Lộ danh sách tài sản Phổ Nghi để lại cho vợ khi qua đời
Sau khi danh sách liệt kê số tài sản mà Phổ Nghi để lại cho vợ được công bố, nhiều người đã rất ngạc nhiên.
Phổ Nghi là hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc. Ông cũng là người chứng kiến sự sụp đổ của xã hội phong kiến xưa. Không chỉ gặp sóng gió trên con đường chính trị mà ngay cả tình duyên, Phổ Nghi cũng lận đận không kém.
Phổ Nghi có tới 5 người vợ nhưng 4 người đầu tiên không qua đời thì cũng ly hôn ông. Mãi cho tới năm 1959, dưới sự sắp xếp của người bạn, Phổ Nghi gặp và cưới bà Lý Thục Hiền, một y tá đã có 1 lần hôn nhân thất bại. Hai người chung sống với nhau cho tới khi Phổ Nghi qua đời.
Hai vợ chồng Phổ Nghi trải qua cuộc sống bình dị bên nhau. Dù trước đó làm hoàng đế, Phổ Nghi được ăn sung mặc sướng, không phải lo nghĩ nhưng khi trở thành người thường ông cũng phải trải qua những ngày tháng làm công ăn lương. Nhờ bạn bè giúp đỡ, Phổ Nghi tìm được 1 công việc khá tốt. Mức lương 1 tháng lao động miệt mài mà ông nhận được là khoảng 60 NDT (hơn 250 nghìn VND).
Vào thời điểm đó, mức lương của Phổ Nghi so với những người lao động khác chỉ được khoảng 30 – 40 NDT/ tháng là khá cao. Tuy nhiên, ngày 17 tháng 10 năm 1967, Phổ Nghi qua đời hưởng thọ 61 tuổi. Số tài sản ông để lại cho người vợ Lý Thục Hiền vỏn vẹn có 1 bức thư dài tới 10.000 chữ, 1 tủ quần áo lớn và 1 NDT (khoảng 3.500 VND). Nhiều người sau khi biết được thông tin này đều ngạc nhiên thốt lên rằng: “Điều này là không thể”.
Bởi họ cho rằng Phổ Nghi khi còn ngồi trên ngai vàng lẫn khi thoái vị đều có 1 cuộc sống đầy đủ, sung túc. Thậm chí, khi bị yêu cầu rời khỏi Tử Cấm Thành, Phổ Nghi đã lấy đi rất nhiều bảo vật trong cung. Vì thế, ai cũng cho rằng người vợ của Phổ Nghi sẽ được thừa kế ít nhiều trong phần tài sản của ông. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi”, Phổ Nghi cho biết những món đồ này đã bị quân Nhật cướp và một số thất lạc không rõ.
Trên thực tế, ngoài những đồ vật kể trên, Phổ Nghi còn để lại cho vợ cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi”. Cuốn hồi ký này ban đầu chỉ là những câu chuyện rời rạc do Phổ Nghi kể lại và không có bằng chứng lịch sử. Trưởng bộ phận Biên tập của Nhà Xuất bản Quần chúng, Lý Văn Đạt đã thay Phổ Nghi chấp bút cho cuốn tự truyện này. Lý Văn Đạt đã tìm tới các nhân chứng để bổ sung những chỗ thiếu hụt của cuốn sách.
Có thể thấy, công sức của Lý Văn Đạt dành cho cuốn “Nửa đời trước của tôi” là rất lớn nhưng tác giả của cuốn sách chỉ có Phổ Nghi. Tới năm 1984, một đạo diễn người Italia, Bernardo Bertolucci muốn quay bộ phim về cuộc đời của Phổ Nghi dưới cái tên “Hoàng đế cuối cùng” (The Last Emperor). Lý Văn Đạt dù chưa nói cho Lý Thục Hiền đã quyết định giao bản quyền cuốn sách cho vị đạo diễn nọ. Lý Thục Hiền sau khi biết chuyện đã vô cùng tức giận liền đệ đơn kiện Lý Văn Đạt.
Vụ kiện này đã kéo dài tới 10 năm mới có phán xét cuối cùng của toà, toà án phán quyết rằng tác giả duy nhất của cuốn hồi ký là Phổ Nghi và bà Lý Thục Hiền là người thừa kế bản quyền cuốn sách này. Đáng tiếc, khi phán quyết của toà án được ban hành, Lý Văn Đạt đã qua đời. Sau đó 1 năm, Lý Thục Hiền cũng qua đời nên dù số tiền bản quyền từ cuốn sách Phổ Nghi để lại lên tới 1 triệu NDT (hơn 3,5 tỷ VND) nhưng bà đã không có cơ hội để hưởng.
Khai Tâm