419
category
599962

Liệu Covid-19 có phải là “sát thủ vô hình” khiến trẻ em tự tử?

Lan Hoa 12/04/2022 10:49

Vừa qua, Nortonchildrens – trang tin của tổ chức chăm sóc trẻ nhỏ phi chính phủ nổi tiếng trên thế giới có đăng tải một bài viết khiến bạn đọc phải thật sự suy ngẫm, kèm theo đó là chút cảm giác đau xót. Với tựa đề “Gia tăng tỷ lệ trẻ em tự tử trong đại dịch Covid-19”, bài viết như một hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới tinh thần của trẻ nhỏ.

Mở đầu bài viết, tác giả đề cập đến sự quan tâm của các y bác sĩ về mối tương quan giữa đại dịch Covid-19 và tỷ lệ tự tử ở trẻ em. Trích theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (ED) cho hay: “Bắt đầu từ tháng 4/2020, tỷ lệ các lần khám ED liên quan tâm lý của trẻ em đã tăng và duy trì ở mức cao cho đến tháng 10/2020. So với năm 2019, tỷ lệ khám tâm lý của trẻ em từ 5 – 11 tuổi và từ 12 – 17 tuổi lần lượt tăng xấp xỉ 24% và 31%”.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ vinh dự được lãnh đạo TP.HCM khen thưởng đột xuất

Mặc dù đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào nói về vấn đề này nhưng các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đều có chung một nhận định rằng “Ngày càng có nhiều trẻ em phải tìm đến bác sĩ tâm lý, ngày càng gia tăng thêm trẻ vị thanh niên có ý định tự tử và ngày càng nhiều thêm các vụ tự tử ở nhóm người dưới 18 tuổi”. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng đau lòng này?

Covid-19, “sát thủ vô hình” ám ảnh tâm lí trẻ nhỏ?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng nhất của thực trạng này là do ảnh hưởng sâu xa đến từ dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, dịch bệnh kéo dài, trẻ em không thể đến trường học tập và giao lưu cùng bạn bè. Các bé phải sống trong môi trường ngột ngạt, căng thẳng, mọi hoạt động thể dục thể thao của các em cũng bị đóng băng. Bệnh viện điều trị tâm lý cho các em cũng bị hạn chế hoạt động. Không đến trường, thầy cô giáo và bạn bè cũng không thể nhận ra những đổi thay về mặt tâm lý của các em.

Từ đó, nhóm đối tượng này trở nên bị cô lập, bị căng thẳng lên đến tột cùng nhưng không có ai, cũng không có chỗ nào cho các em chia sẻ và giãi bày. Ngày qua ngày, nỗi đau tinh thần của các em ngày càng lớn, buộc các em phải tìm lựa chọn “thiếu lí trí” để giải thoát cho chính mình.

Bên cạnh đó, yếu tố gia đình cũng được các chuyên gia nhắc đến trong nguyên nhân khiến trẻ em tự tử. Cha mẹ nghỉ làm, nguồn thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình trở nên bị đảo lộn khiến không khí gia đình cũng trở nên căng thẳng. Chưa kể đến những em nhỏ đã mất đi cả ông bà, cả cha mẹ và anh chị em trong cao điểm đợt dịch vừa qua.

“Cô đơn, hoảng sợ và mất kiểm soát”- đó là những cụm từ mà Nortonchildrens ghi nhận được nhiều nhất khi thực hiện cuộc khảo sát tâm lý trẻ em độ tuổi 11-17 tuổi tại Mỹ và Ấn Độ. Thực sự đau lòng khi những ngọn lửa tương lai của một quốc gia lại lựa chọn cái chết để kết thúc chuỗi ngày đau khổ của mình trong im lặng. Cái chết này đến từ một sát thủ vô hình – Covid-19.

Thực trạng tại Việt Nam

Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ khi trong thời gian cao điểm dồn toàn lực để chống dịch, thì có một đối tượng rất dễ bị tổn thương về mặt tâm lý nhưng dường như đã bị bỏ quên đó là trẻ em. Phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, mặc dù thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có dấu hiệu giảm bớt, nhưng vấn đề về tâm lý trẻ em sau dịch bệnh vẫn chưa được quan tâm nhiều.

