Liệu Trung Quốc và Mỹ có thực sự “phá băng” quan hệ ngoại giao?
Những chuyến thăm cấp cao gần đây của Trung Quốc và Mỹ phần nào cải thiện quan hệ ngoại giao sau thời gian dài “đóng băng”. Tuy nhiên, việc hai nước có thực sự hợp tác với nhau vẫn chưa có câu trả lời.
Quan hệ Trung – Mỹ còn nhiều thách thức
Vừa qua sự kiện ba quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc phần nào cải thiện quan hệ của hai cường quốc sau nhiều tháng “đóng băng”. Đây là một phần trong nỗ lực đảm bảo quan hệ Trung – Mỹ trước bối cảnh căng thẳng kéo dài trên mọi mặt.
Trước đó, đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Ukraine và căng thẳng về thương mại, công nghệ, nhân quyền khiến quan hệ Trung – Mỹ ngày càng rạn nứt. Đặc biệt, sự kiện quả bóng do thám của Trung Quốc bị bắn hạ ở Hoa Kỳ vào đầu năm 2023 đã đẩy quan hệ hai nước dường như vào ngõ cụt.
Dù các chuyến thăm tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đặc phái viên về khí hậu John Kerry được đánh giá là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quan hệ Trung – Mỹ vẫn còn nhiều thách thức, khó dự báo.
Bởi lẽ, hai cường quốc kinh tế không những đang mắc kẹt trong thách thức cũ như vấn đề eo biển Đài Loan, Biển Đông, mà còn căng thẳng ở lĩnh vực mới như công nghệ. Đồng thời chiến lược phát triển mỗi bên không có sự kết nối. Nhìn chung, Trung – Mỹ vẫn là hai đường thẳng song song cùng đến một điểm đích.
Đặc biệt, các chuyến thăm gần đây chỉ kết thúc với cam kết tiếp tục liên lạc chứ không có thỏa thuận cụ thể. Hơn thế nữa, việc hai cường quốc thế giới có thể hợp tác với nhau trong các vấn đề toàn cầu hay không vẫn chưa có lời giải.
Theo ông Lucio Blanco Pitlo III – chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Trung – Mỹ chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau nên các cuộc gặp cấp bộ trưởng khó có thể giải quyết được. “Những vấn đề chính trị trong nước cũng như xung đột về lợi ích chiến lược sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực cải thiện quan hệ Trung – Mỹ”, chuyên gia Pitlo nói.
Quá trình “phá băng” quan hệ Trung – Mỹ gặp nhiều khó khăn
Sau những căng thẳng và bất đồng gay gắt, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung Quốc – Mỹ cho biết, cả hai bên đều không sẵn sàng thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào để đạt được tiếng nói chung, đặt nền tảng cho mối quan hệ ngoại giao. “Cả hai đều cho rằng họ không nhận được phản hồi tích cực nào từ phía bên kia” ông nói thêm.
Nếu như Bắc Kinh coi Washington muốn ngăn chặn sự phát triển và trỗi dậy toàn cầu của họ. Thì ngược lại, Washington tuyên bố rằng cần phải bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự thế giới trước một Trung Quốc ngày càng độc tài, quyết đoán.
Cũng theo bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, chính sách của Mỹ đưa ra chỉ “thực hiện các hành động an ninh quốc gia có mục tiêu” chứ không tìm cách “đạt được lợi thế kinh tế” trước Trung Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc lại nhìn nhận sự việc theo cách khác. Trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ hồi đầu tháng 7, ông nói: “Việc mở rộng quá mức khái niệm an ninh sẽ gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia và thế giới.”
Cuối năm 2022, khi Hoa Kỳ bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip đối với Trung Quốc vì lý do an ninh, nhiều chuyên gia đã cảnh báo chính sách đó có thể gây tác dụng ngược. Thực tế cho thấy, chỉ sau khi sự kiện này xảy ra, Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của riêng mình.
Đây chỉ là một phần nhỏ trong “hàng trăm” mâu thuẫn về lợi ích của cả hai bên. Trong đó, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đối với các thực thể Trung Quốc; thuế quan thương mại thời Trump; các hoạt động quân sự ở Biển Đông và quan hệ với hòn đảo dân chủ Đài Loan, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng chưa bao giờ kiểm soát.
Các chuyên gia cho rằng quan hệ Trung – Mỹ có thể dần tan băng sau những chuyến thăm cấp cao gần đây. Song chưa thể khôi phục hoàn toàn, bởi thái độ mạnh mẽ, thậm chí cứng rắn về vấn đề thương mại với Trung Quốc vẫn phổ biến trong giới chính trị Mỹ, kể từ thời tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng ngày càng kiên quyết với lập trường của mình trong cuộc cạnh tranh với Washington.
Ngay cả việc khôi phục đối thoại quân sự cấp cao giữa hai cường quốc cũng gặp bế tắc. Phía Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Hoa Kỳ khôi phục các mối quan hệ. Đồng thời nói rằng nước này nên dỡ bỏ “các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp” để tạo điều kiện thuận lợi cho hội thoại.
Huyền Trang