Lộ diện đối thủ đáng gờm của xe tăng TQ ở Ladakh: Ấn Độ có quyết định táo bạo

10/10/2020 15:26

Việc Trung Quốc đưa xe tăng hạng nhẹ Type 15 lên biên giới tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với Ấn Độ, New Delhi không còn cách nào khác là tìm tới sự trợ giúp của người Nga.

Theo tờ Economic Times, Ấn Độ đang đàm phán với Nga về việc mua số lượng đáng kể pháo tự hành chống tăng 2S25 Sprut-SD, tuy nhiên có một vấn đề là New Delhi quyết định mua biến thể Sprut-SDM1 của 2S25 trong khi nó chưa hoàn thành các bài kiểm tra cấp nhà nước của Bộ Quốc phòng Nga.

Dựa trên nhận định của một số nhà phân tích, quyết định có phần hơi vội vàng của New Delhi trong hợp đồng Sprut-SDM1 có liên quan đến căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc xung quanh tranh chấp Ladakh.

Trước đó, vào giữa tháng 6, xung đột ở Ladakh có dấu hiệu nóng trở lại liên tiếp xảy ra các cuộc đụng độ giữa binh sĩ Trung – Ấn gần đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh. Kết quả đã có ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong sự kiện này. Cả New Delhi và Bắc Kinh sau đó đều đặt lực lượng ở biên giới trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Lộ diện đối thủ đáng gờm của xe tăng Trung Quốc ở Ladakh: Ấn Độ có quyết định táo bạo - Ảnh 1.
Pháo tự hành chống tăng 2S25 Sprut-SDM1 của Nga. Ảnh: Military Review.

Bên cạnh hoạt động điều thêm quân lên biên giới, Trung – Ấn cũng bắt đầu có màn hô diễn sức mạnh quân sự bằng cách đưa các loại vũ khí mạnh nhất mà họ có đến gần khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, phía Trung Quốc có phần áp đảo hơn khi nhanh chóng bố trí xong lực lượng giáp LAC, đặc biệt là việc triển khai một lượng lớn xe tăng đến khu vực chỉ trong thời gian ngắn.

Cụ thể, ngay sau khi tình hình có dấu hiệu leo thang, Quân đội Trung Quốc đã cấp tốc đưa các đơn vị xe tăng hạng nhẹ Type 15 của họ đến Ladakh và một số điểm cao gần LAC. Phía Ấn Độ cũng có hành động tương tự khi điều động xe tăng T-72M1″Ajeya” và T-90S “Bhishma” lên biên giới nhưng quá trình này diễn ra khá chậm.

Theo tờ Svpressa của Nga mặc dù xe tăng T-90S của Ấn Độ có thể “vua” dưới đồng bằng nhưng khi tác chiến trong môi trường rừng núi, lợi thế về hỏa lực hay giáp của nó không hơn các dòng xe tăng hạng nhẹ như Type 15 của Trung Quốc là bao.

Theo truyền thông Trung Quốc, góc nâng hạ nòng lớn là một trong những ưu điểm của Type 15 so với T-90S khi tác chiến trên các vùng núi cao hiểm trở, đó là còn chưa kể tới việc trọng lượng xe tăng Trung Quốc cũng nhẹ hơn và được trang bị động cơ diesel 1.000 mã lực mạnh mẽ cho phép nó cơ động trên nhiều loại địa hình.

Dĩ nhiên, Type 15 cũng đó những điểm yếu nhất định như chỉ được trang bị pháo nòng trơn 105mm hay hệ thống giáp bảo vệ chưa thực sự hoàn thiện.

Svpressa nhận định sự xuất hiện của Type 15 ở Ladakh sẽ gây ra không ít khó khăn cho Ấn Độ, do đó New Delhi buộc phải tìm một phương tiện chiến đấu bọc thép tương đương để đối phó bởi họ hiểu rằng T-72M1 hay T-90S chỉ là giải pháp tình thế. Pháo tự hành chống tăng Sprut-SDM1 được xem là “cứu tinh” của Quân đội Ấn Độ lúc này.

Lộ diện đối thủ đáng gờm của xe tăng Trung Quốc ở Ladakh: Ấn Độ có quyết định táo bạo - Ảnh 2.
Xe tăng hạn nhẹ Type 15 của Trung Quốc. Ảnh: Military Review.

Tuy nhiên, dù cho hợp đồng Sprut-SDM1 diễn ra suôn sẻ thì phải mất ít nhất 2 năm nữa Ấn Độ mới có thể đưa vào biên chế các đơn vị 2S25 đầu tiên.

2S25 Sprut-SD hay Sprut-SDM1 là một phương tiện chiến đấu bọc thép được Quân đội Nga phát triển cho lực lượng đổ bộ đường không, mặc dù nó sở hữu sức mạnh như một chiếc xe tăng thực thụ nhưng người Nga vẫn xếp nó vào hàng pháo tự hành chống tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng Sprut-SD là một chiếc xe tăng “bay” và mảnh ghép còn thiếu của lực lượng Đổ bộ Đường không Nga bên cạnh dòng xe chiến đấu bộ binh BMD. Ngoài khả năng cơ động cao trên nhiều loại địa hình, Sprut-SD còn có thể lội nước.  Dù vậy, để có được khả năng cơ động các nhà thiết kế tạo nên Sprut-SD đã tối giản hệ thống giáp bảo vệ của xe. Giáp của 2S25 chỉ chống được các loại đạn dưới 20mm hoặc mảnh văng.

Khả năng cơ động chưa phải là ưu điểm lớn nhất của Sprut-SD mà là pháo chính 125mm mang đến cho nó sức mạnh không hề thua kém các dòng xe chiến đấu chủ lực như T-72 và T-90. Ngoài các loại đạn pháo 125mm thông dụng, Sprut-SD còn có thể bắn cả tên lửa chống tăng dẫn đường qua nòng pháo.

Sức mạnh hỏa lực được xem là yếu tố then chốt giúp Sprut-SD có thể sống sót trên chiến trương khi nó hoàn toàn có thể tiêu diệt mục tiêu trước khi bị phát hiện, với các loại đạn pháo 125mm thông dụng tầm bắn của nó có thể lên đến 4.000m, trong khi đó với tên lửa chống tăng là từ 5.000-6.000m. Trong khi đó, pháo 105mm của Type tầm bắn tối đa chỉ từ 2.000-2.500m.

Như chúng ta có thấy, nếu có được pháo tự hành Sprut-SDM1, sức mạnh của lực lượng thiết giáp Ấn Độ sẽ được tăng cường đáng kể đồng thời cũng giúp New Delhi giải được bài toán về việc bổ sung các đơn vị xe tăng lên khu vực biên giới phía Bắc.

Trà Khánh/TTT

Đọc nhiều