Liệu Trung Quốc có cần học hỏi sau chiến thắng của Việt Nam?

Huyền Trang 26/08/2022 11:39

Nền kinh tế TP.HCM hồi sinh, bình thường trở lại sau thời gian đóng băng vì dịch Covid-19 trong khi các mối đe dọa, phá vỡ kinh tế Trung Quốc vẫn rình rập ông Tập Cận Bình. Liệu Trung Quốc có cần học hỏi sự nhanh nhạy như Việt Nam trong việc giúp đất nước “sống chung với Covid”, cứu sống kinh tế, theo Bloomberg. 

Nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn do chính sách “Zero Covid”.

Theo Bloomberg, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm chung: Nền kinh tế, đường lối chính trị, những nét tương đồng về văn hóa. Và cả việc theo đuổi “Zero Covid” từ lúc dịch bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán vào những ngày đầu năm 2020.

Hơn nữa, cả Việt Nam và Trung Quốc đều mong muốn phát triển vaccine ngừa Covid-19 của riêng mình. Khi Nanocovax của Việt Nam bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tháng 6 năm 2021, chỉ có 1,5% trong số 98 triệu dân số được tiêm ít nhất một mũi tiêm. Khi tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, Việt Nam đã nhanh chóng cấp phép sử dụng các loại vaccine phòng Covid-19 từ AstraZeneca Plc, Pfizer Inc. cho đến Sinopharm Beijing của Trung Quốc để bảo vệ sức khỏe người dân.

Kết quả, với việc sử dụng các loại vaccine hiệu quả hơn để bảo vệ dân số, Việt Nam đã có thể mở cửa biên giới trở lại vào giữa tháng 3/2022, trở thành quốc gia mở cửa đầu tiên tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Việt Nam giờ đây đang tăng cường tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho người dân.

Trong khi có cùng khởi đầu nhưng giờ đây, Trung Quốc vẫn đang loay hoay chưa tìm lối ra bởi “sự bảo thủ”, cố chấp duy trì “Zero Covid”. Chỉ chấp nhận vaccine nội địa, phản đối nhập khẩu vaccine mRNA hiệu quả hơn và tiếp tục sử dụng các biện pháp đóng cửa trên toàn thành phố.

Bởi luôn đóng cửa, phong tỏa và xét nghiệm mặc cho tỷ lệ tiêm phòng tăng cao đang khiến kinh tế, du lịch và cả đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Kết quả thấy rõ nhất là chính việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phải công khai thừa nhận “Kinh tế đất nước đang gặp khó khăn…”.

Để thấy rõ sự thành công của Việt Nam, trang Bloomberg đã nhấn mạnh rằng “Việt Nam chính là hình mẫu trong việc chống dịch, và cũng là hình mẫu cho việc dẫn đầu xu thế tại Châu Á”.

Theo đó, để nhập cảnh vào Việt Nam, du khách không cần cách ly, không cần xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Trong khi đó, con đường vào Trung Quốc lại yêu cầu phức tạp hơn rất nhiều. Giờ đây, ở thời điểm tháng 8/2022, việc di chuyển giữa các thành phố cũng là điều khó khăn, huống gì đi du lịch nước ngoài, Bloomberg bình luận.

Du khách nước ngoài quay lại Việt Nam sau 2 năm đóng cửa du lịch.

Việc thực hiện chính sách mở cửa, phục hồi kinh tế sau đại dịch đã đem lại những chuyển biến rõ rệt và tích cực ở Việt Nam. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp song Việt Nam vẫn tiếp tục trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7%, trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều thừa nhận rằng nước này sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP Quý II/2022 tăng trưởng 7,7%, ước tính cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trong đó, sản xuất chiếm 2,4%, dịch vụ bao gồm cả bán lẻ và du lịch đóng góp 2,9% vào tăng trưởng chung. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, khách du lịch đến các điểm nghỉ dưỡng như đảo Phú Quốc cũng tăng mạnh.

Kết quả này là minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ. Còn ở Trung Quốc, khách du lịch đến đảo Hải Nam gặp khó khăn khi điểm nóng du lịch này bắt đầu đóng cửa sau khi bùng phát dịch Covid-19 trở lại. Chắc chắn, trải nghiệm này sẽ để lại ấn tượng vô cùng “không tốt” cho khách du lịch khi ghé thăm quốc gia này.

Huyền Trang (Theo Bloomberg)

Đọc nhiều