420
category
322893

Liệu có ‘tứ giác kim cương’ ở Biển Đông?

30/08/2019 11:40

Hôm 28-8, tàu khu trục Mỹ USS Wayne E. Meyer áp sát đá Chữ Thập và đá Vành Khăn, hai đảo nhân tạo lớn nhất được Trung Quốc tiến hành bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Liệu có tứ giác kim cương ở Biển Đông? - Ảnh 1.
Tàu khu trục Wayne E. Meyer. 

Chúng tôi không có ý tưởng nào về một NATO mới cả.

ELBRIDGE COLBY (cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách chiến lược và phát triển lực lượng)

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) của Mỹ thách thức cùng lúc hai thực thể bị Trung Quốc quân sự hóa.

Giữa bối cảnh Trung Quốc tỏ ra ngang ngược ở Biển Đông, Washington càng cho thấy thái độ phản đối rõ ràng đối với các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là việc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, được nêu rõ trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Đợt FONOPS nêu trên được tiến hành hai ngày sau khi Lầu Năm Góc ra tuyên bố lên án việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông.

Mỹ cũng không phải nước duy nhất lên án hành động của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, cũng như yêu cầu các nước liên quan ở Biển Đông phải tôn trọng UNCLOS. Từ lần đầu tiên tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc tiến vào EEZ và thềm lục địa Việt Nam tháng 7 vừa qua, Nhật Bản và Úc cùng Mỹ lên án hành vi cản trở khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Sức ép công luận quốc tế gia tăng lên Trung Quốc, những cái tên như Mỹ, Nhật, Úc xuất hiện dày hơn phần còn lại. Nó gợi lại những suy nghĩ về “tứ giác kim cương” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc, được cho là bộ tứ an ninh để kiềm tỏa sức ảnh hưởng và các hành động ngày càng lộng hành của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên có nhiều lý do để thấy “tứ giác kim cương” ít nhất chưa thể được thúc đẩy vào lúc này.

Đầu tiên là sự cẩn trọng từ Ấn Độ dù New Delhi hôm 29-8 khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Nói như TS Satoru Nagao, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ), Ấn Độ là chìa khóa, nhưng nước này có sự thay đổi trong bộ quốc phòng và cũng định hướng độc lập về chính sách đối ngoại, nên chưa thúc đẩy ý tưởng “tứ giác kim cương”.

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, ông Nagao cũng cho rằng Ấn Độ ở vị trí đặc biệt khi là thành viên duy nhất trong “bộ tứ” ấy chia sẻ biên giới đất liền với Trung Quốc, nên mọi ý tưởng tương tự đều cần được cân nhắc.

Câu chuyện về bức tranh an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng được ông Elbridge Colby, một chuyên gia Mỹ về an ninh, nói với các phóng viên trong một buổi chia sẻ riêng ở Hà Nội trong tháng 8. Từng là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng từ năm 2017 – 2018, ông Colby khẳng định Mỹ không muốn có một “NATO thứ hai” ở châu Á.

Trong buổi nói chuyện với phóng viên ở Hà Nội mới đây, ông Colby khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nhưng hoàn toàn tôn trọng quyết định của lãnh đạo Việt Nam.

Ông Colby gợi ý rằng Việt Nam có thể xem Nhật Bản như một mô hình trong việc đối diện các thách thức an ninh, đặc biệt vấn đề chủ quyền. Dù chắc chắn có nhiều khác biệt đặc thù, Việt Nam có thể làm theo cách của Nhật Bản trong việc thúc đẩy kinh tế, quân sự, tự cường, tự xây dựng năng lực quân đội – hàng hải.

“Điều đó không có nghĩa là chúng tôi kiến nghị tạo ra một liên minh. Chúng tôi muốn Việt Nam mạnh mẽ hơn, khi đó khả năng gây sức ép của Trung Quốc sẽ giảm, dù Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực kinh tế và chính trị” – ông Colby nói.

Đây cũng là một ý tưởng phù hợp với chính sách tự chủ, chủ động của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao và các vấn đề an ninh. Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục thành công trong việc đưa câu chuyện Biển Đông và UNCLOS vào chương trình nghị sự tại gần như mọi khuôn khổ hợp tác song phương lẫn đa phương.

Sức ép ngoại giao đặt lên Trung Quốc đến thời điểm này là minh chứng cho thấy cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam nhận được sự tán thành của cộng đồng quốc tế.

NHẬT ĐĂNG/ Tuổi Trẻ

Đọc nhiều