Vào ngày đầu tiên của tháng 4, phụ huynh và học sinh Việt Nam đã bị chấn động trước cái chết thương tâm của một em học sinh 15 tuổi ở Hà Nội. Theo nguồn tin từ gia đình, kể từ khi nghỉ dịch và học online ở nhà, đã không dưới 3 lần em có ý định tự tử. Đọc lá thư mà em để lại, dễ dàng nhận thấy nam sinh này đã bị tổn thương tinh thần suốt một thời gian dài, cộng thêm áp lực học tập và áp lực từ phía bố mẹ đã khiến cho em phải tìm đến “cái chết” để giải thoát cho chính bản thân mình.

Việc trẻ phải học tập nhiều giờ liên tục trước máy tính với khối lượng kiến thức lớn dễ khiến trẻ bị mệt mỏi kéo dài, còn việc giảm hoạt động xã hội bên ngoài sẽ khiến trẻ có cảm giác cô đơn, mất động lực phấn đấu trong học tập.

Cơn bão Covid-19 bất ngờ quét qua, trẻ nhỏ dễ bị trầm cảm, lo âu và rối loạn. Không được đến nơi công cộng, lại phải cách ly với chính người thân , bạn bè, các em càng tự thu mình lại và không muốn giao tiếp với ai. Bị áp bức về tinh thần, sức khỏe luôn bị đe dọa chính là “độc lực’’ để các em tự làm hại mình.

Giải pháp cấp bách

Vậy nếu dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, số trẻ em bị rối loạn tâm lý và số vụ trẻ tự tử ở lứa tuổi này ngày càng tăng lên, hậu quả sẽ khó lường như thế nào?. Đã đến lúc, chúng ta phải khẩn trương tìm ra giải pháp để bảo vệ trẻ em trước tình tình dịch bệnh covid còn kéo dài như hiện nay.

Theo Nortonchildrens, trước hết, cha mẹ cần động viên, khích lệ, không tạo áp lực cho con, gần gũi với con, đồng hành và chia sẻ để con vượt qua. Cha mẹ nên chú ý những khác biệt về thói quen, sở thích và tâm trạng để kịp thời loại bỏ đi suy nghĩ tiêu cực của con trẻ. Việc ăn uống đủ chất, lành mạnh, tránh xa các chất kích thích cũng giúp các em dễ dàng vượt qua giai đoạn này.

Trong khảo sát mới đây của Trường THCS Yên Hòa về tâm lý học sinh trong thời gian học trực tuyến thì có tới 54% số học sinh cho biết các em cảm thấy “chịu nhiều áp lực và căng thẳng, 41,2% các em cho rằng học trực tuyến rất chán. Cùng với đó , các em cũng bày tỏ nguyện vọng nhanh chóng được quay trở lại trường học và sớm trở lại các hoạt động một cách bình thường.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục từ 12-4. Theo đó học sinh tất cả cấp học phải đi học trực tiếp (trừ những em phải cách ly) chứ không được lựa chọn hình thức học tập như trước đây.

Theo văn bản trên, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện từ ngày 12-4, tổ chức chăm sóc, giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục cho tất cả trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non (kể cả trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ), tổ chức học tập trực tiếp cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Triển khai nghiêm các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn trường học, chú trọng công tác tổ chức bữa ăn bán trú giúp phụ huynh học sinh an tâm khi cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến trường.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu các nhà trường tổ chức xây dựng và phát triển nền tảng dạy học trực tuyến, hệ thống học liệu số, bài giảng số có chất lượng dùng chung, phù hợp với đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học cho học sinh khi phải đáp ứng yêu cầu cách ly y tế .

UBND TP.HCM giao cho Sở Giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục triển khai hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp với từng cấp học, bậc học hoàn thành mục tiêu, đảm bảo chất lượng và công bằng trong tiếp cận giáo dục…

Cộng với việc xúc tiến tiêm chủng cho toàn dân, bao gồm trẻ từ 5-12 tuổi sẽ là giải pháp tốt nhất để trẻ em thích ứng an toàn với dịch Covid19.

Việc bảo đảm an toàn để sớm đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh đại dịch được coi là giải pháp thích hợp để ngăn chặn những hệ lụy nói trên đối với trẻ em. Càng sớm bao phủ vaccine, càng sớm cho các em đến trường sẽ giúp các em sớm ổn định tâm lý, phát triển đầy đủ về mặt thể chất lẫn tinh thần trong hiện tại và cả tương lai.

Lan Hoa 

Đọc nhiều