128036
category
469182

Lộ diện người điều hành Công ty Nhật Cường chi nhánh ở Trung Quốc

26/01/2021 13:57

Trong vụ án Nhật Cường, nhà chức trách xác định, Bùi Quang Huy – Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đã thành lập một chi nhánh ở Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm tiếp nhận hàng hóa từ Hồng Kông về rồi đưa vào Việt Nam.

Chi nhánh ở Trung Quốc đã hoạt động thế nào?

Trần Tất Khoa (SN 1981, Thanh Hóa) và Lê Hoài Phương (SN 1987, Tiền Giang) được Bùi Quang Huy thuê làm việc tại Công ty Nhật Cường Quảng Châu, là chi nhánh của Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 2015.

Trần Tất Khoa làm Giám đốc, Lê Hoài Phương là nhân viên của công ty này.

Đến cuối năm 2018, Công ty Nhật Cường Quảng Châu dừng hoạt động, Khoa, Phương về Việt Nam làm việc tại Công ty Nhật Cường.

Lộ diện người điều hành Công ty Nhật Cường chi nhánh ở Trung Quốc - Ảnh 1.
Bùi Quang Huy trong quá trình kinh doanh đã thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu, đặt tại Trung Quốc để phục vụ việc tuồn hàng lậu vào Việt Nam. (Ảnh: Phạm Dự/VNE)

Tài liệu điều tra xác định, trong thời gian làm tại Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Bùi Quang Huy chỉ đạo Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương thực hiện việc tiếp nhận hàng hóa, chủ yếu là mặt hàng điện thoại di động các loại, máy tính bảng từ Hồng Kông, do đường dây vận chuyển Tiến Lokchum vận chuyển từ Hồng Kông giao cho Công ty Nhật Cường Quảng Châu.

Toàn bộ hàng hóa tiếp nhận đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Sau khi tiếp nhận, Khoa, Phương cùng Đàm Văn Hiệp (đã chết) thực hiện nhiệm vụ kiểm đếm, đóng thùng, gửi hàng về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường.

Tại Cơ quan điều tra, Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương xác định, do hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ nên không tiến hành làm thủ tục khai báo hải quan để nhập khẩu, mà thực hiện việc gửi hàng theo đường bộ. Cụ thể, từ Bằng Tường (Trung Quốc) về Lạng Sơn, và từ Đông Hưng (Trung Quốc) về Móng Cái.

Lộ diện người điều hành Công ty Nhật Cường chi nhánh ở Trung Quốc - Ảnh 2.
Cơ quan công an đã thu giữ tại các cửa hàng của Công ty Nhật Cường hơn 1900 sản phẩm các loại, trong đó 355 sản phẩm được xác định có nguồn gốc nhập khẩu không VAT (hàng nhập lậu). (Ảnh: VNE)

Đồng thời số lượng hàng hóa lớn, không thể vận chuyển qua biên giới với lượng lơn nên phải chia nhỏ thành nhiều chuyến.

Căn cứ dữ liệu trích xuất trên hệ thống phần mềm ERP, Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương xác nhận từ tháng 11/2015 đến tháng 12/2017, theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy, Khoa, Phương đã tham gia kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường 33.129 sản phẩm.

Các sản phẩm này gồm điện thoại di động các loại, máy tính bảng,… với tổng giá trị hơn 447 tỷ đồng.

Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương bị quy kết phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, là người giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu 33.129 sản phẩm, với tổng giá trị như trên.

b

Cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 15 bị can trong vụ Nhật Cường Mobile thể hiện, Nông Văn Lư – lái xe Công ty Nhật Cường được Bùi Quang Huy thuê từ tháng 1/2014.

Quá trình làm việc, Nông Văn Lư biết Công ty Nhật Cường kinh doanh nhập khẩu các mặt hàng điện thoại, máy tính bảng và các phụ kiện điện tử khác từ nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Từ năm 2014 đến tháng 5/2019, thực hiện chỉ đạo của Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, Lư thực hiện nhận hàng hóa từ 6 đường dây vận chuyển SH, Hùng HP, SRV, Việt LS, Hằng LS, Hưng ĐA tổng số 254.109 sản phẩm, tổng trị giá hơn 2.900 tỷ đồng.

Sau khi nhận hàng này, Lư đưa về kho của Công ty Nhật Cường. Toàn bộ số hàng hóa trên khi nhận đều không có hóa đơn, chứng từ, được vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, Nông Văn Lư nhận tiền từ quỹ của Công ty Nhật Cường để trả tiền công vận chuyển.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, Lư phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm là người giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu hơn 254 nghìn sản phẩm.

(Theo DV)

Đọc nhiều