Lính Ấn bám trụ ở biên giới với Trung Quốc được dân làng tiếp tế

21/09/2020 18:16

Người dân ở làng Chushul băng qua đồi núi hoang vắng ở vùng Ladakh để chuyển đồ tiếp tế cho lính Ấn Độ. Họ muốn các binh sĩ trụ vững tại các điểm dọc biên giới với Trung Quốc vào mùa đông khi nhiệt độ xuống tới âm 40 độ C.

Với những chiếc túi vải nhồi nhét đủ thứ, những bao gạo, những thùng nhiên liệu nặng trĩu, những thùng nước… và những cây tre được buộc vào lưng mình, người dân tại một ngôi làng ở vùng Ladakh giáp biên giới với Trung Quốc lê bước lên một đỉnh núi trên dãy Himalaya được biết đến với tên gọi “Black Top” (Đỉnh đen), nơi hàng trăm chiếc lều của quân đội Ấn Độ được dựng lên trên đường chân trời.

Lính Ấn bám trụ ở biên giới với Trung Quốc được dân làng tiếp tế - Ảnh 1.
Dân làng Chushul mang nước và các đồ tiếp tế khác cho binh sĩ Ấn Độ dọc biên giới với Trung Quốc – Ảnh: Hindustan Times/Facebook

Đó là câu chuyện của những dân làng tại làng Chushul của Ấn Độ được báo The Guardian chia sẻ ngày 20-9. Ở độ cao khoảng 4.500m, những dân làng này, cả đàn ông và phụ nữ, đang tiếp tế cho các binh sĩ Ấn Độ khi đối diện với lính Trung Quốc trên dãy Himalaya.

Trong những tháng mùa đông sắp tới, nhiệt độ tại đây sẽ rơi xuống mức âm 40 độ C. Dân làng sợ rằng nếu họ không giúp các binh sĩ củng cố vị trí dọc các khu vực giáp với Trung Quốc, ngôi làng của họ có thể sớm nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn giúp quân đội Ấn Độ bảo vệ các vị trí của họ ngay lập tức. Chúng tôi mang nhiều đồ đạc cho họ và làm như thế nhiều lần trong một ngày để đảm bảo họ không đối diện quá nhiều vấn đề”, Tsering, một tình nguyện viên 28 tuổi đến từ làng Chushul, chia sẻ.

Làng Chushul, gồm khoảng 150 hộ gia đình, là một trong những ngôi làng nằm gần nhất với biên giới Trung – Ấn ở đông Ladakh. Kể từ tháng 5, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục đối đầu căng thẳng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) vốn được xem như biên giới giữa hai nước.

Hồi tháng 6, tình hình leo thang lên mức bạo lực khi binh sĩ hai bên có cuộc đụng độ chết chóc ở thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ chết chóc lần đầu tiên ở biên giới hai nước kể từ năm 1975.

Lính Ấn bám trụ ở biên giới với Trung Quốc được dân làng tiếp tế - Ảnh 2.
Binh sĩ Ấn Độ bước xuống một máy bay vận tải quân sự tại một căn cứ không quân ở Leh, vùng Ladakh – Ảnh: REUTERS

Hôm 29-8, cách làng Chushul chỉ vài cây số, một cuộc đối đầu khác đã nổ ra giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ. Không có thương vong trong vụ việc, nhưng những phát súng đã nổ ra lần đầu tiên trong 45 năm tại đây.

Tại một cuộc gặp ở Matxcơva (Nga) hôm 11-9, bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung đồng ý rút quân càng sớm càng tốt dọc biên giới. Trước đó, hai bên đã tổ chức ít nhất 5 vòng đàm phán quân sự cấp cao nhưng không có kết quả gì đáng chú ý. Cả hai bên tiếp tục cáo buộc bên còn lại vi phạm chủ quyền.

Tuy nhiên, theo dân làng Chushul, có ít bằng chứng cho thấy việc rút quân trên thực địa của hai bên. Về phía Ấn Độ, các xe quân sự vẫn tiếp tục chuyển đạn dược và các vật tư cho binh sĩ đóng quân dọc biên giới.

“Rõ ràng cả hai bên lên kế hoạch ở lại đó trong mùa đông. Họ dường như dự đoán rằng sẽ không có kết quả về ngoại giao”, Manoj Joshi, một chuyên gia an ninh tại Quỹ nghiên cứu người quan sát (ORF) ở Ấn Độ, bình luận.

Tuần trước, dân làng Chushul vẫn tiếp tục các nỗ lực không ngừng nghỉ của họ để mang các vật tư cho binh sĩ trên Đỉnh Đen. Họ lo ngại trong 5 tháng tới cả khu vực bị cô lập do bị tuyết bao phủ và xảy ra sạt lở.

“Khu vực xảy ra vụ đối đầu gần đây vẫn chưa có một con đường để đi, huống gì là cơ sở hạ tầng. Vậy thì quân đội sẽ được tiếp tế ra sao đây?”, Tsering không khỏi lo lắng.

BÌNH AN/TT

Đọc nhiều