, chính phủ Anh cũng có chính sách miễn trừ kiểm tra y tế và cách ly cho một số nhóm đối tượng nhất định, giống chính sách mà Hong Kong áp dụng thời điểm dịch mới bùng phát.

Tuy nhiên, chính sách nói trên đã tồn tại ở Hong Kong trong nhiều tháng của nửa đầu 2020 song mãi đến tháng 7, đợt bùng phát dịch thứ ba mới diễn ra tại đặc khu hành chính này.

Giáo sư Peiris cho rằng vẫn còn lỗ hổng chí mạng khác gây ra tình trạng trên: các quy định giãn cách xã hội hầu như đều bị dỡ bỏ kể từ tháng 6.

“Khi tình trạng giãn cách xã hội vẫn còn được áp dụng, hệ thống phòng dịch cơ bản có thể đối phó được với tình trạng lây lan cộng đồng, nhưng một khi các quy định nói trên bị dỡ bỏ”, các ca nhiễm mới sẽ tăng nhanh không kiểm soát, ông Peiris nói. “Đây là bài học cho tất cả chúng ta”.

Tiến sĩ Tsang nhắc lại thời điểm cuối tháng 6, khi chính quyền Hong Kong cho phép các buổi tụ họp trên 50 người diễn ra để chào mừng Ngày của cha và Lễ kỉ niệm 23 năm ngày Hong Kong được bàn giao lại từ Anh.

dot dich moi o hong kong anh 6
Lễ kỷ niệm 23 năm Anh bàn giao lại Hong Kong. Ảnh: AFP.

“Nhiều người chán ngấy cảnh đìu hiu trong nhiều tháng cách ly xã hội, vì vậy khi chính quyền thông báo mọi thứ có vẻ đã ổn và nới lỏng các quy định, họ bắt đầu tổ chức các buổi họp mặt bạn bè và gia đình”, tiến sĩ Tsang nói. “Tôi nghĩ tình hình này là một sự không may và khá đáng tiếc, khi nhiều yếu tố cộng dồn lại cùng một lúc”.

Tuy nhiên, giáo sư Peiris nhấn mạnh rằng Hong Kong đã “tuân thủ nghiêm ngặt” các biện pháp đảm bảo vệ sinh trên diện rộng trong hai đợt bùng phát dịch trước đó. “Người dân thậm chí còn đeo khẩu trang trước cả khi chính phủ khuyến cáo”.

Ông tin rằng tái áp dụng quy định giãn cách xã hội sẽ đem lại hiệu quả trong việc khống chế tình hình hiện tại, đưa Hong Kong trở về trạng thái có ít ca nhiễm trong bốn đến sáu tuần tới.

Giáo sư Peiris nói thêm rằng một khi đã cơ bản khống chế được dịch, thách thức mà Hong Kong phải đối mặt sẽ là nguồn lây nhiễm đến từ những người nhập cảnh trở về từ nước ngoài.

Đây đồng thời là thách thức mà nhiều quốc gia khác phải đối mặt trong giai đoạn khống chế virus bên trong lãnh thổ của mình, vì theo ông Peiris, “khi mức độ lây lan trong cộng đồng giảm xuống, việc tái nhập cảnh không kiểm soát hoàn toàn có thể dẫn đến thảm họa”.

Đợt bùng phát dịch mới và vấn đề bầu cử

Nhiều người dự đoán làn sóng lây nhiễm virus thứ ba sẽ làm đình trệ cuộc bầu cử Nghị viện Hong Kong, dự kiến diễn ra vào tháng 9. Chính quyền Hong Kong đã thông báo hoãn cuộc bầu cử này.

Các chính trị gia thuộc đảng đối lập cáo buộc Đảng Dân tiến cầm quyền sử dụng tình hình dịch bệnh làm con bài chính trị, trì hoãn cuộc bầu cử trong bối cảnh Quốc dân đảng chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử địa phương vào cuối 2019.

Tuy nhiên, việc hoãn bầu cử cũng được nhiều người hoan nghênh, đơn cử như cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp Jasper Tsang. “Chính quyền sẽ không khỏi bị chỉ trích nếu các điểm bầu cử làm lây lan virus”, ông Tsang nói. “Cử tri cũng gần như không thể thực hiện bỏ phiếu trong tình trạng cách ly xã hội được”.

dot dich moi o hong kong anh 7
Cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp Hong Kong, ông Jasper Tsang. Ảnh: Hong Kong Free Press.

Giáo sư Cowling cho rằng các quy định giãn cách xã hội được chính phủ tái áp dụng đã giúp giảm số ca nhiễm mới trong tuần qua, do đó vấn đề hoãn bầu cử nên được cân nhắc.

“Tôi không chắc liệu việc hoãn cuộc bầu cử có cần thiết hay không, nhưng chắc chắn là không thể hoãn trong một năm được. Có thể là hai tuần hoặc một tháng, khi mà số ca nhiễm gần như trở về 0”, ông Cowling nói.

Các quốc gia trên thế giới có những cách tiếp cận rất khác nhau trong vấn đề này. Theo Viện quốc tế về dân chủ và hỗ trợ bầu cử (IDEA), ít nhất 68 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoãn bầu cử do Covid-19 và 49 địa điểm tiến hành bầu cử theo kế hoạch.

(Theo BBC)

Đọc nhiều