Lô đất vàng ở Thủ Thiêm sẽ ra sao khi Tân Hoàng Minh ‘bỏ chạy’?

12/01/2022 08:36

Cùng với đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh chấp nhận chịu mọi chế tài theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản công. 

Chiều 11-1, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xác nhận ông Đỗ Anh Dũng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã gửi “tâm thư” xin chấm dứt hợp đồng mua lô đất đấu giá thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong tâm thư đề ngày 10-1 gửi đến Tổng bí thư và các lãnh đạo cao cấp ở trung ương và TP.HCM, ông Đỗ Anh Dũng đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật.

Xin thôi vì “hệ lụy không tốt”

Thư giải thích việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là nhằm “bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên…”. Đồng thời ông Dũng cũng gửi đến Tổng bí thư và lãnh đạo cao cấp lời xin lỗi “chân thành nhất”.

Trong thư ông Dũng khẳng định sau khi đấu giá trúng, ông và tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua.

Ông Đỗ Anh Dũng đứng lên trả giá lô đất Thủ Thiêm tại phiên đấu giá hôm 10/12 ở TP HCM.

Một chuyên gia về tài chính tại TP.HCM cho rằng khi theo dõi và xâu chuỗi các thông tin thời sự gần đây, nhiều người cũng nghĩ sẽ có kết cục như hôm nay. “Cú bẻ lái” này thật ra cũng tốt cho thị trường bất động sản.

“Sau vụ này, có thể giá nhà, đất ở khu vực Thủ Đức sẽ dịu lại và trở về mức giá thực tế hơn. Các khu vực khác trên địa bàn TP.HCM cũng theo đà đó mà giảm xuống trừ những huyện đang có đề án trở thành thành phố hoặc quận”, vị chuyên gia tài chính cho biết.

Sắp tới ra sao?

Một chuyên viên tư pháp tại TP.HCM cho biết nếu Tân Hoàng Minh thực sự có thư gửi đến UBND TP thì có khả năng UBND TP sẽ giao cho các cơ quan liên quan xem xét xử lý vụ việc.

Lúc đó các bên đã ký tên trong hợp đồng sẽ làm việc với nhau để xác định ý chí của doanh nghiệp trúng đấu giá về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Khi đã xác định xong thì số tiền đặt trước của người đấu giá sẽ đương nhiên bị sung công quỹ chứ không chờ đến 180 ngày như trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Nếu Tân Hoàng Minh hủy hợp đồng tại thời điểm này, lô đất vẫn là đất công thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Vị chuyên gia tư pháp cho biết trường hợp này không áp dụng quy định đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ được mời mua tài sản đấu giá bởi phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá.

Lô đất 3-12, có diện tích 10.059,7m2, thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức trúng đấu giá là 24.500 tỉ đồng.

“Việc đơn vị trả giá cao thứ hai được mua tài sản đấu giá chỉ áp dụng khi đơn vị trúng đấu giá từ chối mua ngay sau khi trúng đấu giá kèm theo điều kiện giá được trả cao thứ hai cộng với số tiền đặt cọc đấu giá bằng hoặc cao hơn giá mà đơn vị trúng đấu giá vừa từ chối”, vị chuyên gia giải thích.

Về quyền sử dụng lô đất 3-12 nếu Tân Hoàng Minh bỏ cọc, theo Điều 73 Luật Đấu giá tài sản, các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, quyền sử dụng lô đất sẽ được trao trả về Trung tâm Quỹ đất TP HCM. Doanh nghiệp trả giá cao thứ hai – Công ty Capital One Financial – cũng không được xem là đơn vị trúng giá. Theo Điều 51 luật này, Capital One Financial chỉ được công nhận trúng giá nếu ông Đỗ Anh Dũng từ chối kết quả ngay tại buổi đấu giá, sau khi đấu giá viên công bố Công ty Ngôi Sao Việt thắng cuộc. Ngoài ra, giá của Capital One Financial trả trong lần thứ 69 cộng với khoản tiền đặt trước là 24.388,5 tỷ đồng – vẫn chưa bằng giá đã trả của Tân Hoàng Minh, chưa khớp quy định. Chưa kể, luật còn nêu rõ người trả giá liền kề phải chấp nhận mua tài sản đấu giá thì mới được xét “tiếp quản” lô đất 3-12

Như vậy nếu như Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) từ chối mua tài sản đấu giá ngay tại phiên đấu giá thì cũng không thể mời đơn vị thứ 2 mua tài sản đấu giá bởi giá mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá cao hơn lần trả giá trước đó đến 700 tỉ đồng, trong khi số tiền đặt cọc để đấu giá quyền sử dụng lô đất 3-12 chỉ gần 600 tỉ đồng.

3 lô còn lại như thế nào?

Đối với các lô đất còn lại trong đợt bán đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm ngày 10-12 vừa qua (lô 3-5, 3-8 và 3-9), các thủ tục xử lý sau khi trúng đấu giá vẫn diễn ra bình thường theo quy định.

Vì 4 lô đất được đấu giá cùng ngày nhưng trong 4 phiên khác nhau, có 4 hợp đồng được ký độc lập, những quyết định công nhận kết quả đấu giá và thông báo nghĩa vụ tài chính của cơ quan chức năng cũng riêng biệt nên việc một lô đất bị hủy hợp đồng mua tài sản đấu giá không ảnh hưởng đến những lô đất khác.

Vào ngày 6-1, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho các công ty trúng đấu giá 4 lô đất trong các phiên đấu giá ngày 10-12-2021. Đến nay, các công ty đều đã ký nhận thông báo nghĩa vụ tài chính (kể cả doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3-12).

Dung Hà 

Đọc nhiều